Giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV - Gieo yêu thương, gặt nhân cách: Rèn chữ - Dạy người

Thứ ba - 28/09/2021 19:47 603 0
GD&TĐ - Trong những năm qua, hoạt động đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức GD lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên (HSSV) được triển khai ở tất cả cấp học...
Giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV - Gieo yêu thương, gặt nhân cách: Rèn chữ - Dạy người

Chuyển biến tích cực

Khi tiếp nhận học sinh vào lớp, cô Trịnh Thị Bích Ngọc, giáo viên chủ nhiệm lớp 10D1 (khóa 2017 - 2020), Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (Hà Nội) phát hiện một em thường xuyên có những biểu hiện thiếu chuẩn mực: Ngủ trong giờ học, thậm chí chui xuống bàn học ngủ; đi học muộn; không hoàn thành bài tập; thiếu lễ phép với thầy cô giáo.

Sau quá trình tìm hiểu tâm lý, hành vi của học sinh trên, cô Ngọc đã kết hợp với gia đình để tìm ra biện pháp giáo dục phù hợp. Cô đồng thời báo cáo sự việc với ban giám hiệu nhà trường và nhận được sự phối hợp trong công tác rèn giũa học sinh. Sau một thời gian dài kiên trì, cuối cùng, cả tập thể lớp đã chứng kiến sự thay đổi tích cực từng ngày của em này. “Em đã nhận ra những nhược điểm của mình và dần dần sửa lỗi dưới sự giúp đỡ của các thầy cô giáo và bạn bè trong lớp” - cô Ngọc chia sẻ.

Chị Bùi Thị Hải Hòa, phụ huynh lớp 10D1 (năm học 2020 - 2021, Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm) cho biết, từ những ngày đầu khi HỌC SINH nhập học, mối liên hệ giữa giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh nhanh chóng được thiết lập. “Không chỉ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với gia đình, nhà trường triển khai giáo dục đạo đức thông qua hoạt động trải nghiệm: Giờ học trên lớp, câu lạc bộ (CLB) của lớp và của trường, hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường... rất hiệu quả” - chị Hải Hòa nhận định.

Giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược của Trường THCS Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Chia sẻ của Hiệu trưởng Triệu Thị Thanh Hà cho thấy, với số lượng học sinh đông (45 lớp, 2.020 HỌC SINH), nhà trường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đẩy mạnh tổ chức một số mô hình hoạt động, trong đó nổi bật là giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa thường xuyên, dưới nhiều hình thức.

Kết quả là số học sinh đạt hạnh kiểm tốt nâng lên, hiện tượng vi phạm nội quy giảm đi, không có em nào vi phạm pháp luật. Các em biết vâng lời thầy cô, cha mẹ, đoàn kết, chan hoà, thân thiện với bạn bè,    chăm chỉ hơn trong học tập, tích cực hơn trong các hoạt động giáo dục và xã hội.

“Một trường hợp tiêu biểu là sự tiến bộ vượt bậc của em Nguyễn Ngọc Khôi. Năm lớp 6, Khôi học yếu, lười học, liên tục vi phạm nội quy của nhà trường. Mẹ em nhiều lần phải khóc, thậm chí có lúc cảm thấy bất lực. Khôi bị lưu ban đến hai lần lớp 6. Nhà trường đã phối hợp với gia đình và công an phường, kết hợp nhiều biện pháp giáo dục giúp em thay đổi nhận thức, hành vi.

Trong một thời gian kiên trì giáo dục và từ nỗ lực của chính bản thân, Khôi thay đổi hoàn toàn. Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021 - 2022, Khôi đỗ vào Trường THPT Nguyễn Thái Học, ngôi trường có uy tín của thành phố Vĩnh Yên mà nhiều học sinh mong muốn được học” - cô Hà chia sẻ.

Giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV - Gieo yêu thương, gặt nhân cách: Rèn chữ - Dạy người - Ảnh minh hoạ 2
Học sinh  lớp 10A1 (2020 - 2021) Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, Hà Nội gửi quà tặng các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch tại Bắc Giang. Ảnh: NTCC

Phong phú mô hình, hoạt động

Tại các cơ sở giáo dục đại học, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho sinh viên luôn được coi là nhiệm vụ hết sức quan trọng, quyết định rất lớn đến việc nâng cao ý thức công dân, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Để thực hiện được điều đó, một trong những biện pháp được nhà trường chú trọng triển khai là thực hiện hiệu quả “Tuần sinh hoạt công dân - HSSV”.

TS Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên (ĐH Huế) cho biết, với quy mô gần 48 nghìn sinh viên, trong đó có gần 37 nghìn sinh viên hệ chính quy, việc triển khai “Tuần sinh hoạt công dân - HSSV” luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐH Huế, các cấp ủy Đảng, chính quyền các đơn vị trực thuộc quan tâm chỉ đạo với những việc làm thiết thực, hiệu quả.

Theo đó, 100% các đơn vị tổ chức tốt hoạt động này vào đầu năm học, khoá học và sinh hoạt học tập chính trị cuối khoá với gần 100% sinh viên tham gia. 100% tân sinh viên khi đến nhập học phải ký bản cam kết phòng chống ma tuý, tội phạm và tệ nạn xã hội, chấp hành Luật Giao thông và các vấn đề liên quan khác.

Tỷ lệ sinh viên vi phạm pháp luật thấp. Hầu hết sinh viên ĐH Huế đã và đang phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, tích cực trau dồi    phẩm chất đạo đức cách mạng, phát huy tinh thần học tập không ngừng, nỗ lực tìm kiếm và chinh phục tri thức, chủ động đổi mới, sáng tạo, hội nhập, hăng say tìm tòi và nghiên cứu khoa học.

“Có thể nói, “Tuần sinh hoạt công dân - HSSV” là một trong những biện pháp đóng vai trò tiên quyết cho sự thành công trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho HSSV. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho các cán bộ quản lý, đảng viên, giảng viên, HSSV... là hết sức quan trọng. Khi đã nhận thức đúng cán bộ, giảng viên và HSSV sẽ có ý thức trách nhiệm cao trong quá trình tổ chức, thực hiện và tham gia học tập” - TS Nguyễn Công Hào nêu quan điểm.

Với giáo dục phổ thông, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đồng thời được triển khai hiệu quả với nhiều mô hình đa dạng. Đơn cử, tại Thừa Thiên - Huế, phong trào thi đua “Nét đẹp văn hóa học đường” (2018 - 2020), Đề án “Ngày Chủ nhật xanh” được triển khai trong toàn ngành.

Phú Yên thực hiện Đề án “Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2023”, trong đó có thực hiện bộ quy tắc ứng xử có hiệu quả tích cực. Long An tổ chức những hoạt động ý nghĩa cho học sinh như: “Học làm người hiếu thảo”, “Học làm người nông dân”, “Một ngày làm chiến sĩ”, “24 giờ trong quân đội”… Quảng Ninh triển khai tuyên truyền giáo dục pháp luật bằng hình thức “Kể chuyện     theo án”...

Tại Nghệ An, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành cho biết: “Tìm về địa chỉ đỏ” là một trong những mô hình hiệu quả trong công tác giáo dục truyền thống cho học sinh. Thông qua việc trang bị kiến thức trong sách giáo khoa và hệ thống di tích ở địa phương, giúp các em có hiểu biết phong phú, sinh động về sự kiện, nhân vật, địa danh lịch sử; đồng thời hiểu thêm về tinh thần kiên trung, nghĩa khí, dũng cảm chống áp bức, bóc lột, chống ngoại xâm, tinh thần bất khuất, kiên cường của người dân Việt Nam.

Đặc biệt, những sự kiện lịch sử đó lại diễn ra ngay trên quê hương mình. Từ đó, hình thành cho các em niềm tự hào, lòng biết ơn, nâng cao ý thức trách nhiệm trong học tập và lao động để góp sức xây dựng quê hương, đất nước; đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ các di tích lịch sử, phát huy và kế thừa các giá trị truyền thống.

“Trong công tác rèn luyện cho học sinh, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống thông qua mô hình “Tìm về địa chỉ đỏ” có nhiều điểm nổi bật. Trong đó giúp học sinh có ý thức phấn đấu, động cơ học tập nghiêm túc, rõ ràng; đạo đức, lối sống văn hóa, lành mạnh; ý thức chấp hành pháp luật; tích cực hơn trong việc tham gia các hoạt động vì cộng đồng; không sa vào các tệ nạn xã hội” - ông Thái Văn Thành nhận định.

Giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV - Gieo yêu thương, gặt nhân cách: Rèn chữ - Dạy người - Ảnh minh hoạ 3
Hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường THCS Liên Bảo, Vĩnh Phúc. Ảnh: NTCC

Xây dựng tiêu chí cụ thể, khoa học

Dưới góc nhìn chuyên gia giáo dục, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới GDPT Việt Nam đánh giá: Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV trong thời gian qua đã nhận được sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể Trung ương, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, gia đình, nhà trường và xã hội; tạo sự chuyển biến và phối hợp tích cực trong nhận thức và hành động của các đơn vị.

Hiệu quả của các hoạt động đi vào chiều sâu, phát huy được trách nhiệm, thế mạnh của từng cơ quan, tổ chức cùng tham gia quản lý, giáo dục; hình thức triển khai phong phú, nhạy bén trong ứng dụng công nghệ số và mạng xã hội. Có tác động tốt đến thanh thiếu niên, nhi đồng và HSSV.

Nội dung giáo dục đạo đức được đổi mới trong chương trình hiện hành và Chương trình GDPT mới. Nội dung và phương thức giáo dục được các cấp bộ, ngành từng bước thay đổi, phù hợp với thị hiếu và xu thế của giới trẻ. Nhiều tấm gương thanh thiếu nhi, HSSV nghèo vượt khó, học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, HSSV sống đẹp, giúp bạn đến trường. Liên kết và phối hợp giữa các lực lượng nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống có nhiều chuyển biến tích cực. Cha mẹ học sinh, gia đình đã dành nhiều sự quan tâm đến con cái.

Tuy nhiên, một số nội dung chuyên đề giáo dục đạo đức, lối sống vẫn còn khô khan, chưa gắn với đời sống thực của thế hệ trẻ. Phương pháp tác động vẫn cũ kỹ, chưa sử dụng rộng rãi tích hợp nội dung giáo dục, chưa biết cách tiếp cận để đưa nội dung vào tâm hồn thế hệ trẻ một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và đúng khoa học giáo dục và khoa học tâm lý. Nhiều nơi chưa tận dụng triển khai mô hình Trường học hạnh phúc một cách toàn diện và rộng khắp trong các nhà trường, khiến quá trình triển khai còn khiên cưỡng, không bền vững và không tạo ra lối sống tư duy tích cực cho HSSV.

Ngoài ra, hoạt động giáo dục ở một số địa phương chưa phong phú, còn mang tính áp đặt hay hình thức, kiểu phong trào. Còn có biểu hiện lệch lạc về phẩm chất đạo đức, lối sống; đáng ngại nhất là tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra tại một số địa phương. Tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu nhi vẫn còn diễn biến phức tạp.

“Về giải pháp, tùy thuộc vào cấp học, ngành học xây dựng nội dung, phương pháp, hình thức, tiêu chí đánh giá kết quả giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HSSV cho phù hợp với đặc thù riêng. Tăng cường tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho HSSV để sống, học tập, rèn luyện tốt và tăng cường khả năng thích ứng sự biến đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại.

Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học có liên quan tới giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần xây dựng chuẩn tiêu chí cụ thể, khoa học, đánh giá kết quả rèn luyện của HSSV ở mỗi cấp học phù hợp với năng lực và điều kiện của mỗi cá nhân; gắn việc đánh giá chất lượng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống với đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục ở mỗi nhà trường” - ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm.

Nhờ sự dìu dắt của nhà trường, động viên của thầy, cô, bạn bè, con đã thay đổi hoàn toàn, trở thành học sinh ngoan, thi đỗ vào trường THPT có uy tín. Nếu không có môi trường giáo dục này, Khôi sẽ không thể tiến bộ được như vậy. - Cô Kiều Thị Lan (Phụ huynh học sinh Nguyễn Ngọc Khôi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập753
  • Hôm nay31,781
  • Tháng hiện tại309,911
  • Tổng lượt truy cập51,665,870
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944