Trường CĐ-ĐH địa phương: Quản trị yếu kém

Chủ nhật - 31/03/2024 05:39 40 0
Không cân đối số lượng cán bộ, giảng viên và quy mô sinh viên, một số trường đại học, cao đẳng địa phương đã gặp khó khăn về tài chính, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội… Bị nợ lương, giảng viên ngừng việc Giữa tháng 12/2023, 18 cán bộ, giảng viên thuộc Khoa Điều dưỡng và Khoa Y tế (Trường Cao đẳng Y...
Trường CĐ-ĐH địa phương: Quản trị yếu kém

Không cân đối số lượng cán bộ, giảng viên và quy mô sinh viên, một số trường đại học, cao đẳng địa phương đã gặp khó khăn về tài chính, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội…

Bị nợ lương, giảng viên ngừng việc

Giữa tháng 12/2023, 18 cán bộ, giảng viên thuộc Khoa Điều dưỡng và Khoa Y tế (Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam) gửi thông báo quyết định ngừng việc tập thể. Lý do đội ngũ này đưa ra là nhà trường không thanh toán tiền lương và phụ cấp trong 6 tháng, tính từ tháng 7/2023. Thời gian bị nợ lương, các giảng viên này vẫn đến trường giảng dạy vì không muốn ảnh hưởng đến tiến độ học tập của sinh viên. Việc nợ lương kéo dài khiến đời sống của họ gặp nhiều khó khăn.

Đến tháng 12/2023, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam đã nợ 7,6 tỷ đồng gồm tiền lương, phụ cấp và bảo hiểm xã hội của hơn 100 người lao động trong 6 tháng. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định cấp hơn 1,2 tỷ đồng để “giải cứu” tạm thời Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam. Số tiền này trích từ nguồn sự nghiệp đào tạo chưa phân bổ trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2023 để đào tạo lưu học sinh Lào năm 2022.

Trường ĐH Quảng Bình cũng rơi vào tình trạng nợ lương đối với 137 người lao động từ khoảng 2 đến 8 tháng năm 2023. Ngoài gần 4,7 tỷ đồng nợ lương, Trường ĐH Quảng Bình còn nợ hơn 1,4 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội của cán bộ, nhân viên tính đến thời điểm tháng 1/2024.

Đầu năm 2020, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề xuất với ĐH Đà Nẵng để Trường ĐH Quảng Nam trở thành thành viên của đại học này. Việc này nhằm nâng tầm, tạo vị thế mới cho Trường ĐH Quảng Nam cũng như giải quyết vấn đề tuyển sinh của trường. Nguyên nhân, liên tiếp trong 3 năm, từ năm 1997, tỷ lệ tuyển sinh của trường đạt khá thấp so với chỉ tiêu.

Thậm chí, số sinh viên tuyển mới nhập học năm 2019 ít hơn số cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường (215 em). Trong khi ngân sách đào tạo được cấp theo đầu sinh viên buộc nhà trường phải hoàn trả lại vì số lượng không đạt chỉ tiêu so với kế hoạch giao. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, đây chỉ là đề xuất từ phía chính quyền Quảng Nam thời điểm đó.

Giai đoạn 2015 - 2022, Trường ĐH Quảng Nam có 112 cán bộ, giảng viên nghỉ hưu, thôi việc và chuyển công tác. Cụ thể, nghỉ hưu đúng tuổi có 2 tiến sĩ, 8 thạc sĩ; nghỉ hưu theo Nghị định số 68: 2 tiến sĩ, 13 thạc sĩ; thôi việc ngay theo Nghị định số 68: 3 thạc sĩ; thuyên chuyển công tác: 3 tiến sĩ, 14 thạc sĩ; chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc: 2 tiến sĩ, 65 thạc sĩ.

Trường ĐH Quảng Bình phối hợp với các đơn vị đối tác tặng máy tính xách tay cho sinh viên là người dân tộc thiểu số. Ảnh: NTCC

Trường ĐH Quảng Bình phối hợp với các đơn vị đối tác tặng máy tính xách tay cho sinh viên là người dân tộc thiểu số. Ảnh: NTCC

Thách thức về quản trị

PGS.TS Nguyễn Đức Vượng - Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Bình lý giải nguyên nhân nợ lương người lao động do công tác tuyển sinh gặp khó khăn. Thời điểm tuyển sinh cao điểm, trường có 10 nghìn sinh viên nhưng nay chỉ còn 1 nghìn. Nguồn thu chính của trường đến từ sinh viên các ngành ngoài sư phạm. Tuy nhiên, trong số hơn 1 nghìn sinh viên của trường hiện nay thì có hơn nửa là sinh viên sư phạm. Năm học 2023 – 2024, trường chỉ tuyển được hơn 300 sinh viên, dẫn đến số giảng viên dôi dư nhiều.

Trong số 238 viên chức, người lao động của Trường ĐH Quảng Bình, có đến 139 viên chức hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị. Trường có 156 giảng viên và số viên chức hành chính, lao động hợp đồng làm công tác hành chính, hỗ trợ phục vụ lên đến 82 người. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Vượng, số cán bộ, giảng viên được tuyển ở thời điểm quy mô đào tạo của trường lên đến gần 10 nghìn sinh viên. Việc sụt giảm nguồn thu dẫn đến trường không có khả năng chi trả lương và bảo hiểm xã hội…

Nguyên nhân chính của tình trạng nợ lương dẫn đến giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Quảng Nam do các thế hệ lãnh đạo của trường thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, quản lý sử dụng tài chính để xảy sai phạm kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng.

Đơn cử việc Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam đã sử dụng kinh phí vượt so với số lượng tuyển sinh đào tạo trong 2 nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025 hơn 23 tỷ đồng. Bệnh viện Đa khoa trực thuộc trường thực hiện kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt trần với tổng mức ở giai đoạn 2016 – 2020 hơn 12,1 tỷ đồng; nợ tiền mua thuốc khám, chữa bệnh của đơn vị cung ứng 9,4 tỷ đồng.

Do chậm trễ khắc phục hậu quả, không thể thu hồi phần lớn số tiền sai phạm, tỉnh Quảng Nam đã quyết định khấu trừ vào nguồn thu hằng năm của trường. Cùng đó, giao quyền tự chủ tài chính cho nhà trường để tự đảm bảo một phần chi thường xuyên với mức 91% kể từ năm 2023 – 2025.

Năm 2024, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam được giao 220 chỉ tiêu tuyển sinh ở 2 hệ cao đẳng và trung cấp. Dự kiến, tỉnh sẽ phân bổ cho trường khoảng 10,8 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu kinh phí của trường gần 16 tỷ đồng. Số tiền còn thiếu, nhà trường tự cân đối nguồn thu để đảm bảo chi thường xuyên.

Ông Huỳnh Tấn Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm 2023, nhà trường thu khoảng 5 tỷ đồng. Nhưng năm 2024, dự kiến nguồn thu từ học phí giảm vì áp dụng chính sách giảm học phí cho sinh viên đang theo học những ngành nghề độc hại, nguy hiểm. Vì vậy, nhà trường kiến nghị tỉnh giao kinh phí theo biên chế hoạt động để không lặp lại tình trạng nợ lương.

Theo phân tích của GS.TSKH Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nếu giai đoạn trước đây, các trường đại học bị ràng buộc nhiều về cơ chế, chính sách, hạn chế quyền tự chủ thì nay cơ chế quản trị đại học đã thông thoáng hơn nhiều. Những quy định mà trước đây chỉ có ĐH Quốc gia mới có thì nay mọi trường được phép thực hiện.

“Trước đây khi trường còn hoạt động trong cơ chế được Nhà nước bao cấp thì lãnh đạo nhà trường ít phải lo toan hơn. Trong cơ chế tự chủ, quyền của nhà trường mở rộng nhưng đi kèm với tự chủ là tự chịu trách nhiệm. Tập thể lãnh đạo nhà trường ngày nay phải lo toan tìm kiếm các nguồn lực để đảm bảo cho hoạt động của nhà trường”, GS Bùi Văn Ga phân tích.

Trường Đại học Quảng Bình hiện xây dựng đề án sắp xếp, thành lập, tổ chức lại các phòng và tương đương. Sau đó trường sẽ cơ cấu lại đội ngũ viên chức, tổ chức lại lao động, bố trí số lượng người làm việc tại các phòng, khoa, viện, trung tâm hợp lý theo vị trí việc làm; thực hiện chấm dứt hợp đồng làm việc đối với những viên chức dôi dư hoặc không còn vị trí việc làm so với hợp đồng làm việc đã ký kết theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nhà trường cũng thực hiện phương án tạm hoãn hợp đồng, đợt 1 dự kiến có 7 giảng viên và 14 viên chức hành chính sau khi rà soát công việc trong các đơn vị và giờ dạy.

Tác giả bài viết: Hà Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập819
  • Hôm nay29,745
  • Tháng hiện tại307,875
  • Tổng lượt truy cập51,663,834
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944