Làm sao để các kỳ thi đánh giá năng lực phát huy hiệu quả trong tuyển sinh, mang lại lợi ích cho các trường, đồng thời là một phương thức đơn giản, tích cực cho thí sinh là bài toán các cơ sở giáo dục đại học cần cân nhắc.
PGS.TS Võ Văn Minh. Ảnh: NVCC |
Xét về tính chất, đánh giá năng lực phù hợp với triết lý đổi mới giáo dục hiện nay. Kỳ thi được mong đợi để đo lường năng lực người học; làm cơ sở nhằm tuyển chọn thí sinh phù hợp với từng nhóm năng lực và có chất lượng tốt.
Tuy nhiên, “đánh giá năng lực” không phải là đo lường “kiến thức” như trước đây, vì vậy nếu “trăm hoa đua nở” thì khó “đo” đúng để phân luồng, tuyển chọn… Đo lường và đánh giá năng lực người học là một lĩnh vực của khoa học giáo dục, có phương pháp tiếp cận riêng, cần được nghiên cứu và phát triển.
Hiện, Chương trình GDPT 2018 tiếp cận theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất. Nếu đo lường, đánh giá được tiếp cận đúng sẽ phù hợp để định hướng nghề nghiệp và tuyển chọn người học vào các trường đại học.
Nghị quyết 29-NQ/TW khẳng định “Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo. Đánh giá kết quả đào tạo đại học theo hướng chú trọng năng lực phân tích, sáng tạo, tự cập nhật, đổi mới kiến thức; đạo đức nghề nghiệp; năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ; năng lực thực hành, tổ chức và thích nghi với môi trường làm việc. Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học”.
Để chất lượng tuyển sinh đại học ngày càng tốt hơn, có hiệu quả và giảm chi phí xã hội, trước hết cần chú trọng đánh giá năng lực người học ngay từ trường phổ thông bài bản và thực chất.
“Giao tự chủ tuyển sinh cho cơ sở giáo dục đại học” nên các trường có quyền lựa chọn phương án riêng. Kỳ thi đánh giá năng lực là một cách, nhưng ở đây cần tiếp cận theo hướng phân luồng các nhóm năng lực sẽ phù hợp hơn. Có nhiều nhóm năng lực như: Ngôn ngữ, tính toán, khoa học, thẩm mỹ, thể chất… Cơ sở giáo dục đại học tùy đặc thù mà có giải pháp khai thác mới thu được kết quả đầu vào tốt. Và dù làm kiểu gì cũng phải thực chất và “đánh giá năng lực người học” cũng cần phải dựa trên nền tảng khoa học giáo dục.
PGS.TS Võ Ngọc Dương. Ảnh: NVCC |
Từ năm 2020, ngoài 2 hình thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng sử dụng thêm phương thức xét tuyển mới, đó là:
Phương thức tuyển sinh riêng áp dụng cho thí sinh có thành tích tốt tại các cuộc thi học sinh giỏi, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và quốc gia, học sinh trường chuyên và có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức. Bên cạnh các phương thức trên, từ năm 2022, kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức được nhà trường sử dụng để xét tuyển.
Trên quan điểm cá nhân, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy lấy kết quả xét tuyển vào đại học là cần thiết. Điều này làm đa dạng nguồn tuyển cho các trường đại học, tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh học giỏi và có thành tích cao. Kỳ thi trên hoàn toàn phù hợp với xu hướng các nước. Ví dụ SAT và ACT là hai kỳ thi chuẩn hóa quan trọng được sử dụng để đánh giá khả năng học tập, xét đầu vào và cấp học bổng tại hầu hết trường đại học danh tiếng ở Hoa Kỳ, hay kỳ thi TestAS ở Đức…
Trong tuyển sinh, việc xác định đúng năng lực đầu vào rất quan trọng. Nó giúp các trường phân loại, lựa chọn được thí sinh, phù hợp với tiêu chí đào tạo, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của từng chương trình, lĩnh vực đào tạo và từ đó quyết định chất lượng đầu ra. Do đó, các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy phải đảm bảo được nguyên tắc trên.
Muốn vậy, nội dung kỳ thi phải xây dựng phù hợp chương trình giáo dục phổ thông và đặc thù của từng lĩnh vực, khối ngành đào tạo cũng như yêu cầu của từng trường. Xét theo nguyên tắc trên, mỗi trường tổ chức một kỳ thi là phù hợp với đặc trưng, yêu cầu chất lượng đầu vào. Nhưng nếu trường nào cũng tổ chức sẽ tạo áp lực cho thí sinh, lãng phí cho xã hội... Chưa kể, phương án này sẽ tiềm ẩn nhiều tiêu cực, có thể sinh ra việc dạy thêm, học thêm, luyện thi...
Do đó, không nên tổ chức quá nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Các trường dựa vào định hướng đào tạo để xây dựng tiêu chí xét tuyển phù hợp, thống nhất phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Và cũng để đánh giá được chất lượng của các kỳ thi, Bộ GD&ĐT nên tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng. Làm sao để kỳ thi tổ chức phải thật sự khách quan, công bằng, đảm bảo chất lượng, giúp các trường phân loại, tuyển được thí sinh có chất lượng.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng. Ảnh: NVCC |
Sức khỏe là ngành học gần gũi với đời sống nhưng cũng mang tính học thuật rất cao, đòi hỏi nhiều kiến thức liên quan. Vì vậy, không thể tuyển sinh chung như các ngành khác mà cần có kỳ tuyển sinh riêng. Nếu như vậy, những học sinh có khuynh hướng học y khoa sẽ có sự đầu tư học tập từ sớm.
Ví dụ, nếu muốn học y khoa ở Mỹ, thí sinh phải đạt chứng chỉ MCAT (Medical Collega Admission Test). Đây là kỳ kiểm tra riêng biệt đầu vào của ngành y, bao gồm các kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản cộng với kiến thức y khoa cơ bản. Những ngành học khác thì không cần có chứng chỉ MCAT này.
Để kỳ thi riêng cho các trường khối sức khỏe không ảnh hưởng đến phụ huynh, học sinh, cần có một hiệp hội giáo dục y khoa hoặc hội đồng giáo dục y khoa tham gia xây dựng ngân hàng đề thi. Đây nên là một tổ chức phi lợi nhuận với các giáo sư có uy tín trong ngành y khoa cũng như chuyên gia từ ngành khoa học cơ bản khác.
Khi có ngân hàng đề thi, thí sinh đã hoàn thành chương trình trung học phổ thông có thể tham gia thi vào bất kỳ thời điểm nào. Chỉ cần vượt qua kỳ thi này sẽ được xem xét, xét tuyển vào trường đào tạo về y khoa. Các trường có thể áp dụng thêm hình thức khác như phỏng vấn hoặc tùy vào tính chất đào tạo để có những đề kiểm tra riêng biệt nhưng vẫn nằm trong ngân hàng câu hỏi đã được xây dựng chung.
Tác giả bài viết: Hà Nguyên (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc