Ông Nguyễn Quang Tuấn. |
Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Với công tác đăng ký dự thi, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết: Nơi đón tiếp thí sinh đến đăng ký, máy ảnh, máy vi tính, phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp, túi hồ sơ cho thí sinh tự do.
Thủ trưởng các đơn vị đăng ký dự thi chịu trách nhiệm tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi nghiên cứu kỹ Quy chế, các văn bản hướng dẫn về thi của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Cùng đó, tổ chức hướng dẫn thí sinh điền đầy đủ, đúng thông tin vào phiếu đăng ký dự thi.
Các đơn vị thực hiện thu phiếu, nhập thông tin thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp; thu và nhập phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tổ chức rà soát, cập nhật thông tin kết quả học tập của thí sinh ở trường phổ thông; tra cứu thông tin từ nguồn cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác nhận diện ưu tiên theo nơi thường trú.
Tổ chức xét duyệt hồ sơ và thông báo công khai những trường hợp không đủ điều kiện dự thi theo quy định. Rà soát các thông tin diện ưu tiên, điểm khuyến khích trên phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT và hưởng ưu tiên trong xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm trên phiếu đăng ký dự thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Hà Nội tổ chức một Hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì, dành cho tất cả thí sinh đăng kỳ dự thi. Sở GD&ĐT lựa chọn một số trường THPT, THCS, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm Điểm thi. Các đơn vị này có trách nhiệm tổ chức kiểm tra kỹ hiện trạng cơ sở vật chất để phục vụ cho Kỳ thi, sửa chữa nếu chưa bảo đảm.
Bà Bùi Thị Kim Tuyến. |
UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Kế hoạch hướng dẫn, yêu cầu, đưa mốc thời gian cụ thể đối với các công việc, như:
Thành lập Ban chỉ đạo Kỳ thi; hướng dẫn, chỉ đạo công tác tổ chức; triển khai Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ thi; công tác tuyên truyền, kiểm tra; bố trí các điểm thi và nhân sự tham gia các khâu tổ chức...
Kế hoạch đồng thời lưu ý phương án xử lý các sự cố, tình huống bất thường và giao nhiệm vụ cụ thể cho sở, ban ngành có liên quan.
Năm 2024, 59 đơn vị tại Hòa Bình có học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT. Toàn tỉnh thành lập 38 Điểm thi, tăng 1 so với năm 2023. Các Điểm thi bố trí tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi đúng quy định (thí sinh giáo dục thường xuyên, thí sinh tự do dưới 40% trong tổng số thí sinh) và bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất (gồm các phòng: Thi, dự phòng, chờ, điều hành, bảo quản đề thi và bài thi; camera, các hạng mục công trình liên quan đến điểm thi…).
Thí sinh các trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT, thí sinh tự do và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện nào thì bố trí dự thi tại một trong các trường THPT trên địa bàn huyện đó.
Về nhân sự, dự kiến toàn tỉnh huy động 3.418 người tham gia các khâu tổ chức Kỳ thi. Nhân sự tham gia làm nhiệm vụ thi phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 5 của Quy chế thi; có năng lực, nắm vững nghiệp vụ tổ chức thi, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
Trong tháng 4, Sở GD&ĐT tập trung hoàn thành công tác đăng ký dự thi; tổ chức các hội nghị tập huấn; xây dựng văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác tổ chức. Cùng đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục THPT xây dựng kế hoạch tổ chức Kỳ thi; hoàn thành nội dung, chương trình lớp 12 và kiểm tra đánh giá, xếp loại, hồ sơ, các điều kiện dự thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 đúng kế hoạch thời gian năm học.
Về công tác kiểm tra, Hòa Bình có 3 đợt kiểm tra trước thi. Theo đó, đợt 1 phân công 59 cơ sở giáo dục THPT có thí sinh đăng ký dự thi thực hiện kiểm tra chéo hồ sơ thi từ 13 đến 18/5. Đợt 2, Sở GD&ĐT thành lập đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị trước thi đối với các đơn vị đăng ký dự thi và điểm thi từ 23 đến 31/5. Đợt 3, Ban chỉ đạo thi của tỉnh kiểm tra từ 17 đến 21/6, thực hiện kiểm tra công tác chuẩn bị trước kỳ thi đối với các điểm thi.
Trong quá trình diễn ra Kỳ thi, Ban chỉ đạo thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác coi thi tại 38 Điểm thi (27 và 28/6). Ngoài ra, Ban chỉ đạo tổ chức kiểm tra công tác chấm thi tự luận, trắc nghiệm trong thời gian chấm thi (từ ngày 1 đến 10/7).
Hiện các trường có học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiến hành rà soát, cập nhật thông tin học sinh. Từ 24 đến 26/4, các trường sẽ cấp tài khoản, mật khẩu cho thí sinh và hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ để đăng ký dự thi trực tuyến.
Sở GD&ĐT chỉ đạo, tổ chức các đơn vị đăng ký dự thi kiểm tra và kiểm tra chéo thông tin thí sinh đăng ký dự thi, đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đặc biệt lưu ý các thông tin diện ưu tiên, điểm khuyến khích trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Để bảo đảm dữ liệu tổ chức thi chính xác, các đơn vị đăng ký dự thi in thông tin thí sinh đang học lớp 12 từ Hệ thống Quản lý thi (phiếu đăng ký dự thi và xét công nhận tốt nghiệp), tổ chức cho học sinh rà soát, ký xác nhận.
Phương án Điểm thi của Phú Thọ dự kiến sẽ ổn định như năm 2023 với 39 Điểm thi đặt tại 39 trường THPT của tỉnh. Cùng các công việc chuẩn bị cho đăng ký dự thi, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị tập huấn Quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ làm công tác thi. Sở GD&ĐT cũng tiếp tục chỉ đạo nhà trường hoàn thành chương trình dạy học theo quy định; hướng dẫn đơn vị rà soát, cập nhật thông tin học sinh trên cơ sở dữ liệu ngành.
Các nhà trường được yêu cầu thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến tới học sinh, phụ huynh về Quy chế thi và Hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, đặc biệt những điểm mới, giúp học sinh đăng ký dự thi, lựa chọn môn thi theo đúng nguyện vọng và quy chế.
Ông Trịnh Văn Ngoãn. |
Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã quán triệt mục tiêu: Toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh lớp 12 năm học 2023 - 2024 đồng lòng, quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt; quyết tâm nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp và cải thiện chất lượng điểm bình quân mỗi môn học của từng trường, trung tâm trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Phấn đấu Vĩnh Long nằm trong nhóm 10 địa phương có điểm trung bình các bài thi cao nhất nước.
Thực hiện mục tiêu này, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường căn cứ kế hoạch giáo dục, tiến độ thực hiện chương trình môn học, đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả thi tốt nghiệp THPT năm học 2022 - 2023 và kiểm tra cuối kỳ I năm học 2023 - 2024 để xây dựng kế hoạch ôn tập; trong đó chú ý đề ra các giải pháp, chỉ tiêu cụ thể.
Thời gian ôn tập chia thành nhiều giai đoạn phù hợp với tình hình thực tế dạy học và năng lực, sức khỏe của học sinh. Phát huy sức mạnh chung của các lực lượng trong và ngoài nhà trường, huy động nguồn lực xã hội góp phần thúc đẩy công tác ôn tập đạt hiệu quả cao nhất.
Kế hoạch phải có phân công lãnh đạo hoặc cá nhân/tập thể phụ trách (theo môn hoặc lớp); tổ chức kiểm tra tinh thần, thái độ thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thể hiện trong đó để kịp thời động viên, khen thưởng cá nhân, tổ chức tích cực, làm tốt; đồng thời nhắc nhở, phê bình cá nhân, tập thể lơ là, thiếu trách nhiệm trong quá trình ôn tập.
Số tiết ôn tập cần được xem xét, bố trí phù hợp, trên cơ sở đề xuất của tổ chuyên môn, nhu cầu thực tế từng trường, nhóm học sinh, không gây quá tải, đảm bảo sức khỏe cho trò trong quá trình ôn tập. Tùy theo điều kiện cụ thể, nhà trường tổ chức ôn tập cho những học sinh đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm học trước có nguyện vọng ôn để thi lại.
Đồng thời, thành lập Tổ tư vấn, hướng dẫn học sinh đăng ký dự thi, rà soát lại việc các em đăng ký chọn tổ hợp thi tốt nghiệp THPT để có định hướng, tư vấn hướng nghiệp, hướng học. Quan tâm phối hợp, tổ chức tốt các buổi tư vấn, hướng nghiệp theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, phấn đấu giảm đến mức thấp nhất tình trạng học sinh chọn nhầm trường, nhầm ngành, nhầm trình độ đào tạo.
Để nâng cao chất lượng ôn tập, lãnh đạo nhà trường cần chỉ đạo tổ chuyên môn phân tích cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT qua các năm; đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả kiểm tra cuối kỳ I, tỷ lệ điểm bình quân của môn học, tỷ lệ điểm bình quân tốt nghiệp THPT năm trước, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập và giải pháp, chỉ tiêu cụ thể cho từng môn học. Cùng với đó, quan tâm điều chỉnh, bổ sung nguồn tài liệu, lựa chọn phương pháp ôn tập, hướng dẫn học sinh tự học phù hợp.
Với giáo viên tham gia công tác ôn tập cần tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, hình thức ôn tập để giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng làm bài cần thiết. Thầy cô quan tâm kiểm tra, đánh giá kết quả để kịp thời điều chỉnh nội dung, phương pháp ôn tập phù hợp.
Có thể xếp lớp theo hướng phân hóa trình độ để có phương pháp, nội dung ôn tập phù hợp đối tượng. Đối với học sinh có học lực yếu, kém, cần tăng cường ôn tập kiến thức cơ bản, trọng tâm của chương trình hướng tới mục tiêu đỗ tốt nghiệp. Học sinh có học lực khá giỏi cần được ôn tập các dạng đề nâng cao để hướng tới mục tiêu đỗ đại học hoặc đỗ vào các trường có điểm tuyển cao.
Theo kế hoạch chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, việc tập huấn quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho các sở GD&ĐT sẽ hoàn thành chậm nhất ngày 18/4. Tổ chức tập huấn quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ làm công tác thi hoàn thành chậm nhất 23/4.
Lập và giao tài khoản cho thí sinh là học sinh lớp 12 năm học 2023 - 2024 từ 24 đến hết 26/4. Từ 24 - 28/4 tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng ký dự thi chính thức từ 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5. Kỳ thi chính thức sẽ diễn ra trong các ngày 26, 27, 28, 29/6.
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc