Động lực cạnh tranh trong giáo dục đại học

Thứ ba - 16/07/2019 19:50 505 0

Động lực cạnh tranh trong giáo dục đại học

GD&TĐ - Ông Đặng Quang Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - cho rằng: Việc mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) sẽ tạo ra động lực cạnh tranh giữa các trường trong toàn hệ thống để nâng cao chất lượng đào tạo.

Tự chủ ĐH cũng là nội dung mới tiêu biểu của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Mở rộng quyền tự chủ

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH quy định rõ quyền tự chủ là quyền của cơ sở GDĐH được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học. Luật quy định các điều kiện để cơ sở GDĐH được thực hiện quyền tự chủ và khi đó, theo ông Đặng Quang Việt, các quyền tự chủ gồm:

Tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn: Các cơ sở GDĐH được tự chủ mở ngành đào tạo, trừ lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và quốc phòng, an ninh; được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trừ các ngành đào tạo giáo viên; tự chủ trong việc thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học và quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật; tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài.

Động lực cạnh tranh trong giáo dục đại học - Ảnh minh hoạ 2Ông Đặng Quang Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT)

Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, đảm bảo hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính… Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của hội đồng trường.

Tự chủ tài chính, tài sản được thể hiện ở quy định về cơ sở GDĐH đáp ứng điều kiện quy định về điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở GDĐH theo quy định của Luật và tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên được tự chủ xác định mức thu học phí căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.

Đối với cơ sở GDĐH công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, hội đồng trường, hội đồng ĐH quyết định việc sử dụng nguồn tài chính gồm: Quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách Nhà nước cấp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Quyết định nội dung và mức chi từ nguồn thu học phí và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ, bao gồm cả chi tiền lương, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý theo quy định của quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở GDĐH.

Đi cùng với tự chủ ĐH, các cơ sở GDĐH cần thực hiện trách nhiệm giải trình, nghĩa là trách nhiệm báo cáo, minh bạch thông tin đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền, chủ sở hữu và các bên liên quan về việc tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện đúng quy định, cam kết của cơ sở GDĐH. Đó là:

Giải trình về việc thực hiện tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, về việc quy định, thực hiện quy định của cơ sở GDĐH; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện quy định, cam kết bảo đảm chất lượng hoạt động;

Công khai báo cáo hằng năm về các chỉ số kết quả hoạt động trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất với chủ sở hữu và cơ quan quản lý có thẩm quyền;

Động lực cạnh tranh trong giáo dục đại học - Ảnh minh hoạ 3
Ảnh minh họa/ Internet 

Giải trình về mức lương, thưởng và quyền lợi khác của chức danh lãnh đạo, quản lý của cơ sở GDĐH tại hội nghị cán bộ, viên chức, người lao động; thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán hằng năm, kiểm toán đầu tư và mua sắm; giải trình về hoạt động của cơ sở GDĐH trước chủ sở hữu, cơ quan quản lý có thẩm quyền;

Thực hiện công khai trung thực báo cáo tài chính hằng năm và nội dung khác trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH theo quy định của Bộ GD&ĐT; Thực hiện nội dung hình thức giải trình khác theo quy định của pháp luật.

Để tự chủ ĐH phát huy tác dụng trong thực tiễn

Ông Đặng Quang Việt cho rằng: Việc mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH sẽ tạo ra động lực cạnh tranh giữa các trường trong toàn hệ thống để nâng cao chất lượng đào tạo; nâng cao tỷ lệ việc làm và cơ hội thăng tiến cho sinh viên tốt nghiệp; nâng cao hiệu quả đầu tư khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế… để hội nhập và phát triển.

Quá trình đó cũng buộc các nhà quản lý GDĐH phải năng động, chuyên nghiệp hơn trong việc xác định mục tiêu chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường, tái cấu trúc bộ máy tinh gọn, có cơ cấu hợp lý; huy động các nguồn lực để phát triển và không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý… để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu ngày càng cao của thị trường về nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng mà mỗi cơ sở GDĐH cần chủ động để thích ứng.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH, khó khăn nhất để thực hiện thành công tự chủ ĐH là nhận thức về tự chủ, điều kiện quản lý, trình độ quản lý, quản trị GDĐH ở các cấp, các trường, các chủ thể có liên quan (như hội đồng trường, hiệu trưởng, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục…) chưa thực sự đồng bộ so với yêu cầu quản lý, quản trị GDĐH khi thực hiện tự chủ.

Năng lực thực hiện quyền tự chủ ĐH và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH là vấn đề rất quan trọng để đưa tinh thần của Luật, trong đó có tự chủ ĐH vào cuộc sống, phát huy tác dụng trong thực tiễn. Vì vậy, theo ông Đặng Quang Việt, các cơ sở GDĐH phải chủ động xây dựng các điều kiện để nâng cao năng lực, bảo đảm thực hiện được các quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình được giao trong Luật GDĐH.

“Mặt khác, đối với các cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ, ngoài Luật GDĐH còn phải thực hiện nhiều quy định khác như quy định về quản lý Nhà nước đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Luật Viên chức, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… và chủ trương, đường lối của Đảng đối với phát triển GDĐH. Để tự chủ ĐH đi được vào cuộc sống và phát huy tác dụng thì các văn bản liên quan tới chính sách tự chủ của cơ sở GDĐH cần được chỉnh sửa, thống nhất với các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH” - ông Đặng Quang Việt cho hay.

Tác giả bài viết: Thảo Đan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập530
  • Hôm nay19,693
  • Tháng hiện tại297,823
  • Tổng lượt truy cập51,653,782
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944