Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị, cùng dự có lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị liên quan thuộc Bộ GD&ĐT cùng đại diện các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Nhận thức đúng về công tác thanh tra nội bộ
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, đánh giá cao vai trò, tâm huyết, đóng góp của công tác thanh tra nội bộ trong nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học. Chính từ mỗi nhà trường, mỗi cơ sở giáo dục đại học ổn định, phát triển, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình và giải trình trước xã hội, trước cơ quan quản lý nhà nước đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo đại học.
Tuy nhiên trong bối cảnh thực hiện Luật Giáo dục đại học; Luật Thanh tra năm 2022 mới ban hành; Nghị định 43/2023/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thanh tra; và tự chủ đại học đã thực hiện những năm gần đây bộc lộ vấn đề mà đòi hỏi người quản lý cần quan tâm sâu sắc hơn, công tác thanh tra nội bộ cần được coi trọng hơn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Hồ Lài |
Trong hội nghị này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các đại biểu thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, báo cáo đề xuất với thanh tra Bộ, lãnh đạo Bộ để có chỉ đạo ráo riết, quyết liệt hơn nữa.
Trước hết, cần xem xét nhận thức về công tác thanh tra nói chung và công tác thanh tra nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học ra sao, từ người quản lý, đến những người thực thi công tác này, ngay trong từng nhà trường. Từ nhận thức đúng mới dẫn tới hành động đúng và triển khai hoạt động hiệu quả.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về công tác thanh tra nội bộ các cơ sở giáo dục đại học gồm các vấn đề cơ bản gồm khung pháp lý, thể chế hoạt động; tổ chức bộ máy, lựa chọn con người làm công tác thanh tra; phương pháp tổ chức các hoạt động thanh tra, và phối hợp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ… Đồng thời có báo cáo, đề xuất kiến nghị với thanh tra Bộ, lãnh đạo Bộ để có chỉ đạo ráo riết, quyết liệt hơn nữa.
Cần cơ chế pháp lý rõ ràng, đãi ngộ xứng đáng
Theo báo cáo đề dẫn hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, việc thành lập bộ phận Thanh tra trong các cơ sở giáo dục đại học chưa thống nhất, còn bất cập. Kết quả khảo sát năm 2016 với 100 cơ sở giáo dục đại học, có 24 cơ sở giáo dục đại học chưa thành lập bộ phận thanh tra trong nhà trường để thực hiện công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo - chiếm tỉ lệ 24% trong tổng số cơ sở giáo dục đại học được khảo sát.
Hình thức thanh tra, quy trình thanh tra, phương tiện làm việc cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng vẫn còn một số hạn chế, chưa thống nhất. Về kinh phí, tài chính hầu hết các đơn vị được khảo sát chưa bố trí, chế độ phụ cấp cho cán bộ thanh tra nội bộ cũng chưa tương xứng.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cùng Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh Nguyễn Huy Bằng chủ trì, hướng dẫn hội nghị. Ảnh: Hồ Lài |
Nguyên nhân của thực trạng trên, do chưa có khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng và vững chắc để tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học. Chưa có sự chưa thống nhất trong các quy định pháp luật: Cơ sở giáo dục đại học được tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học, trong đó có nội dung tự chủ về cơ cấu tổ chức, bộ máy, số lượng người làm việc dẫn đến khó khăn trong việc quy định về tổ chức cũng như phát sinh biên chế làm việc về công tác thanh tra nội bộ.
Đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ không được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về thanh tra. Chưa có quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với người làm công tác thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học. Chế độ đãi ngộ phụ thuộc vào quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục tiến hành cuộc thanh tra nội bộ, người ký quyết định thanh tra nội bộ, người ký kết luận thanh tra nội bộ, tiêu chuẩn trưởng đoàn thanh tra nội bộ... Chưa quy định rõ thẩm quyền, trình tự thủ tục của cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng trong cơ sở giáo dục đại học.
Tại hội nghị, đã có 13 tham luận đại diện cho 244 cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc được gửi đến, trong đó có 10 ý kiến cụ thể, trực tiếp.
Nói thêm bất cập về phương diện thể chế tác động đến cơ sở giáo dục đại học, đại diện Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cho hay, Luật thanh tra 2022 và Nghị định 43 của Thủ tướng Chính phủ có những quy định dẫn tới hệ quả các trường tư thục không bắt buộc thành lập bộ phận thanh tra. Tuy nhiên, Thông tư 51 của Bộ GD&ĐT đang yêu cầu tất cả cơ sở giáo dục phải thành lập bộ phận thanh tra.
Nhiều đại diện các cơ sở giáo dục đại học phát biểu ý kiến cần có quy định rõ cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm thanh tra nội bộ cũng như chính sách, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ thanh tra. Ảnh: Hồ Lài |
Thông tư 51 cũng đang quy định theo hướng hoạt động, thủ tục, thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của công tác thanh tra nội bộ áp dụng theo Luật thanh tra – như thanh tra chuyên ngành. Nhưng những người thanh tra nội bộ lại không phải là công chức thanh tra và không có chế độ chính sách tương ứng. Điều này khiến họ không có động lực, tâm huyết trách nhiệm đến cùng để thực hiện công tác thanh tra nội bộ.
Luật thanh tra quy định cơ sở giáo dục đại học công lập ban hành chính sách đãi ngộ cho đội ngũ thanh tra tùy thuộc vào điều kiện của đơn vị mình. Điều này tạo chủ động nhưng lại tạo tùy tiện và không thống nhất giữa các trường.
Từ những thực tế trên, nhiều cơ sở giáo dục đại học kiến nghị sửa đổi một số điều trong Luật Thanh tra hoặc Thông tư 51 nên quy định các vấn đề trên, nhất là mức đãi ngộ tương xứng cho thanh tra, để họ tận tâm hơn, đầu tư trí tuệ, năng lực, trách nhiệm với công việc của mình.
Đồng thời cần xem xét tính đặc thù của hoạt động thanh tra nội bộ với hoạt động thanh tra nhà nước. Thống nhất về tên gọi, cơ cấu tổ chức thực hiện công tác thanh tra nội bộ. Hướng giải quyết cần quy định rõ khi sửa đổi Thông tư 51, trong đó quy định cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm thanh tra nội bộ cùng với tiêu chuẩn. Qua đó chuẩn hóa nguồn nhân lực, không sử dụng viên chức tùy tiện trong hoạt động thanh tra nội bộ.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sớm tham mưu hoàn thiện khung pháp, lý trong đó sửa đổi Luật thanh tra theo hướng hoạt động thanh tra nội bộ áp dụng với tất cả trường đại học cả công lập lẫn tư thục, không có sự phân biệt.
Cần có góc nhìn tổng thể
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, các ý kiến từ các cơ sở giáo dục đại học vừa bao quát, vừa đi vào trọng tâm sâu sắc được những vấn đề hội nghị mong muốn
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, cần tiếp cận tổng thể, hệ thống về công tác thanh tra nội bộ. Nếu như chỉ nhìn nhận theo góc độ của 1 trường đại học; chính sách cho người làm công tác thanh tra nội bộ của từng trường thì rất nhỏ bé, hạn hẹp với hơn 1.300 người. Nhưng đây là lực lượng quan trọng chăm lo chế độ chính sách cho 244 cơ sở giáo dục đại học, với 76 nghìn giảng viên giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và hàng triệu học sinh, sinh viên được học tập đào tạo theo quy định.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, công tác thanh tra nội bộ là giúp sức cho hiệu trưởng, quản lý các cơ sở giáo dục đại học. Nếu không quan tâm chăm lo, thành lập bộ máy triệt để đến thanh tra nội bộ trong công tác quản lý là tự bỏ đi công cụ giúp đỡ, tự làm yếu mình trong công tác lãnh đạo quản lý.
Đối với thanh tra Bộ, cần tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu, khẩn trương rà soát sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong thẩm quyền của mình mà hiện không còn phù hợp nữa, và dứt khoát phải làm sớm. Tham mưu cho lãnh đạo bộ ban hành các văn bản mang tính chất khung pháp lý. Tiếp tục có hội thảo, các hội nghị để tiếp nhận thông tin từ cơ sở, kịp thời có giải pháp, phương hướng giải quyết vấn đề vướng mắc. Tránh cái cơ sở giáo dục mong muốn mà thanh tra không đáp ứng được, cái thanh tra có thì cơ sở giáo dục không cần.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Lài |
Đồng thời cần có hình thức tuyên dương khen thưởng cho đơn vị, cá nhân làm tốt công tác thanh tra, không phân biệt công lập hay dân lập. Qua đó kịp thời ghi nhận, động viên, khích lệ.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, thanh tra không phải là công tác “bới lông tìm vết” mà là rà soát, kịp thời ngăn chặn sai sót có thể xảy ra. Đồng thời tư vấn thúc đẩy hoạt động của các nhà trường, cho Bộ, ngành; phát hiện nhân tố mới để nhân rộng, phát huy. Qua đó góp phần giúp cơ sở giáo dục đại học phát triển ổn định.
Trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục củng cố bộ máy, cơ cấu tổ chức thanh tra, khuyến khích tự chủ, độc lập; lựa chọn cán bộ công tâm, khách quan, có phẩm chất, năng lực chuyên môn, chuyên ngành làm công tác thanh tra; có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ thanh tra bằng quy chế tài chính của mình. Hàng năm, xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề dễ xảy ra sai phạm: tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý tài chính, tài sản, giải quyết đơn thư phản ánh. Chủ động phát hiện bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu lãnh đạo Bộ sửa đổi, điều chỉnh...
Ý kiến bạn đọc