Do đó, đầu tư cho giáo dục được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các quốc gia châu Phi.
Liên minh châu Phi (AU) đánh dấu năm 2024 là Năm Giáo dục đầu tiên ở “lục địa đen”. Cam kết mới thể hiện sự tiến bộ của châu lục này kể từ khi giành được độc lập vào những năm 1960 và hy vọng trở thành một châu lục phát triển mạnh trong thế kỷ 21.
Trong 60 năm qua, châu Phi đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể về giáo dục. Tỷ lệ hoàn thành bậc tiểu học trên toàn khu vực đã tăng từ 52% lên 67% trong giai đoạn 2000 - 2022.
Tỷ lệ tốt nghiệp THCS tăng lên và tỷ lệ bỏ học THPT chậm lại. Trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp THCS tăng từ 35% lên 50% còn tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng từ 23% lên 33% trong cùng giai đoạn.
Số sinh viên đại học tăng từ dưới 800 nghìn vào năm 1970 lên hơn 17 triệu trong năm 2022. Trong đó, số lượng nữ giới đi học tăng cao hơn bao giờ hết.
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, giáo dục châu Phi đang đứng trước nhiều thách thức. Sau dịch Covid-19, hàng triệu trẻ em, thanh thiếu niên trên khắp châu Phi cận Sahara nghỉ học. Chỉ một trong 5 trẻ em đạt trình độ đọc – hiểu tối thiểu trước khi hoàn thành bậc tiểu học.
Trong khi đó, kể từ năm 2020, ngân sách giáo dục ở gần 50% quốc gia có thu nhập thấp tại châu Phi giảm trung bình 14%. Nhiều quốc gia khác cũng gặp khó khăn khi duy trì ngân sách dành cho giáo dục trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động.
Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục tin rằng vấn đề đang thay đổi. Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Giáo dục toàn cầu năm 2021, 21 nguyên thủ quốc gia châu Phi đã ký Tuyên bố về tài chính giáo dục, trong đó đặt ra mức đầu tư cơ bản cho giáo dục. Năm Giáo dục của AU có thể tiếp thêm động lực cho các quốc gia thực hiện cam kết phân bổ đủ ngân sách cho giáo dục.
Ngày nay, ảnh hưởng của châu Phi đang khẳng định vị thế của châu lục này trên toàn cầu. Bằng chứng là AU đã có một ghế trong nhóm G20. Ảnh hưởng này nếu kết hợp với một nền giáo dục chất lượng có thể khai thác tiềm năng của thanh thiếu niên trong bối cảnh châu Phi sở hữu dân số trẻ.
Do đó, không chỉ các chuyên gia giáo dục, các chính trị gia mà nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức liên chính phủ đang tăng cường kêu gọi các quốc gia châu Phi đầu tư cho giáo dục. Khi chất lượng giáo dục được cải thiện, trải nghiệm của thế hệ trẻ được nâng cao sẽ góp phần xây dựng một châu Phi trẻ trung, năng động và phát triển mạnh mẽ.
Trẻ em gái chịu thiệt thòi hơn so với trẻ em nam vì châu Phi là khu vực duy nhất trên thế giới chưa đạt được bình đẳng giới trong tuyển sinh giáo dục phổ thông. Trong đó, cứ 3 bé gái thì một người kết hôn trước khi bước sang tuổi 18. Xu hướng trên hiện nay vẫn chưa có giải pháp thay đổi.
Tác giả bài viết: Tú Anh
Ý kiến bạn đọc