Giáo dục mầm non: Bắt đầu từ sự yêu thương

Thứ sáu - 01/03/2024 04:39 55 0
GD&TĐ - Cô Phan Thị Tùy Anh, Nhà sáng lập trường Mầm non Múp Míp quan niệm, tình yêu thương và sự tử tế là cách tiếp cận vững chắc với bậc mầm non.
Giáo dục mầm non: Bắt đầu từ sự yêu thương

Để đánh giá là một nhà giáo dục người ta không nhìn vào quy mô mà người ta nhìn vào cách họ làm. Trong bối cảnh hiện nay, nhà giáo dục phải chọn một trong hai con đường: hoặc để xã hội nhào nặn và tạo ra thế hệ tương lai; hoặc góp phần tạo ra xã hội và làm cho nó tốt đẹp lên.

Cô Phan Thị Tùy Anh, Nhà giáo dục, Nhà sáng lập Mầm non Múp Míp chia sẻ những quan điểm, cách tiếp cận của mình trong công tác giáo dục mầm non.

- Chị có thể cho biết lý do Múp Míp cũng như cá nhân chị và có thể rất nhiều trường học khác đã, đang và sẽ tiếp tục theo đuổi hướng tiếp cận Reggio Emilia?

- Ở mỗi quốc gia chương trình giáo dục mầm non đều có một chương trình chuẩn quốc gia dựa trên bối cảnh văn hóa, lịch sử, khoa học và kỹ thuật... và đa số các chương trình đều dựa trên đặc điểm phát triển tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ mầm non.

Theo thời gian, các nhà giáo dục học, nhà tâm lý học đã nghiên cứu, phát triển và xây dựng thêm nhiều phương pháp giáo dục cũng như hướng tiếp cận mới với quan điểm giáo dục tiên tiến hơn, có thể và có khả năng giao thoa, tích hợp và bổ trợ cho nhau, phù hợp với bối cảnh và văn hóa của mỗi quốc gia.

Khi được tiếp xúc với hướng tiếp cận Reggio Emilia, về cá nhân tôi có rất nhiều điểm chạm về quan điểm và triết lý giáo dục so với các phương pháp giáo dục khác.

Hướng tiếp cận Reggio Emilia không phải là một phương pháp giáo dục mà là hướng tiếp cận - “Approach”. Mỗi một khu vực hay là mỗi quốc gia sẽ khác nhau về bối cảnh văn hóa, đặc điểm địa lý, môi trường giáo dục riêng có, nên có thể ứng dụng Reggio Emilia như một hướng tiếp cận cho môi trường, ngôi trường cụ thể và không thể rập khuôn.

Quan điểm của Loris Malaguzzi, cha đẻ của hướng tiếp cận này là làm giáo dục là để lan tỏa, để cho đi và phát triển nó trong và cho cộng đồng. Đối với ông, mỗi đứa trẻ sinh ra đều có quyền được học tập và trải nghiệm trong môi trường tốt nhất, phù hợp nhất với bối cảnh tại địa phương của đứa trẻ đó.

Ở đâu có trẻ, có chất liệu (học cụ, học liệu), có giáo viên biết quan sát, thấu hiểu, nắm vững đặc điểm phát triển của trẻ, biết tôn trọng góc nhìn, quyền của của trẻ, biết quan sát ghi nhận hành trình học tập của trẻ, biết lắng nghe, đặt câu hỏi khơi gợi được sự tò mò và đam mê khám phá tiềm năng của mỗi đứa trẻ, biết tạo môi trường gợi mở, kích thích với không gian an toàn, thẩm mỹ, thì ở nơi đó đã có thể ứng dụng được hướng tiếp cận Reggio Emilia.

Quan điểm giáo dục của hướng tiếp cận Reggio không chỉ truyền cảm hứng trong công tác chuyên môn của tôi mà còn giúp tôi thực hành áp dụng trong cuộc sống về việc mở rộng quan điểm, góc nhìn, có cái nhìn rộng mở đón nhận và tôn trọng rất góc nhìn đa chiều của mọi người. Đó chính là lý do tại sao tôi “cảm” và lựa chọn hướng tiếp cận Reggio Emilia là nền tảng chuyên môn tại Múp Míp.

Tình yêu thương và sự ấm áp là nền tảng và giá trị cốt lõi, xuyên suốt các hoạt động của Trường Mầm non Múp Míp. Ảnh: NTCC

Tình yêu thương và sự ấm áp là nền tảng và giá trị cốt lõi, xuyên suốt các hoạt động của Trường Mầm non Múp Míp. Ảnh: NTCC

- Hiện tại, ở nước ta, số lượng trường mầm non theo hướng tiếp cận Reggio Emilia đã và đang tăng lên so với trước đây. Ở góc nhìn của một nhà giáo dục, theo quan điểm của chị, học sinh là khách hàng hay là sản phẩm giáo dục? Mục tiêu của giáo dục mầm non cần và nên là gì?

- Khách hàng và sản phẩm là những từ mang màu sắc kinh doanh, nó phù hợp hơn khi nhìn vấn đề dưới lăng kính kinh doanh thuần túy. Với góc nhìn từ một nhà giáo dục, tôi không nhìn nhận vấn đề trên góc nhìn này, nhưng tôi cũng hiểu rằng, nó đang tồn tại trên thực tế.

Hành trình gần 20 năm cùng giáo dục mầm non, tôi nhận ra rằng, giáo dục mầm non chính là sự nghiệp trọn đời của mình. Sự tử tế và tình yêu thương với những em nhỏ là kim chỉ nam cho mọi hành động của tôi.

Tôi luôn tâm niệm rằng, khi mình đặt tâm huyết vào việc xây dựng một môi trường giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, thì môi trường ấy phải là nơi giúp các em chuẩn bị bước đệm đầu đời tốt nhất cho hành trang vào lớp 1 và tương lai xa hơn nữa của mỗi em. Điều đó thật nhỏ bé so với chặng đường dài của cuộc đời, nhưng nó mang lại cho tôi niềm hạnh phúc thực sự lớn lao.

Để đạt được điều đó, mọi thứ phải được đặt trên một nền tảng giá trị vững chắc, với tôi đó là chính là tình yêu thương và sự tử tế. Ở bất kỳ đâu, khi tình yêu thương tồn tại, khi đó không còn tồn tại sự trao đổi lợi ích, chỉ còn tính nhân văn, tinh thần giáo dục nhân bản.

Đối với tôi mỗi em học sinh của trường Mup Mip, cũng như gia đình của em, đều là những thành viên của một đại gia đình Múp Míp, đều sẽ được thấu hiểu, chăm sóc và giáo dục một cách tốt nhất, tận tâm nhất.

Có thể diễn đạt dễ hiểu hơn rằng, tôi đã, đang và sẽ làm giáo dục dựa trên nền tảng giá trị mà tôi theo đuổi suốt cuộc đời, tôi không tiếp cận theo hướng sử dụng giáo dục như một công cụ kinh doanh, trong bối cảnh này các khái niệm “khách hàng”, “sản phẩm” sẽ không tồn tại.

Mục tiêu chính của giáo dục nói chung, và giáo dục mầm non nói riêng, với ý kiến cá nhân của tôi, đó là đưa con người hướng đến sự nhân văn, “Hướng thượng, hướng thiện”.

Nhà giáo dục Tùy Anh thuyết trình tại Hội thảo Giáo dục Mầm non. Ảnh: NTCC.

Nhà giáo dục Tùy Anh thuyết trình tại Hội thảo Giáo dục Mầm non. Ảnh: NTCC.

- Giáo dục đúng nghĩa không phải là việc tạo ra thành tích, mà người làm giáo dục phải vừa phát triển được người học vừa phát triển cùng người học. Hệ thống trường học mà chị đã xây dựng cũng như cố vấn đã cùng nhau phát triển ra sao?

Tôi có thể nhìn thấy ngay, tôi chính là một minh chứng cho quan điểm “người làm giáo dục phải vừa phát triển được người học vừa phát triển cùng người học”. Giáo dục là hành trình, là trải nghiệm là sự phát triển không ngừng nghỉ để phát triển bản thân mỗi ngày trở thành người công dân có ích cho chính mình, cho gia đình và cho xã hội.

Kiến thức, kinh nghiệm mà tôi tích lũy và đang ứng dụng, 70% là từ cộng đồng xung quanh. Tôi học từ trẻ, giáo viên và phụ huynh cũng những bạn bè đồng nghiệp,…cả trong và ngoài nước.

Tôi luôn học hỏi và học từ xung quanh mỗi ngày, điều đó giúp tôi trở nên rắn chắc và vững vàng hơn, cả về chuyên môn lẫn cuộc sống. Tôi đón nhận và học hỏi từ cả những điều tốt đẹp, cũng như từ những biến cố, khó khăn và thử thách với tâm thế sẵn sàng đối mặt và biến những khó khăn ấy thành kinh nghiệm và chất liệu tiến đến thành công trong cuộc sống.

Tôi không đưa ra một khẳng định, nhưng tôi có niềm tin rằng mọi người trong cuộc sống cũng đều như vậy. Đó cũng là tinh thần của hướng tiếp cận Reggio Emilia.

Trường Mầm non Múp Míp, trong hành trình 7 năm phát triển, đã có được niềm tin của rất nhiều phụ huynh, đó thực sự là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của tôi. Củng cố thêm và cũng giúp tôi vững bước trên 1 hành trình dài khó khăn, đó là những kết quả học tập, những thành công của các em học sinh cũng như của các giáo viên tại trường. Những thế hệ học sinh của Múp Míp đã lan tỏa, bay xa trên hành trình tiếp theo của các em và đều nhớ về ngôi trường thuở ấu thơ của mình như một ngôi nhà nhỏ ấm áp tình yêu thương.

Sự tử tế và tình yêu thương cũng đã lan tỏa tới thủ đô Hà Nội, tại hệ thống trường Mầm non Emilia Elite với nhà sáng lập là nhà giáo Giáng Hương. Tôi và chị Giáng Hương có cùng chung triết lý, quan điểm về các giá trị trong giáo dục, và đó là nền tảng giúp Múp Míp cũng như Emilia Elite Hà Nội luôn được sự trân trọng và tin tưởng của phụ huynh học sinh.

- Hiện nay, có rất nhiều quan điểm cho rằng giáo dục hiện tại “việc gì cũng tiền”, nhưng có phải, bên cạnh tiền, sự xây dựng cộng đồng giữa nhà trường và gia đình, xã hội cũng quan trọng. Đó là lý do nhiều nơi phản đối chính sách học phí vì nền tảng là mâu thuẫn về triết lý giáo dục giữa nhà trường và phụ huynh. Hệ thống của chị có cách hợp tác giữa các bên trong cộng đồng ra sao?

- Tôi đến với giáo dục từ tình yêu thương và đam mê, giáo dục đã giúp tôi có ngày hôm nay, giáo dục cho tôi sự hạnh phúc cả trong cuộc sống, cũng như giúp tôi bồi đắp kiến thức và hiểu hơn giá trị của con người, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, và lớn hơn là của cộng đồng. Đó là những gì lớn lao nhất mà cá nhân tôi luôn mong mỏi.

Về mâu thuẫn giữa nhà trường và phụ huynh về triết lý giáo dục, cá nhân tôi cho rằng, nếu là mâu thuẫn thì có thể hơi quá, tôi xin phép dùng từ “khác biệt” thay cho từ “mâu thuẫn” .

Niềm hạnh phúc của mỗi em nhỏ, mỗi phụ huynh là sự tự hào và động lực hoạt động của Trường Mầm non Múp Míp. Ảnh: NTCC.

Niềm hạnh phúc của mỗi em nhỏ, mỗi phụ huynh là sự tự hào và động lực hoạt động của Trường Mầm non Múp Míp. Ảnh: NTCC.

Trên hành trình cùng giáo dục mầm non của cá nhân mình, ở nhiều vai trò khác nhau, tôi được nghe, được học, được chứng kiến và được chia sẻ nhiều câu chuyện từ nhiều người, ở nhiều vai trò khác nhau, mỗi người đều có những quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề, mà chúng ta cần tôn trọng, chắt lọc và phát huy giá trị tích cực của tất cả các ý kiến. Đó cũng chính là tinh thần của Hướng tiếp cận Reggio Emilia.

Về việc học phí dựa trên phương pháp giáo dục, do thời điểm tiếp cận các phương pháp giáo dục tại Việt Nam khác nhau, nên có thể gián tiếp tạo nên hệ quả này, nhưng tôi cho rằng, nó chỉ mang tính thời điểm. Tuy nhiên, tôi không cho rằng, như chia sẻ bên trên, đó là một mâu thuẫn, và lại càng không liên quan tới các phương pháp giáo dục.

Sẽ là chủ quan khi tôi đưa ra một nhận định, nhưng quả thực, có nhiều người khi nói về học phí, mọi người sẽ nghĩ về tiền. Với tôi, không hẳn như vậy, đây là một vấn đề cần bóc tách kỹ lưỡng. Tôi xin dùng hình ảnh, nếu trường học là một con người, một cơ thể sống với nhiều cơ quan, thì tiền như là máu. Một cơ thể khỏe mạnh, máu không thể nhiều quá, không thể ít quá và phải đảm bảo các chỉ số ở mức độ tốt. Tôi luôn có niềm tin rằng, tại Việt Nam, có rất nhiều nhà giáo dục, nhà đầu tư có tâm huyết, luôn nung nấu hoài bão mang lại những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam, nếu để kiếm tiền, tôi không có niềm tin rằng, giáo dục là một lựa chọn có thể kiếm được tiền nhiều nhất.

Múp Míp mà tôi xây dựng là một ngôi trường ấm áp, được xây dựng dựa trên nền tảng là tình yêu thương và sự tử tế, nơi mà các em nhỏ và gia đình của mỗi em là trung tâm. Đó chính là giá trị cốt lõi của Múp Míp, của hệ thống, và cũng là kim chỉ nam để tôi tiếp tục hành trình và làm việc với tất cả các đối tác và cộng đồng trong và ngoài nước.

Tác giả bài viết: Nam Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập316
  • Hôm nay26,487
  • Tháng hiện tại290,389
  • Tổng lượt truy cập51,646,348
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944