Để tìm hiểu thêm về lợi ích và những rủi ro liên quan, Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với TS Hoàng Việt Hà - Giám đốc Trường Swinburne Việt Nam (một cơ sở của Trường Đại học Swinburne - Australia) về vấn đề liên quan.
- “Gap year” là gì và nó mang lại lợi ích như thế nào?
- “Gap year” là giai đoạn tạm dừng học tập tại trường, hay tạm dừng công việc đang làm để tham gia trải nghiệm cá nhân như du lịch, hoạt động xã hội, làm việc... Gap year thường xảy ra khi kết thúc trung học phổ thông, hoặc trong và sau giai đoạn học đại học, cao đẳng. Gap year rất phổ biến ở các nước châu Âu, Mỹ và Australia. Xu hướng này cũng được nhiều bạn trẻ Việt Nam quan tâm trong bối cảnh hội nhập và trở thành “công dân toàn cầu”.
Tôi rất thích một bài hát của cố nhạc sĩ Trần Lập: “Vì đời là những chuyến đi dài, để được sống với đam mê, dẫu có dại khờ”. Những năm tháng cuộc sống đều là những “chuyến đi” trên hành trình trải nghiệm để đem lại giá trị tích cực trong cuộc sống mỗi người. Tại Swinburne, chúng tôi gọi quá trình học của sinh viên là một hành trình trải nghiệm, bao gồm các trải nghiệm về học tập, quốc tế, việc làm và xã hội.
Theo nghiên cứu năm 2015 của Mỹ (American Gap Association) về động lực tham gia “Gap year” của các bạn trẻ, đây là cách để tăng trải nghiệm cuộc sống và phát triển cá nhân (92%), du lịch và trải nghiệm văn hoá khác (85%), nghỉ giải lao trong quá trình học (82%). Một số khác để tìm kiếm cơ hội học tập, trải nghiệm việc làm.
Cũng theo nghiên cứu này, “Gap year” giúp phát triển cá nhân (98%), tăng sự tự tin (96%), tăng khả năng giao tiếp, hoà đồng xã hội (93%) và hầu hết người được hỏi đều có nhận xét là trải nghiệm từ “Gap year” giúp nâng cao khả năng thành công nghề nghiệp, hiểu biết về văn hoá và nhận thức bản thân như một công dân toàn cầu.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rủi ro khi tham gia “Gap year” là không kết thúc được chương trình học, gặp khó khăn về tài chính…
- “Gap year” khá phổ biến ở phương Tây, vậy ở Việt Nam điều này có thể gọi là hiện tượng hay xu hướng, thưa ông?
- “Gap year” khá phổ biến ở châu Âu, Mỹ, Australia. Ngay như con gái của cựu tổng thống Hoa Kỳ Obama cũng lựa chọn “Gap year” trước khi tham gia học đại học. Ở Việt Nam việc này chưa thực sự phổ biến, vì một số lý do như bạn trẻ chưa chủ động được về tài chính, việc học tập, sự nghiệp được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của các bậc phụ huynh và cũng chưa có nhiều lựa chọn để có thời gian “Gap year” bổ ích.
Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn trẻ quan tâm tới vấn đề này, vì một bộ phận gia đình có điều kiện hơn, xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng và các bậc phụ huynh dần nhận biết được giá trị về tâm lý, sức khoẻ tinh thần, các trải nghiệm tích cực về đời sống xã hội, quốc tế có ý nghĩa quan trọng với con em họ trong quá trình học tập và làm việc sau này.
- Trường đại học và các tổ chức GD có vai trò thế nào trong việc giúp học sinh, sinh viên có trải nghiệm tích cực?
- Quá trình học tập cũng được coi là một hành trình trải nghiệm. Khi học đại học, ngoài học trực tiếp tại trường, sinh viên cần được tạo điều kiện để có những trải nghiệm về văn hoá, nghề nghiệp, môi trường quốc tế. Việc “Gap year” có thể coi như một dịch vụ nhà trường hỗ trợ, cung cấp cho sinh viên.
Ví dụ, khi sinh viên tạm ngừng học (defer), các tín chỉ học tập tại Trường Swinburnecó giá trị tới 10 năm. Tức là 10 năm sau, sinh viên vẫn được công nhận kết quả đã học và tiếp tục học. Việc này giúp các em chủ động việc tạm ngưng học để theo đuổi các chương trình trải nghiệm cá nhân và sau đó quay lại học.
Nếu trường học có thể cung cấp học kỳ trao đổi, nhằm giúp sinh viên tới các quốc gia khác để học tập, qua đó trải nghiệm thêm về văn hoá, môi trường toàn cầu, giá trị trải nghiệm cuộc sống của sinh viên cũng tăng lên. Xu hướng này đang mở rộng, nhiều sinh viên từ châu Âu, Mỹ, Anstralia qua Việt Nam tham gia học kỳ exchange hoặc study tour. Một số trường đặt mục tiêu cụ thể là 30% hay 80% sinh viên sẽ có một kỳ trải nghiệm học tập tại nước ngoài. Các kỳ học này đều được công nhận tín chỉ học tập.
Việc tiếp xúc, làm việc tại doanh nghiệp để tăng trải nghiệm thực tế được đưa vào các chương trình OJT (On the Job training) cũng được chú trọng. Sinh viên có thể có lựa chọn học một số môn tại trường hoặc làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài nước từ 1 - 2 học kỳ (industry placement). Điều này giúp bạn trẻ có trải nghiệm thực tế mà vẫn nhận được tín chỉ như là đi học.
Ngoài các trường đại học, một số tổ chức phát triển năng lực cá nhân hiện cũng cung cấp dịch vụ thực tập quốc tế, trải nghiệm thực tế hoặc các chương trình study tour giúp sinh viên nâng cao trải nghiệm cuộc sống.
Trải nghiệm cuộc sống thực tiễn không còn là nhu cầu cá nhân của sinh viên mà dần được đưa vào chương trình học như một giá trị giúp bạn trẻ phát triển cá nhân, điều này đã được chứng minh đem lại hiệu quả tích cực cho việc học tập và phát triển nghề nghiệp. - Tiến sĩ Hoàng Việt Hà