Để tăng tính trải nghiệm cho sinh viên và tạo giá trị cho cộng đồng, các chương trình tình nguyện do Đoàn trường, Hội Sinh viên tổ chức luôn gắn kết với chuyên môn như xây dựng web quảng bá thương hiệu du lịch cho địa phương, chuyển giao công nghệ... Cùng đó, Đoàn trường một số đơn vị đã tổ chức miễn phí các khóa học khởi nghiệp cho học sinh phổ thông.
Khi các cơ sở giáo dục đại học bắt đầu đưa khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy thì Đoàn trường Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng khởi động một dự án dài hơi cho học sinh phổ thông.
Với quan điểm học sinh khi kết thúc THPT theo ngành kỹ thuật sẽ có những giải pháp về công nghệ nhưng không biết cách thương mại hóa sản phẩm. Như vậy, nếu các em được trang bị kiến thức cơ bản về kinh doanh, có tinh thần doanh nhân có thể tính tới chuyện “bán” được sản phẩm.
Lớp học này được Đoàn trường tổ chức vào Chủ nhật hằng tuần cho học sinh 2 trường: THPT Ông Ích Khiêm và THPT Phan Thành Tài (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Nhiều học sinh tham gia khóa học được truyền cảm hứng khởi nghiệp, tinh thần dám nghĩ, dám làm và tiếp tục duy trì khả năng sáng tạo khi bước chân vào giảng đường đại học.
Cùng với chương trình đào tạo khởi nghiệp cho học sinh phổ thông, Đoàn trường Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng tổ chức sân chơi ECO Fest - Ươm mầm khát vọng khởi nghiệp. Tham gia chương trình, học sinh được làm quen với khởi nghiệp, tinh thần sáng tạo. Thông qua tìm kiếm những ý tưởng sơ khai từ các dự án, em nào có tiềm năng và yêu thích khởi nghiệp sẽ được chọn để tiếp tục đào tạo.
Những kiến thức như chiến lược kinh doanh, nhân sự, quản trị chuỗi và sản xuất… khá mới mẻ và bỡ ngỡ với học sinh phổ thông nhưng được mềm hóa thông qua hoạt động làm việc nhóm, thảo luận… trong các buổi đào tạo.
PGS.TS Lê Văn Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐH Đà Nẵng thông tin: “Ở Israel hay Ireland, tinh thần doanh nhân được đào tạo từ 15 - 18 tuổi. Đây là lúc các em chính thức học về đổi mới, sáng tạo, chấp nhận rủi ro. Phải có nền tảng này mới học tiếp các kiến thức khởi nghiệp. Trong giáo dục khởi nghiệp, mục tiêu đầu tiên không phải là truyền thụ kiến thức mà là thay đổi thái độ”.
Từ những kiến thức về khởi nghiệp, chương trình Mùa hè xanh năm 2019 của Đoàn trường Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng có một nhóm sinh viên thiết kế trang website giúp quảng bá các điểm du lịch cho huyện Nam Giang (Quảng Nam).
Trong gần 1 tháng, sinh viên các ngành Quản trị kinh doanh, Kinh tế chính trị, Kinh doanh quốc tế, Du lịch đã tìm tòi, nghiên cứu và hoàn thiện các sản phẩm, ấn phẩm du lịch và bàn giao cho địa phương quảng bá, phát hành.
Phương Hồng Bảo - phụ trách nhóm vẽ bản đồ và làm sổ tay du lịch, nhớ lại: “Để có thông tin, điểm đến đầy đủ cho tấm bản đồ, nhóm phân công các thành viên đi khảo sát tỉ mỉ về địa hình cũng như hỏi từng người dân địa phương. Có tấm bản đồ này, khách du lịch hay người dân muốn tìm hiểu, nghiên cứu về Nam Giang có thể dễ dàng tìm thấy những tuyến đường, địa điểm hấp dẫn tại đây như: Làng dệt, thác Grăng, sông Thanh...”.
Bản đồ còn chỉ dẫn khách du lịch biết những chỗ có thể dừng chân nghỉ ngơi hay vị trí cây xăng, quán ăn, chỗ sửa xe, Trung tâm Hành chính huyện, trạm Y tế, cây ATM... khi gặp sự cố hay có việc cần.
Ngoài tấm bản đồ, cuốn sổ tay du lịch còn cung cấp hình ảnh, thông tin sơ lược về văn hóa, địa điểm, ẩm thực Nam Giang; trong đó có gợi ý lịch trình du lịch 2 ngày 1 đêm và các thông tin liên lạc cần thiết như: Nhà nghỉ, quán ăn, người cho thuê dịch vụ du lịch, hướng dẫn trải nghiệm sống cùng người bản địa...
Tuổi trẻ Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cùng người dân huyện Hòa Vang tạo dựng thương hiệu OCOP. Ảnh: NTCC |
Nhóm sinh viên Khoa Sinh – Môi trường, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng đã thử nghiệm và hoàn thành dự án thức ăn chăn nuôi tận dụng bã thải nông nghiệp. Từ ý tưởng tận dụng bã thải như bã sắn dư thừa có thể lên men bằng sợi nấm làm thức ăn cho gia súc kết hợp với các thành phần khác như cám gạo/ngô đảm bảo dinh dưỡng phù hợp, hạn chế phụ gia và dư lượng hóa chất trong vật nuôi.
“Nhờ có hoạt chất Beta-Glucan trong sợi nấm, sản phẩm không những giúp tăng sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch cho gia súc, gia cầm mà còn bảo vệ người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm chăn nuôi”, sinh viên Thanh Hương - thành viên nhóm dự án chia sẻ và thông tin thêm: Với chi phí cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thực tế, sản phẩm được kiểm định chất lượng tại Trung tâm Kiểm định chất lượng nông lâm thủy sản vùng và hứa hẹn tiếp tục phát triển hoàn thiện ý tưởng, dự án đưa ra thị trường.
Dự án ứng dụng di động giúp chẩn đoán bệnh trên lúa của nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cũng được thực hiện từ ý tưởng phát triển nông nghiệp bền vững. Đây là công cụ có thể sử dụng ngoại tuyến trên thiết bị hoặc trực tuyến đồng bộ với nhiều thiết bị bằng tài khoản, đăng tải miễn phí trên Google Play Store (Android).
Hiện hệ thống các cơ sở dữ liệu gồm hình ảnh, thông tin, giải pháp xử lý của app này bước đầu tập trung cho 3 loại bệnh phổ biến trên lúa là đốm nâu, sâu gai và đạo ôn.
Với ứng dụng này, người nông dân có thể dễ dàng nhận diện sớm các bệnh phổ biến và theo dõi, áp dụng các biện pháp phòng trừ, bảo vệ cây lúa, bao gồm cả thông tin về giống lúa có khả năng chống chịu bệnh, từ đó góp phần giảm thiểu ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất vụ mùa.
Thực tế thử nghiệm với vùng nông thôn Điện Bàn (Quảng Nam) bước đầu cho thấy, khả năng và độ tin cậy giúp phát hiện bệnh đạt gần 90%. Nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện giao diện, nâng cấp thêm chức năng và phạm vi cơ sở dữ liệu phù hợp với thực tế, nhu cầu của nông dân ở các địa phương trồng lúa.
Dự án Chế phẩm sinh học dùng cho nuôi tôm - Probiotics của nhóm sinh viên ngành Khoa học y sinh, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) mở ra hy vọng giúp hạn chế bệnh trên tôm và có giải pháp nuôi tôm an toàn, hiệu quả… Dự án này đã đạt giải Ba tại ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh - sinh viên lần thứ 4 (SV.Startup 2023) do Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.
Đinh Thị Ngọc Ánh - thành viên dự án Chế phẩm sinh học dùng cho nuôi tôm - Probiotics cho biết, nhóm nhận thấy bệnh đường ruột tôm là một trong những nguyên nhân gây tổn thất kinh tế đáng kể cho người nuôi.
“Nhóm đọc nhiều tài liệu và nghiên cứu sử dụng chế phẩm sinh học để phòng tránh, điều trị bệnh trên tôm. Càng nghiên cứu, chúng em tin rằng việc sử dụng chế phẩm sinh học là một trong những giải pháp hiệu quả giúp giảm thiểu tổn thất kinh tế và tăng hiệu quả sản xuất trong ngành nuôi trồng thủy sản.
Qua đó, nhóm hướng đến việc phát triển sản phẩm chế phẩm sinh học dành cho tôm thẻ tại Việt Nam, bởi loại tôm này chiếm sản lượng lớn trong ngành nuôi trồng thủy hải sản cũng như có nhiều thị trường để phát triển mạnh mẽ”, Ngọc Ánh chia sẻ.
Để thực hiện dự án Chế phẩm sinh học dùng cho nuôi tôm - Probiotics, nhóm phân chia nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên, trong đó Trần Nhân Kiệt phụ trách phần thông tin thị trường, marketing, tìm hiểu các thông tin về pháp lý, còn Lan Anh, Ngọc Ánh và Ngô Huỳnh Thiên Ý phụ trách phần phân lập vi khuẩn.
Nhóm đã phân lập chủng Bacillus pumilus từ đất sau đó phối trộn với hai chủng khác để làm cơ sở tạo ra chế phẩm sinh học dùng cho nuôi tôm. Dự án Chế phẩm sinh học dùng cho nuôi tôm – Probiotics được đánh giá có tính sáng tạo và ý nghĩa thực tiễn cao, tạo ra những sản phẩm góp phần giảm lượng vi sinh vật gây bệnh, vừa làm sạch ao nuôi hiệu quả và giá thành rẻ, hứa hẹn trở thành trợ thủ đắc lực cho những người nuôi tôm tại Việt Nam.
Thử nghiệm sản phẩm màu thực vật của dự án Binks tại một số lớp học vẽ ở Đà Nẵng. Ảnh: NVCC |
Các ý tưởng, dự án của sinh viên ĐH Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở kết quả báo cáo, bảo vệ thuyết phục hay dự thi để lấy giải trong các “sân chơi” khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà còn hướng đến thương mại hóa.
Dự án Binks – Mực thực vật, hướng đi mới cho nông nghiệp xanh của nhóm 2 sinh viên thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng vừa lọt vào tốp 50 chung cuộc Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp – SV-STARTUP lần thứ VI do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Chia sẻ của Trần Nhân Kiệt - Trưởng nhóm dự án Binks, nhóm có ý tưởng nghiên cứu, áp dụng sự biến đổi màu sắc theo nhiệt độ và độ pH của hợp chất anthocyanin trích ly từ rau củ quả bỏ đi ở các chợ, nông trại để làm mực trong bút viết và màu vẽ.
Binks không chứa hóa phẩm màu độc hại; giá thành rẻ hơn và độ khô màu nhanh gấp khoảng 6 lần so với màu nước trên thị trường. “Với quy trình lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, sản phẩm được đánh giá cao bởi cộng đồng mỹ thuật tại Đà Nẵng và giới chuyên môn về hóa ứng dụng”, Trần Nhân Kiệt thông tin.
Một số lớp học vẽ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thử nghiệm mực thực vật Binks và có phản hồi tích cực về chất lượng sản phẩm. Hơn 100 sản phẩm được bán ra trong khoảng thời gian từ tháng 11/2023 – 1/2024.
Ngoài ra, nhóm đang kết nối sản phẩm với các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục tại một số tỉnh thành phía Nam để mở rộng thị trường. Theo Nhân Kiệt, đây là tiền đề quan trọng để thương mại hóa sản phẩm vào giai đoạn sau với dự kiến 2 hướng đi mới là mực in và màu nhuộm vải. Đây là 2 nguyên liệu đang chiếm lĩnh nền công nghiệp dệt may và in ấn.
Với Dự án Binks – Mực thực vật đã góp phần giảm mạnh lượng rác thải hữu cơ bằng cách tận dụng phế phẩm hữu cơ, tái tạo, tiết kiệm tài nguyên thực phẩm, giảm ô nhiễm cho bãi rác tại địa phương. Nhóm cũng hy vọng tạo ra sản phẩm có lợi nhuận kinh tế cao nhờ thị trường hoạ cụ phát triển khoảng 22,3% mỗi năm và thúc đẩy nhận thức của người dùng, cổ vũ các phong trào tiêu dùng xanh khi trẻ em và thanh niên sẽ sử dụng mực và màu Binks hằng ngày.
Các “sân chơi” lớn dành cho sinh viên ĐH Đà Nẵng như Cuộc thi Khởi nghiệp Công nghệ trong sinh viên lần thứ 3 do Hội Sinh viên ĐH Đà Nẵng tổ chức; Cuộc thi Startup Runway mùa thứ 7 do Trường ĐH Kinh tế khởi xướng đều hướng đến chủ đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp “thông minh” gắn với chuyển đổi xanh bền vững. Những cuộc thi này đã truyền cảm hứng, sức sáng tạo trẻ cho các nhóm sinh viên phát huy tiềm năng, thế mạnh của quê hương, đem lại nhiều giá trị hữu ích phục vụ cộng đồng.
Tác giả bài viết: Hà Nguyên
Ý kiến bạn đọc