Phan Xuân Hành - sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội đi làm gia sư ngay từ năm nhất để có tiền trang trải cuộc sống và lo chi phí học tập. Mỗi tuần em dạy thêm 4 buổi, mỗi buổi kéo dài 2 - 2,5 giờ. Dù có nhiều người mời dạy, nhưng với đặc thù ngành học, Hành không dám nhận lời bởi ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Để bảo vệ người lao động, Việt Nam quy định lương tối thiểu giờ được chia làm 4 vùng. Vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ và vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ quy định các mức lương tối thiểu giờ tăng 6% từ 1/7/2024. Cụ thể, vùng 1 là 23.800 đồng/giờ, vùng 2 là 21.200 đồng/giờ, vùng 3 là 18.600 đồng/giờ và vùng 4 là 16.600 đồng/giờ.
Hành cho biết, hiện nhiều bạn đi làm thêm cả tuần, về đến nhà mệt mỏi, không có thời gian để nghiên cứu bài vở, đến lớp thường có tâm lý học tủ, thi cho qua môn.
Bên cạnh đó, sinh viên làm thêm ít có lựa chọn về thời gian. Mặt khác, nhiều đơn vị có xu thế tuyển sinh viên làm bán thời gian với mức lương thấp so với người đã tốt nghiệp và chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc, không cần biết việc học của sinh viên ra sao.
Theo Hành, khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động được làm thêm nhưng không quá 20 giờ/tuần là hợp lý. Sinh viên căn cứ vào quỹ thời gian mình có trong tuần để học tập, rèn luyện sức khỏe, tham gia hoạt động ngoại khóa.
Tương tự, Nguyễn Thị Thư - sinh viên năm cuối, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, quy định trên nhằm đảm bảo trách nhiệm học tập của sinh viên. Trung bình mỗi ngày có tối đa 3 giờ làm việc là con số hợp lý, phù hợp với thời gian của sinh viên.
Theo ThS Đặng Hương Giang - Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường ĐH Thủy lợi, sinh viên làm thêm để rèn luyện kỹ năng mềm, tìm hiểu thị trường lao động, yêu cầu của môi trường làm việc với ngành mình học và để có kinh phí trang trải cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình... là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, các em cần chú ý đến thời gian làm thêm sao cho cân bằng với học tập. Đối với sinh viên, việc học tập, rèn luyện kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp là điều quan trọng và phải ưu tiên hàng đầu.
ThS Đặng Hương Giang khẳng định, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học là hợp lý. Đồng thời khi Luật đi vào cuộc sống sẽ có quy chế xử phạt đối với doanh nghiệp, sinh viên vi phạm. Như vậy, người tuyển dụng hay sinh viên đi xin việc sẽ có trách nhiệm với quyết định của mình.
“Nhiều sinh viên vì mải mê làm thêm dẫn đến phải thi lại, thậm chí không đủ điều kiện thi kết thúc môn. Như vậy, vô hình trung các bạn đã quên nhiệm vụ chính của mình là học tập”, ThS Đặng Hương Giang dẫn chứng.
Tại Trường ĐH Công Thương TPHCM, hiện có khoảng 60% sinh viên năm thứ 2, thứ 3 đi làm thêm, TS Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng chia sẻ thông tin và cho rằng: “Làm thêm mang lại cho sinh viên những trải nghiệm cũng như tích luỹ kinh nghiệm cho nghề nghiệp trong tương lai.
Một số em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên làm thêm để có chi phí cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều em không kiểm soát được thời gian đã ảnh hưởng tới sức khỏe, thời gian học tập; thậm chí dẫn tới chậm tiến độ, kết quả học tập không đáp ứng yêu cầu và có nguy cơ bị buộc thôi học”.
Cũng theo TS Thái Doãn Thanh, cần có chế tài để kiểm soát, quản lý những đơn vị tuyển dụng người lao động làm bán thời gian là sinh viên. Nếu để tình trạng sinh viên làm việc quá tải như hiện nay thì dù có đề xuất quy định học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm nhưng không quá 20 giờ/tuần thì vẫn khó khả thi.
Nguyễn Phương Anh (bên phải) - sinh viên Học viện Chính sách và Phát triển làm thêm tại một quán trà sữa. Ảnh: Đình Tuệ |
PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đánh giá, đây là chính sách cần thiết để đảm bảo sinh viên phải dành đủ thời gian cho việc học, góp phần giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như tránh việc các em có nguy cơ bị bóc lột sức lao động. Dự thảo quy định 20 giờ/tuần đã có tham chiếu đến quy định quản lý giờ làm thêm của một số nước như Mỹ, Canada… Dù vậy, còn một số khía cạnh phải cân nhắc để quy định đi vào thực tiễn.
Chúng ta chưa quan tâm đến mối quan hệ giữa hỗ trợ tài chính, phát triển kỹ năng và chất lượng học tập của sinh viên. Những em có khả năng học tập tốt, hoàn cảnh khó khăn, khả năng quản lý thời gian làm việc nhiều hơn 20 giờ/tuần mà không ảnh hưởng đến kết quả học tập và có nguyện vọng làm thêm liệu có được không? Trong khi đó, nhiều em có thành tích học tập ở mức nguy cơ, cần tập trung thời gian cho việc học, gia đình hỗ trợ được thì làm thêm 20 giờ/tuần cũng có thể là quá nhiều.
Về tính chất công việc, nếu đơn giản, nhẹ nhàng, không tốn nhiều thời gian sức lực và phù hợp chuyên môn thì 20 giờ/tuần có thể chấp nhận, nhưng nếu công việc nặng nhọc thì 20 giờ/tuần có thể quá nhiều. Chúng ta chưa thống nhất nội hàm của “làm thêm”. Nếu sinh viên thực tập ở một vị trí liên quan đến công việc sau này, với mục tiêu rèn luyện kỹ năng thực tế và được trả lương thì có coi là “làm thêm” hay không?
Vai trò của nhà trường, người sử dụng lao động trong việc giám sát thời gian làm thêm của sinh viên cũng cần được làm rõ. Để thực hiện được việc này có cơ chế tăng cường hỗ trợ tài chính cho sinh viên khó khăn thế nào? Nhà trường phải chủ động tạo ra cơ hội việc làm phù hợp với sinh viên, giúp các em rèn luyện kỹ năng và tương lai nghề nghiệp. Phải truyền thông nâng cao nhận thức của người học về lợi ích ngắn hạn của đi làm thêm và lợi ích lâu dài của việc tập trung đầu tư vào học tập, rèn nghề cho tương lai.
Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Chủ tịch Hội đồng quản lý và Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục và Nghề nghiệp (STP), chủ trương của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rất đúng đắn nhằm hạn chế tình trạng sinh viên vì mải mê làm thêm mà bỏ bê học hành. Vấn đề quản lý làm thêm thế nào mới là điều cần quan tâm. Ở nước ta, đa số sinh viên làm thêm theo dạng thời vụ, nhiều em không ký hợp đồng lao động nên khi xảy ra tranh chấp thường phải chịu thiệt thòi.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho biết, ở Australia quy định chặt chẽ vấn đề sinh viên đi làm thêm. Mỗi trường ĐH đều có thông tin về mã số thuế của từng sinh viên để quản lý. Khi có nhu cầu làm thêm, sinh viên và doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng lao động nhưng không quá 24 giờ/tuần. Nếu vi phạm, sinh viên sẽ bị đình chỉ học và doanh nghiệp bị phạt rất nặng. Nếu sinh viên đi làm thêm đúng với ngành mình học, giống như một dạng thực tập thì được khuyến khích.
Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm, song không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ. Học sinh, sinh viên được trả tiền làm thêm giờ theo thỏa thuận với người sử dụng lao động căn cứ trên thời gian thực tế làm, khối lượng và chất lượng công việc.
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Tác giả bài viết: Đình Tuệ - Ngô Chuyên
Ý kiến bạn đọc