Thời điểm này, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã công bố môn thi vào lớp 10 công lập năm 2024. Hằng năm, tuyển sinh vào lớp 10 được nhiều người ví căng thẳng, áp lực không thua kém gì kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.
Mặc dù đã lên dây cót cho mình từ ngày đầu lớp 9 thế nhưng đến thời điểm này em Nguyễn Thị Thùy, Trường THCS Phương Điền (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn không tránh khỏi áp lực.
“Ở giai đoạn này, thầy cô, nhà trường cũng tạo điều kiện tối đa để cho em và các bạn trong lớp học. Tuy nhiên, ở gần nhà em chỉ có một trường THPT công lập mà tỉ lệ chọi cũng khá cao”, Thuỳ chia sẻ và cho biết thêm, nếu không có cơ hội vào vào trường THPT công lập, Thuỳ sẽ lựa chọn theo học tại Trung tâm GDNN- GDTX.
Tương tự, em Nguyễn Viết Hùng, học sinh lớp 9, Trường THCS Nghi Trung (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), cho hay: “Trong hành trình chinh phục ước mơ của em, một trong những mục tiêu em đặt ra là giành tấm vé vào lớp 10 công lập”.
Em Nguyễn Thị Thùy, Trường THCS Phương Điền (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đang ôn bài. Ảnh NVCC. |
Chính vì mục tiêu đó, Hùng đã dành thời gian rèn luyện, xây dựng phương pháp học từ khi lớp 8.
“Thời điểm này, em vừa học, vừa ôn lại các dạng bài thi để có thêm kinh nghiệm làm bài. Sau khi hoàn thành chương trình trên lớp, em bắt đầu luyện đề cũng như bấm thời gian để làm bài nhằm rèn luyện vững tâm lý phòng thi cũng như giảm bớt áp lực, lo lắng cho bản thân", Hùng chia sẻ.
Nhằm giảm áp lực trong giai đoạn ôn luyện, em Nguyễn Thị Yến Nhi, Trường THCS Công Chính (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: “Để cân bằng tâm lý lúc này, ngoài việc xây dựng kế hoạch học tập cũng như tìm được phương pháp phù hợp thì hàng ngày em cũng dành thời gian để tham gia các hoạt động thể dục nhằm rèn luyện sức khoẻ cũng như giảm căng thẳng áp lực bài vở".
Có con năm nay thi vào lớp 10, từ đầu năm học 2023-2024 gia đình chị Hoàng Thị Tình (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã ưu tiên dành nhiều thời gian hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để con có môi trường học tập thoải mái khi học, hạn chế tối đa những áp lực không đáng có cho con.
Bên cạnh đó, chị Tình và chồng luôn động viên, quan tâm chú ý vào chế độ dinh dưỡng để con có sức khoẻ học tập.
Chị Tình chia sẻ: “Tôi biết đối với con kỳ thi này vô cùng quan trọng, hàng ngày ngoài việc học trên lớp về nhà con dành hai tiếng để ôn lại bài. Bởi vậy hôm nào con mệt cần đưa đón đi học, gia đình tôi đều sắp xếp người để đưa con đến trường”.
Tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, thời điểm này thầy trò đang tập trung cao độ để ôn luyện nhằm đạt được kết quả mà các em đề ra.
Theo chia sẻ của cô Phạm Thị Hòa, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Phổ thông DTBT THCS Yên Na (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Mỗi năm, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ có sự phân loại, đánh giá năng lực khác nhau, do đó quá trình ôn luyện của trò các em áp lực, lo lắng là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt học sinh là người dân tộc thiểu số tại các trường đặc thù như chúng tôi vào trường công lập hay các trường THPT DTNT là mong ước của không chỉ các em mà cả gia đình. Do đó, chúng tôi lúc này không chỉ với vai trò là thầy cô giảng dạy, mà là người bạn đồng hành, hỗ trợ các em vượt qua những áp lực, lo lắng”.
Bên cạnh đó, cô Hoà cũng hướng dẫn học sinh cần đặt ra mục tiêu rõ ràng và kiên định với mục tiêu ấy, sắp xếp học tập một cách hiệu quả nhất để bản thân vừa có khỏe mà học tập không bị sa sút.
Được phân công ôn luyện cho học sinh khối 9, cô Đặng Thị Huyền, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Chu Văn An (Hương Khê, Hà Tĩnh) luôn đưa ra những kế hoạch cụ thể cho các em ôn luyện trong thời gian nước rút này. Đặc biệt những em nào đang còn đuối trong khoảng thời gian này cô sẽ cố gắng sát sao để có thể cải thiện được điểm số.
“Từ nay đến kỳ thi không còn dài, tôi mong các em bình tĩnh, tự tin học để chuẩn bị vững kiến thức”, cô Huyền nói.
Để tạo tâm thế thoải mái, an tâm ôn luyện cho học sinh lớp 9 có hành trang vững chắc bước vào kỳ thi chuyển cấp, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ học sinh tài liệu ôn tập, cho những học sinh chưa có điện thoại thông minh mượn máy tỉnh bảng để học trực tuyến, tra cứu tài liệu.
Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn được miễn tất cả các chi phí ôn tập, hỗ trợ vở ghi, bút, máy tính cầm tay. Riêng đối với học sinh nhà xa, hoàn cảnh khó khăn nhà trường bố trí để học trò được ở bán trú để yên tâm học tập.
Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan cho biết: “Chúng tôi tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em yên tâm luyện chuẩn bị kỳ chuyển cấp. Đồng thời, chúng tôi cũng chỉ đạo nhà trường thường xuyên tuyên truyền cho phụ huynh hiểu về tầm quan trọng của kỳ thi nhằm tạo điều kiện, đồng hành, hỗ trợ cho học sinh học tập”.
Tác giả bài viết: Đức Duy - Tú Uyên
Ý kiến bạn đọc