Gần 20.000 đại biểu cùng bàn giải pháp phòng chống bạo lực học đường

Thứ tư - 17/04/2019 03:37 406 0

Gần 20.000 đại biểu cùng bàn giải pháp phòng chống bạo lực học đường

GD&TĐ - 640 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham gia của gần 20.000 đại biểu đều thể hiện sự đồng tình, quyết tâm cao trong đảm bảo an ninh, an toàn trường học phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) tại hội nghị do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 17/4.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Hữu Độ; đại diện lãnh đạo Công đoàn giáo dục (GD) Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ LĐTBXH, các cục vụ thuộc Bộ GD&ĐT... Chủ trì các điểm cầu tại 63 sở GD&ĐT là đại diện lãnh đạo UBND tỉnh hoặc lãnh đạo các sở GD&ĐT.

Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GD Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) – cho biết: Thời gian qua, công tác xây dựng và bảo đảm môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo ban hành khá đầy đủ: Luật GD 2005, Luật trẻ em 2016 quy định các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ khỏi BLHĐ.

Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định, 1 chỉ thị liên quan đến nội dung này. Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng đã ban hành theo thẩm quyền 25 văn bản, gồm các thông tư, quyết định, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo điều hành và văn bản hành chính khác.

Với hệ thống văn bản quy phạm, chỉ đạo chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời này, đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở GD trong toàn quốc bảo đảm tốt an ninh, an toàn trường học; bảo đảm môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ… Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng BLHĐ vẫn diễn biến phức tạp ở 1 số địa phương, cơ sở GD; cá biệt có một số vụ việc BLHĐ nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần HS, môi trường GD và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong gần 20 ý kiến phát biểu từ các điểm cầu đều thể hiện đồng tình, thống nhất cao với kế hoạch phòng, chống BLHĐ năm 2019 của Bộ GD&ĐT. Nguyên nhân của tình trạng gia tăng BLHĐ cũng được nêu ra, trong đó có nhiều điểm chung như: Tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập; sự bùng nổ CNTT, mạng xã hội; GD trong một số gia đình chưa thực sự lành mạnh; sự thay đổi nhanh chóng về tâm sinh lý HS.

Một số địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo đảm môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ. Công tác tuyên truyền, GD liên quan đến nội dung này chưa hiệu quả. Thực hiện dân chủ cơ sở trong một số trường học còn hạn chế. Một số nhà giáo, CBQL chưa đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đôn đốc thực hiện ở cơ quan quản lý cấp trên chưa thường xuyên, kịp thời. Phối hợp giữa các sở, ban, ngành tại các địa phương thiếu chặt chẽ; Lương giáo viên hợp đồng 1,2 triệu; vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"…

Gần 20.000 đại biểu cùng bàn giải pháp phòng chống bạo lực học đường - Ảnh minh hoạ 2
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị 

Lấy GD, nêu gương làm chính

Ngay trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thể hiện quan điểm, cần chủ động, tích cực, tập trung vào các giải pháp để “phòng” BLHĐ là chính; ngành GD phải tiên phong, chủ động để thực hiện nhiệm vụ này. Vai trò của nhà trường, nhất là thầy cô giáo chủ nhiệm, phụ trách đoàn, hội, đội, trách nhiệm của không chỉ hiệu trưởng mà cả lãnh đạo nhà trường cần được nâng cao. “Các thầy cô phải trở thành nhà GD, không phải “thợ dạy”. Cần lấy GD, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe.” – Bộ trưởng nêu quan điểm.

Bộ trưởng nhấn mạnh, phòng chống BLHĐ là trách nhiệm của không chỉ các bộ ngành, địa phương, BGH nhà trường… mà là trách nhiệm của từng thầy cô giáo, từng cán bộ, viên chức, người lao động và HSSV trong nhà trường; trách nhiệm của phụ huynh và toàn xã hội. Xem nhẹ bất cứ một khâu nào trong nguyên lý nhà trường-gia đình-xã hội thì hiệu quả công tác phòng chống BLHĐ sẽ không cao.

Là địa phương mới xảy ra sự việc được dư luận chú ý về HS bị bạn đánh hội đồng, ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc sở GD&ĐT Hưng Yên – cho biết, đây là trường hợp đáng tiếc, cá biệt. Tỉnh đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt xử lý nghiêm để làm gương. Ngày 7/4/2019, ngành GD Hưng Yên đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác phòng chống BLHĐ với hơn 16.000 cán bộ, GV, nhân viên tại gần 600 điểm cầu. “Qua đó mới thấy, dù Sở đã triển khai đến tận CBQL, nhưng một số CBQL triển khai tại đơn vị mình còn hời hợt nên GV chưa nắm chắc, từ đó xử lý các việc chưa hiệu quả như mong muốn” – ông Nguyễn Văn Phê chia sẻ.

Để đảm bảo an ninh an toàn trường học, phòng chống BLHĐ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cho rằng: cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình-nhà trường-xã hội để đảm bảo môi trường cho trẻ trưởng thành. Môi trường tốt tự nó đã có ý nghĩa, giá trị GD.

Gần 20.000 đại biểu cùng bàn giải pháp phòng chống bạo lực học đường - Ảnh minh hoạ 3
Ông Nguyễn Văn Hoà-Chủ tịch HĐQT trường Nguyễn Bỉnh Khiêm 

Nhìn nhận về BLHĐ, ông Nguyễn Văn Hoà-Chủ tịch HĐQT trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội)-cho rằng có nguyên nhân quan trọng từ tâm lý lứa tuổi HS, tâm lý GD của nhà trường và giải quyết nó dưới góc độ tâm lý GD. Giải pháp cho việc này là đưa GD giá trị sống, kĩ năng sống vào trong nhà trường, giúp thầy cô xử lý vấn đề của mình tốt hơn, trường học trở nên thân thiện hơn, HS hạnh phúc hơn.

“Ở trường chúng tôi có 3 mục tiêu: xây dựng một môi trường GD thân thiện, HS đến trường phải được hạnh phúc, HS đến trường đều được tiến bộ. Đó trở thành những tiêu chí đánh giá chất lượng GD của nhà trường, của các thầy cô. Việc đánh giá những tiêu chí này thường xuyên góp phần nâng tầm nhà trường. Cô giáo, nhà trường quan tâm đến hạnh phúc của học trò thì bạo lực sẽ giảm dần, sẽ không hết được nhưng từ chuyện to thành nhỏ, từ nhỏ thành không có gì. Tôi cho đây là cách giải quyết hiệu quả trong vấn đề giải quyết BLHĐ” – ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Gần 20.000 đại biểu cùng bàn giải pháp phòng chống bạo lực học đường - Ảnh minh hoạ 4
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội nghị 

Phòng chống BLHĐ là trách nhiệm của toàn hệ thống

Giải quyết BLHĐ, ông Lê Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên – nhìn nhận đây không phải và không thể chỉ là công việc của ngành GD mà là của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội, trong đó vai trò của ngành GD là quan trọng.

Ông Quý cũng cho rằng, cần tăng cường việc quản lý HS ở cả gia đình, nhà trường và xã hội; tập huấn cho phụ huynh về cách xử lý khi có có vấn đề xảy ra; tăng cường lồng ghép, tích hợp GD phòng chống BLHĐ, đảm bảo an ninh và an toàn trường học trong nội dung chính khóa và hoạt động ngoài giờ lên lớp; Bộ GD&ĐT cần đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp gỡ bỏ các clip, phim ảnh độc hại trên internet…

Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTBXH) chia sẻ giải pháp đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát huy vai trò của Tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em 111 và lưu ý: đây không chỉ là đường dây nóng, sử dụng khi có sự việc xảy ra mà còn là tổng đài tư vấn. Ông Nam hy vọng, thông tin về tổng đài này sẽ được tuyên truyền phổ biến rộng rãi hơn nữa, đặc biệt trong các nhà trường.

Tổng kết và ghi nhận các ý kiến phát biểu, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận các giải pháp đưa ra có nhiều điểm chung, trong đó có việc cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa gia đình-nhà trường-xã hội.

Để phòng chống BLHĐ, thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, trước hết phải đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nhận diện BLHĐ.

Cùng với đó là xây dựng môi trường GD dân chủ, an toàn, lành mạnh. Tích hợp nội dung GD phòng chống BLHĐ vào chương trình và các hoạt động GD. Bồi dưỡng nâng cao năng lực phẩm chất nhà giáo, đặc biệt là GV chủ nhiệm. Nhanh chóng hoàn thiện văn bản và tăng cường kiểm tra, giám sát từ Bộ cho đến địa phương. Làm tốt công tác phối hợp giữa các bộ ngành, tổ chức liên quan, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành...

Gần 20.000 đại biểu cùng bàn giải pháp phòng chống bạo lực học đường - Ảnh minh hoạ 5
Hội nghị có sự tham gia của Bộ Công an, Bộ LĐ-TB-XH và các cơ quan, đơn vị liên quan

Với sự đồng thuận, cộng đồng trách nhiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thể hiện niềm tin và sức lan tỏa của hội nghị về đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng, chống BLHĐ. Bộ trưởng đồng thời lưu ý cần tăng cường phổ biến các văn bản, quy định, đặc biệt văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phỉ, chỉ thị, thông tư của Bộ GD&ĐT có liên quan đến vấn đề này.

Các cơ sở GD phải cụ thể hóa bằng kế hoạch của nhà trường; trong đó phân công rõ trách nhiệm, đặc biệt của lãnh đạo nhà trường, người đứng đầu nhà trường... Nhà trường, GV tích cực gắn kết với phụ huynh; gắn kết với địa phương, công an, các tổ chức cơ quan liên quan để phối hợp tìm hiểu, giải tỏa mâu thuẫn, nắm bắt được hoàn cảnh HS, vấn đề HS gặp phải... Hoạt động đoàn, hội, đội cần thiết thực hơn.

Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch; kịp thời đôn đốc nhắc nhở, phát hiện điển hình tốt, xử lý nghiêm khắc kịp thời vi phạm; nhất quyết không để kế hoạch chỉ là trên giấy.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn. Ảnh: Việt Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập220
  • Hôm nay26,487
  • Tháng hiện tại289,109
  • Tổng lượt truy cập51,645,068
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944