Triển khai ôn tập thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất khi có đề tham khảo là nhiệm vụ được ưu tiên tại các nhà trường hiện nay.
Theo cô Trương Thị Cẩm Thúy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), đề tham khảo có vai trò quan trọng trong việc định hướng quá trình ôn tập của giáo viên và học sinh. Các tổ chuyên môn trên nền tảng cấu trúc đề tham khảo sẽ định hướng xây dựng nội dung ôn tập, rèn kỹ năng cho học sinh đầy đủ hơn; đồng thời xây dựng đề thi thử cho trò rèn luyện.
Là Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), cô Nguyễn Thị Xuân Thi nhận định đề tham khảo Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 vẫn ổn định cấu trúc như những năm trước. Nội dung bám sát chương trình lớp 12; câu hỏi và yêu cầu đề bảo đảm các cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Chia sẻ về việc triển khai ôn tập sau khi có đề tham khảo, cô Nguyễn Thị Xuân Thi cho biết, từ đầu năm học, nhà trường đã có sự chuẩn bị trong giảng dạy và kiểm tra đánh giá; các bài kiểm tra luôn bám sát yêu cầu đề thi tốt nghiệp THPT. Đến thời điểm này, học sinh đã có đầy đủ kỹ năng và chuẩn bị hoàn thành kiến thức để đáp ứng kỳ thi sắp tới. Ngoài ra, nhà trường còn soạn riêng 1 bộ đề cương bám sát cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT để học sinh thực hành trong thời gian ôn tập.
Với môn Toán, thầy Giáp Văn Khương - Tổ trưởng tổ Toán, Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) đánh giá: Đề tham khảo năm 2024 ổn định về cấu trúc, nội dung và mức độ như đề thi tốt nghiệp THPT 2023. Có một số câu hỏi vận dụng liên hệ kiến thức toán học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Đề có khoảng 40% câu hỏi ở mức độ nhận biết, 30% thông hiểu, 20% vận dụng thấp và 10% vận dụng cao. Các câu hỏi vận dụng cao đòi hỏi học sinh phải có năng lực nhất định, biết phân tích, phán đoán, phát hiện và áp dụng kiến thức cơ bản, kỹ năng vào giải toán.
“Để triển khai ôn tập hiệu quả với đề tham khảo, thầy cô sẽ hệ thống kiến thức và các dạng bài tập cơ bản của từng bài, chương trong SGK lớp 12. Giáo viên cần tổng hợp được các dạng bài toán; ra đề thi thử bám sát mức độ, cũng như cấu trúc của đề tham khảo cho học sinh làm quen; sau đó chữa, đánh giá rút kinh nghiệm. Việc phân loại học sinh để ôn tập theo các mức độ cũng quan trọng để đạt hiệu quả.
Với học sinh, ôn tập kiến thức trọng tâm cơ bản của các bài, chương lớp 12 là nắm vững công thức kiến thức, kỹ năng làm bài, có thể đạt được điểm từ 7 đến 8,4. Kiến thức nâng cao đòi hỏi các em có năng lực nhất định, rèn luyện kỹ năng hằng ngày để va chạm các dạng toán khó cũng như tăng cường khả năng tư duy vấn đề”, thầy Giáp Văn Khương lưu ý.
Từ phân tích đề tham khảo môn Vật lý, thầy Ngô Văn Hồng - Trường THPT Khoái Châu, Hưng Yên cho rằng, học sinh chỉ học kỹ kiến thức SGK là được điểm trên trung bình.
“Trong ôn tập, chúng tôi tăng cường thực hành để rèn luyện các kỹ năng thực tiễn; yêu cầu học sinh đọc kỹ, tìm hiểu sâu kiến thức trong SGK. Chúng tôi cũng thường xuyên ôn tập các phần đã học để các em có năng lực, kiến thức, kỹ năng chắc chắn; yêu cầu học sinh lập sơ đồ tư duy và nộp cho giáo viên sau mỗi chương”, thầy Ngô Văn Hồng chia sẻ.
Ảnh minh họa ITN. |
Lưu ý về công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sau khi có đề tham khảo, ông Nguyễn Minh Nhiên - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT Bắc Ninh) cho biết: Các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cần chỉ đạo các tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, phân tích cấu trúc đề tham khảo. Mỗi đơn vị xây dựng 1 đề ôn tập/môn, tổ chức rà soát, thẩm định, gửi sản phẩm về sở trước ngày 5/4.
Các nhà trường cũng cần triển khai xây dựng kế hoạch ôn tập bám sát nội dung đề tham khảo; phân công giáo viên hoặc nhóm giáo viên xây dựng đề, chuyên đề ôn tập đảm bảo phù hợp từng nhóm đối tượng học sinh. Ngoài ra, các trường, cụm trường xây dựng, tổ chức hiệu quả các nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn, cụm chuyên môn; tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên giảng dạy lớp 12 tham gia đầy đủ các hoạt động chuyên môn do sở GD&ĐT, cụm trường tổ chức.
Triển khai đề tham khảo trong ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Thái Bình, ông Nguyễn Viết Huy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Thái Bình) nhấn mạnh việc các trường chỉ đạo tổ chuyên môn hoàn thành chương trình theo kế hoạch năm học 2023 - 2024; tuyệt đối không cắt xén chương trình.
Cùng đó, xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập, tập trung vào học sinh đại trà với các mức độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng kiến thức, bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT; có thể luyện tập nhiều lần cho cùng một vấn đề mà học sinh chưa nắm chắc.
Việc xếp lớp ôn tập cần theo khả năng nhận thức; các học sinh trong một lớp ôn tập phải có học lực tương đương; có nhu cầu tự nguyện, phù hợp với định hướng nghề nghiệp và lựa chọn trường đại học của các em. Đối với học sinh khá, giỏi… có nhu cầu xét tuyển vào các trường đại học tốp cao cần linh hoạt, cá nhân hóa người học trong việc giao thêm bài tập ở mức độ vận dụng cao.
“Các trường nên tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ thông tin, tiện lợi của các phần mềm quản lý dạy học, kiểm tra đánh giá để giao bài tập, thống kê kết quả làm bài của học sinh để kịp thời phân tích, điều chỉnh nội dung ôn tập sao cho phù hợp với các nhóm.
Hãy nhắc trò phân chia thời gian hợp lý khi ôn tập các môn, đặc biệt trong điều kiện các em có thể tham gia cùng lúc nhiều kỳ thi riêng của trường đại học (thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…). Thời điểm này, cha mẹ nên tập trung chăm lo chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của các em”, ông Nguyễn Viết Huy lưu ý thêm.
Đề tham khảo chỉ là một kênh thông tin để giáo viên, học sinh hiểu thêm về mức độ câu hỏi. Các nhà trường cần căn cứ vào nội dung chương trình, SGK lớp 12 (Chương trình GDPT 2006) để xây dựng hệ thống đề, chuyên đề ôn tập phù hợp với mỗi nhóm học sinh. - Ông Nguyễn Minh Nhiên
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn
Ý kiến bạn đọc