Từ ngày 27 đến 29/3, tại Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Tịnh Biên, Sở GD&ĐT tổ chức Hội thảo – Tập huấn hướng dẫn tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số.
Đến dự khai mạc Hội thảo – Tập huấn có ông Võ Bình Thư, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; Lãnh đạo, Chuyên viên Phòng GDMN-GDTH cùng 60 đại biểu là Chuyên viên phụ trách mầm non Phòng GDĐT, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán của thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn.
Ông Võ Bình Thư - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo – Tập huấn, ông Võ Bình Thư, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang biểu dương và đánh giá cao việc triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến 2025” của UBND tỉnh An Giang trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, hướng tới mục tiêu giúp trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số có những kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình GDMN, tạo tiền đề tốt cho trẻ em 5 tuổi ở TX Tịnh Biên và huyện Tri Tôn chuẩn bị vào học lớp 1.
Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm về các giải pháp thực hiện nội dung tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số qua báo cáo của Sở GD&ĐT, các tham luận của Phòng GD&ĐT, cơ sở GDMN điển hình của TX Tịnh Biên và huyện Tri Tôn.
Cán bộ quản lý và giáo viên mầm non tham dự tập huấn. |
Tiếp sau, trong 2 ngày 28 và 29/3, diễn ra chương trình tập huấn với các nội dung “Tìm hiểu những vấn đề chung; nội dung, phương pháp, yêu cầu cần đạt; hướng dẫn tổ chức các hoạt động về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số”.
Giáo viên dự các tiết hoạt động thực hành nội dung tập huấn. |
Cùng đó, các đại biểu được dự 2 hoạt động thực hành, tham quan môi trường tại Trường Mẫu giáo Văn Giáo (TX Tịnh Biên), đây là đơn vị áp dụng mô hình tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số đạt hiệu quả.
Đợt tập huấn giúp cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non có thêm kinh nghiệm và vận dụng dạy học tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Tác giả bài viết: Trọng Nhân
Ý kiến bạn đọc