Tỷ lệ sinh viên có việc làm: Các trường không tự 'bốc thuốc'

Thứ bảy - 30/03/2024 21:14 44 0
GD&TĐ - Một trong những tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm không thấp hơn 70%.
Tỷ lệ sinh viên có việc làm: Các trường không tự 'bốc thuốc'

Tiêu chí này không khó nhưng phải thực chất và các trường không nên tự “bốc thuốc”.

Không khó với các trường

Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học (Thông tư 01); trong đó quy định tiêu chí: Tỷ lệ người tốt nghiệp đại học có việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo, tự tạo việc làm hoặc học tiếp trình độ cao hơn trong thời gian 12 tháng sau khi tốt nghiệp, không thấp hơn 70%.

TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh nhận xét, tiêu chí này phù hợp với mặt bằng chung của toàn hệ thống cơ sở giáo dục đại học và không khó để đạt, thậm chí có trường còn vượt định mức.

TS Thái Doãn Thanh cho hay, năm nào Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng tiến hành khảo sát về tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. “Dù không thể đạt 100% sinh viên có việc làm sau 12 tháng ra trường, nhưng chúng tôi tự tin vượt định mức 70% như tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đưa ra”, TS Thái Doãn Thanh chia sẻ.

Nhiều năm nay, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 12 tháng đạt trên 90%, thậm chí có ngành còn đạt 100%, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) thông tin. Do đó, tiêu chí mà Thông tư 01 đưa ra không khó để nhà trường đạt được. Xét trên bình diện chung, tiêu chí này phù hợp bức tranh tổng thể về giáo dục đại học, trong đó có cả trường tốp trung, tốp dưới và trường ngoài công lập.

Tại Trường ĐH Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cúc Phương cho hay, khảo sát kết quả việc làm của sinh viên cho thấy, hơn 90% có việc làm và tự tạo việc làm sau 1 năm tốt nghiệp.

Cuối năm 2023, Trường ĐH Hà Nội tổ chức Tọa đàm tổng kết Dự án với chủ đề “Giám sát xu hướng việc làm của sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam”. Tại đây, nhóm nghiên cứu công bố kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp năm 2020, 2021 của 9 trường đại học. Khảo sát được thực hiện trực tuyến cuối năm 2022, với trên 6.600 câu trả lời hợp lệ/13.700 sinh viên mới tốt nghiệp năm 2021.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tại thời điểm khảo sát là 88,6%. Trong số đó, có 53,5% sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. 91,2% sinh viên cho rằng, việc lấy bằng tốt nghiệp có tác động tích cực đến công việc của họ trên các khía cạnh như: Vị trí, thu nhập, cải thiện trình độ kỹ năng nghề nghiệp.

Sinh viên Trường ĐH Thương mại. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Thương mại. Ảnh: NTCC

Cần công cụ kiểm chứng số liệu

Số liệu về tỷ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp có ý nghĩa quan trọng với cơ sở đào tạo, TS Văn Đình Ưng - Trưởng ban Truyền thông và Sinh viên (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) nhìn nhận. Đây là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học và là căn cứ để giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường.

Vì thế, việc Bộ GD&ĐT ban hành quy định về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, trong đó có tiêu chí về tỷ lệ sinh viên có việc làm, tự tạo việc làm là cần thiết. Từ đây, các trường đại học có thêm “thước đo” để không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và nhà tuyển dụng. “Tuy nhiên, việc khảo sát cần thực hiện bài bản, khoa học, thực chất và không nên tự ‘bốc thuốc’”, TS Văn Đình Ưng nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần có công cụ để kiểm chứng số liệu mà các trường đưa ra, tránh tình trạng trường “làm đẹp” con số.

Theo ông Bùi Tiến Dũng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp là chỉ số quan trọng tác động lên tỷ lệ việc làm chung của cả nước. Những năm gần đây, thống kê của các trường về số sinh viên có việc làm sau 3 tháng đến 1 năm tương đối cao nhưng cũng cần kiểm chứng.

Thực tế cho thấy, kết quả thống kê về tỷ lệ sinh viên có việc sau tốt nghiệp còn tùy thuộc vào số người tham gia khảo sát có trả lời hay không, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhìn nhận. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào cách thức thống kê và quan điểm của trường. Đó là chưa kể việc phản hồi của sinh viên chính xác hay không.

“Tôi muốn nhấn mạnh tinh thần tự giác và đề cao trách nhiệm của các trường đại học. Ngoài ra, cần có thống kê “đối chứng” khác để bảo đảm tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là số liệu thực”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ trao đổi.

Nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, các tiêu chuẩn là yêu cầu tối thiểu mà cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng, được đánh giá theo tiêu chí và kiểm chứng qua minh chứng, chỉ số tương ứng.

Hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn được xây dựng để bao quát những điều kiện và kết quả hoạt động chủ yếu của các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tính thực tiễn, thiết thực, khả thi, có thể định lượng; có những nội dung có thể mang tính định tính nhưng phải cụ thể, đơn giản, ngắn gọn, dễ đo lường và kiểm chứng.

Ngoài ra, hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn được xây dựng đảm bảo tính kế thừa các quy định của Việt Nam nhưng không quy định lại các nội dung mà văn bản quy phạm pháp luật khác đã đề cập, định hướng tương thích với các chuẩn giáo dục đại học thông dụng trên thế giới (đối sánh quốc tế) nhưng đảm bảo phù hợp với điều kiện, bối cảnh Việt Nam.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Thu Thủy, việc xây dựng chuẩn cần đặt lợi ích người học là trọng tâm, toàn xã hội có thể giám sát, đánh giá để cơ sở giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan. Hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn được xây dựng đảm bảo tính thống nhất của hệ thống giáo dục đại học, đồng thời tôn trọng sự đa dạng của từng loại cơ sở giáo dục đại học.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Thủy, các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số được xem xét quy định theo hướng áp dụng cho tất cả cơ sở giáo dục đại học, hoặc chỉ áp dụng theo đặc thù từng loại cơ sở; cũng có thể thời điểm áp dụng khác nhau cho các loại cơ sở giáo dục đại học có đặc thù riêng.

Tác giả bài viết: Minh Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập723
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm722
  • Hôm nay39,651
  • Tháng hiện tại317,781
  • Tổng lượt truy cập51,673,740
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944