Có phụ huynh lo lắng nếu con chọn một ngành rất rộng thì sợ sẽ mông lung trong “biển” lĩnh vực đó? Còn nếu chọn ngành với tên rất hẹp, khi ra trường, có những diễn biến thay đổi về nhân sự, bối cảnh kinh doanh, xã hội thì lo ngại về khả năng ứng biến của con.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương tư vấn, trường hợp này, phụ huynh và thí sinh – là những người “đi mua” dịch vụ giáo dục đại học nên phải là “người tiêu dùng thông minh”.
Theo đó, để chọn mua dịch vụ, chúng ta phải xem dịch vụ đó như thế nào. Hãy nhìn sâu vào chương trình đào tạo, cách mà ngôi trường đó giảng dạy để quyết định. Đối với một trường đại học, khi xây chương trình đào tạo, đều tiếp cận cả 2 góc độ: độ rộng và độ hẹp. Nếu phụ huynh, thí sinh xem chương trình đào tạo thấy đáp ứng được cả hai yếu tố này thì nên chọn, dù tên ngành đó có thể “hẹp” hoặc “rộng”.
Trước câu hỏi của thí sinh về việc nên chọn ngành nào "VIP", "hot", PGS.TS Vũ Thị Hiền trao đổi, việc chọn ngành, chọn nghề, liên quan đến cả một tương lai rất dài. Lời khuyên là nên cho chính bản thân mình nhiều cơ hội. Chúng ta phải tạo ra nhiều năng lực cốt lõi, có nghĩa không nên chỉ học một ngành duy nhất mà nên học cách tiếp cận liên ngành.
Học kinh tế nhưng các em có thể học thêm luật, hay khoa học dữ liệu dưới nhiều hình thức, không nhất thiết phải có thêm một tấm bằng nữa nhưng cần có một khối lượng kiến thức đủ lớn để có cơ hội ứng phó rất tốt trong tương lai.
Phụ huynh, thí sinh băn khoăn chọn ngành, trường học. |
Đưa ra lời khuyên với thí sinh, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa tư vấn, thí sinh đừng nên thấy ngành nào đang “hot”, có nhu cầu mà thi nhau đăng ký xét tuyển.
“Ngành học hot, nhưng bản thân mình có “hot” hay không, có học tốt hay không mới là điều quan trọng. Các em cần tự trả lời những câu hỏi: Có thích ngành học đó không? Bản thân có năng lực phù hợp với ngành đó không? Ngành đó có phát triển hay không? Học phí ngành đó có phù hợp với điều kiện gia đình? Điểm chuẩn có phù hợp với mình?”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh khuyến nghị và cho rằng, ngành “hot” bây giờ nhưng chưa chắc còn “hot” trong 5 năm nữa. Do đó thí sinh cần cân nhắc.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) tư vấn, thí sinh nên chọn ngành học trước rồi mới chọn trường.
Ngành học cần được chọn dựa trên sự đam mê, yêu thích cùng năng lực, sở trường của mình, bởi các em sẽ theo đuổi nghề đó trong suốt giai đoạn rất dài. Nếu lựa chọn sai ngành, việc chúng ta thi lại, học lại và chuyển đổi sẽ mất nhiều thời gian cũng như những nguồn lực khác.
Không nên chỉ vì thích một trường mà lựa chọn tất cả ngành học trong trường đó, để nhất định trúng tuyển vào trường đó. Điều này có thể khiến các em thấy hối tiếc sau này.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khuyên thí sinh hãy cân nhắc để lựa chọn ngành học, sau đó xem những trường đại học, cơ sở đào tạo nào có uy tín, so sánh giữa các trường (dựa trên tìm hiểu thông tin về môi trường, đội ngũ, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ, phòng thí nghiệm hỗ trợ việc đào tạo, mạng lưới doanh nghiệp...) để chọn nguyện vọng phù hợp với mình nhất.
Điều quan trọng là các em cần nắm vững chương trình đào tạo của ngành đó như thế nào, kèm với những thông số phụ trợ như trên. Ngoài ra, cần để ý đến các yếu tố về năng lực tài chính của gia đình, khoảng cách địa lý... để cân nhắc lựa chọn trường nào thích hợp nhất với bản thân.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Chúng tôi từng gặp những trường hợp đăng ký hơn 100 nguyện vọng. Điều này không cần thiết và lãng phí. Thay vào đó, các em nên chia nguyện vọng của chúng ta thành các nhóm: trường top đầu, top trung - phù hợp với năng lực của mình hơn thì cơ hội trúng tuyển của chúng ta sẽ cao hơn rất nhiều.
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc