Giáo dục di sản cội nguồn: Hướng về đất Tổ

Thứ bảy - 13/04/2019 08:49 531 0

Giáo dục di sản cội nguồn: Hướng về đất Tổ

GD&TĐ - Tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục di sản cội nguồn đất Tổ để thế hệ trẻ hướng về truyền thống dân tộc, nhân lên niềm tự hào và tình yêu quê hương xứ sở cho các em học sinh là hoạt động giáo dục đã và đang được nhà trường các cấp học ở huyện miền núi Hạ Hòa (Phú Thọ) tổ chức trong những năm học qua...

Trường học gắn với di sản

Trong mỗi năm học, các nhà trường trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục di sản với nhiều hình thức tổ chức đa dạng, phù hợp với thực tiễn địa phương, gắn với giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh. Thực tiễn tổ chức giáo dục di sản cho thấy, các nhà trường từ bậc mầm non, tiểu học, THCS và THPT đều hướng vào trọng tâm là giáo dục di sản nơi cội nguồn đất Tổ Phú Thọ để đạt được mục đích tổ chức thiết thực, gần gũi và hiệu quả. Giáo dục di sản vùng đất Tổ được các nhà trường huyện Hạ Hòa tổ chức linh hoạt, sáng tạo gắn với các mô hình “Trường học gắn với thực tiễn”, “Trường học gắn với di sản”, “Trường học gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ”...

Tự hào là vùng quê từ thuở hồng hoang, Mẹ Âu Cơ trong hành trình dẫn 50 người con đi khai thiên phá thạch, dừng chân ở đất Hiền Lương (Hạ Hòa) để tạo dựng cuộc sống, đền Mẫu Âu Cơ là biểu tượng thiêng liêng của cội nguồn đất Việt, nơi muôn dân tụ về với niềm tự hào là con Lạc cháu Hồng. Đền Mẫu Âu Cơ tọa lạc ở Hiền Lương là nơi gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ của dân tộc Việt Nam.

Đồng thời, tỉnh Phú Thọ còn tự hào là nơi có 3 di sản được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại là di sản văn hóa phi vật thể Ca trù của người Việt; hát Xoan; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cùng 1.372 di tích lịch sử, trong đó có trên 300 di tích thờ Hùng Vương, 262 chùa, 223 lễ hội dân gian. Chính vì thế, các cấp học trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã tổ chức thường xuyên hoạt động giáo dục di sản cội nguồn đất Tổ trong mỗi năm học.

Hình thức giáo dục di sản cội nguồn được các nhà trường tổ chức thường xuyên là hoạt động ngoại khóa vào giờ chào cờ hằng tuần. Hoạt động này được gắn với các khoảng thời gian như Tết Nguyên đán, Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, Quốc giỗ, lễ hội các đền trên địa bàn huyện. Trong mỗi buổi ngoại khóa, các nhà trường đã thay đổi hình thức để hoạt động giáo dục luôn mới mẻ, hấp dẫn như nói chuyện chuyên đề, thi kể truyền thuyết, thi tìm hiểu về di sản vùng đất Tổ, biểu diễn hát Xoan, thuyết minh về tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương...

Giáo dục di sản cội nguồn: Hướng về đất Tổ - Ảnh minh hoạ 2
 Hội thi “Em làm hướng dẫn viên” tại Trường THPT Xuân Áng (Hạ Hòa). Ảnh: Thế Lượng

Tăng cường hoạt động trải nghiệm

Tại Trường THCS Văn Lang (Hạ Hòa), nhà trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo hình thức tích hợp hát Xoan Phú Thọ. Tại buổi ngoại khóa, các em học sinh dù nhỏ tuổi nhưng đã rất tự tin và hào hứng khi biểu diễn hát Xoan. Các buổi ngoại khóa của nhà trường đã giúp các em học sinh biết được nguồn gốc của hát Xoan và những làn điệu hát Xoan cổ.

Hoạt động trải nghiệm di sản cũng được các nhà trường trên địa bàn huyện Hạ Hòa tổ chức sôi nổi và hiệu quả. Với ý nghĩa nhân văn tốt đẹp, các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức cho học sinh trải nghiệm di sản tại địa phương. Điển hình trong hình thức tổ chức này là Trường THPT Xuân Áng, nhà trường đã tổ chức cho học sinh trải nghiệm tại di tích lịch sử đền Mẫu Âu Cơ gắn với các nội dung như tham quan, dạy học gắn với di sản Đền Mẫu và hoạt động tình nguyện bảo vệ di sản.

Đồng thời, bộ môn Ngữ văn của nhà trường còn tổ chức “Văn thuyết minh” ngay tại sân đền Mẫu. Giáo viên bộ môn đã tổ chức cho học sinh dàn dựng hoạt cảnh “Lạc Long Quân và Âu Cơ”, hướng dẫn học sinh tìm hiểu nguồn gốc ra đời, không gian kiến trúc, văn hóa lễ hội và giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ thông qua các hoạt động, các trò chơi hấp dẫn, bổ ích.

Bên cạnh đó, các nhà trường ở Hạ Hòa còn chủ động giáo dục di sản hát Xoan tại nhà trường như dạy các em học sinh tập hát Xoan, biểu diễn tại các hoạt động ngoại khóa, tại Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ và các lễ hội khác của địa phương. Qua đó đã tạo sự lan tỏa của di sản hát Xoan vốn xưa kia chỉ diễn xướng ở những làng Xoan cổ của thành phố Việt Trì thì nay đã vang vọng ở trường làng của miền núi Hạ Hòa và lắng sâu trong tâm hồn mỗi học sinh.

Để giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy di sản cội nguồn đất Tổ trên quê hương Hạ Hòa, các nhà trường còn sáng tạo và tích cực tổ chức các hoạt động như các cuộc thi, hướng dẫn học sinh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật về di sản, dự thi giáo dục tích hợp qua môn học, tham dự cuộc thi “Tự hào Việt Nam”...

Tác giả bài viết: Nguyễn Thế Lượng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập210
  • Hôm nay26,487
  • Tháng hiện tại288,227
  • Tổng lượt truy cập51,644,186
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944