Từ nội dung chương trình Giáo dục địa phương, nhiều trường học ở Vĩnh Phúc giúp học sinh được trải nghiệm thực tế với phương châm “Học qua làm”.
Chủ đề 5, chương trình Giáo dục địa phương của Vĩnh Phúc yêu cầu giúp học sinh nhận thức và thực hành kỹ thuật canh tác, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Thực hiện phương pháp dạy học tích cực hóa hoạt động học tập, chú trọng tổ chức hoạt động học nhằm hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh, Trường THPT Vĩnh Yên, (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) thực hiện phương châm “Học qua làm”.
Được sự trợ giúp của Công ty TNHH xử lý môi trường Trung Nguyên, Yên Lạc, Trường THPT Vĩnh Yên bước đầu triển khai dự án nhà màn trồng rau hữu cơ và trải nghiệm trồng lúa hữu cơ tại cánh đồng của Công ty tại xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
Ông Ngô Ngọc Châu - chuyên viên Công ty TNHH xử lý môi trường Trung Nguyên đã giới thiệu vắn tắt quy trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ gồm các kỹ thuật chọn giống, xử lý đất, nguồn nước, cấy lúa và chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm cần tuân thủ các yêu cầu cơ bản sạch, an toàn và chất lượng. Thầy trò lắng nghe và thực hành khâu cấy lúa theo kỹ thuật thủ công truyền thống.
Trong điều kiện thực tế, lớp 10, 11 cử nhóm học sinh tham gia cùng toàn bộ cán bộ, giáo viên. Mặc dù trời rét dưới 15 độ và mưa phùn, nhưng thầy và trò vẫn lội cấy hoàn thành thửa ruộng đúng yêu cầu kỹ thuật.
Hiệu trưởng Mai Chang (bên phải) và các cô giáo chuẩn bị mạ. |
Nhà giáo Nguyễn Thị Mai Chang - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Giáo dục đang đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng học đi đôi với hành, nhà trường gắn với xã hội thông qua các hoạt động giáo dục trải nghiệm và thực hành. Chủ đề 5 “Nông nghiệp hữu cơ Vĩnh Phúc” (môn Giáo dục địa phương, lớp 11) có 4 tiết học.
Nhà trường đã suy nghĩ và quyết tâm tìm cách để thầy và trò làm thực tế, học và làm thật sự. Qua đó, vừa trang bị kiến thức, vừa hướng nghiệp cho học sinh khi Vĩnh Phúc có nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh và phát triển nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhu cầu thị trường lớn và ổn định của tỉnh với hàng trăm nghìn công nhân, hàng chục khu công nghiệp và các thành phố”.
Biết thông tin về buổi học trên, học sinh hào hứng chuẩn bị, xung phong đi nhưng nhiều em lội bùn lần đầu trong giá lạnh, sợ đỉa, sợ bùn và không biết cấy. “Có bạn lội xuống rồi rét run lên bờ luôn; bạn thì vẫn kiên trì cấy sang bờ bên kia. Chúng em rất thích cách học chỉ việc và thực hành ngay. Lần đầu chúng em biết cấy lúa và hiểu việc làm của cha mẹ, người nông dân làm ra hạt gạo gian khổ thế nào và phải trân quý nghề nông hơn”, học sinh Cao Quỳnh Hương - lớp 11A1 cho biết.
Những thợ cấy nghiệp dư của Trường THPT Vĩnh Yên. Ảnh: TG |
Ngay sau Tết Giáp Thìn, Trường THPT Vĩnh Yên ra mắt nhà màn thí điểm trồng rau sạch hữu cơ và trồng cây tại khuôn viên. Với hơn 400 mét vuông, nhiều thùng đất được thầy trò trồng các loại rau theo quy trình hướng đến hữu cơ, an toàn và năng suất.
Không dùng giống GMO biến đổi gen, sử dụng nước sạch, đất trộn phân hữu cơ hoai mục, hệ thống tưới bán tự động trong nhà bưng lưới chống côn trùng. Học sinh được giới thiệu về quy trình sản xuất rau sạch, xử lý hạt giống, xử lý đất và gieo hạt, trồng cây con theo tỷ lệ hợp lý.
“Đây là lần đầu tiên chúng em được làm và cảm nhận về sự phát triển những hạt giống. Mấy hôm sau khi gieo hạt, nhìn rau mọc lên thật đẹp, chúng em mới hiểu và bắt dầu yêu thích nghề trồng trọt”, nữ sinh Thu Trang - lớp 11A7 chia sẻ.
Xu hướng tiếp cận, xây dựng và phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng hiện đại đã và đang được nhiều địa phương triển khai đạt hiệu quả tốt. Những cánh đồng mẫu lớn nhà lưới ở Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình hay Đà Lạt… tạo nên sản phẩm rau củ quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và bán trong nước đã mở ra một triển vọng tốt cho những tỉnh có đồng bằng.
Vĩnh Phúc có nhiều điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng và khí hậu, nguồn nhân lực tiềm năng để khởi nghiệp phát triển nông nghiệp hữu cơ trong hiện tại và tương lai. Vĩnh Phúc cũng là địa phương đang thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp nên nhu cầu về thực phẩm vô cùng lớn và ổn định. Thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh và ngành GD, các trường phổ thông đã nắm bắt cơ hội tiềm năng về nông nghiệp và xây dựng định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ THCS.
Làm sao để từng bước xóa bỏ quan niệm nhất thiết phải học kinh tế, ngân hàng, tài chính... trong phụ huynh và học sinh? Làm sao để ngành nghề nông nghiệp sạch đầy triển vọng và bền vững được nhiều học sinh trung học Vĩnh Phúc nói riêng, thấu hiểu và lựa chọn? Làm sao mỗi trường trung học có được khu ruộng đất hoặc thuê lâu dài/liên kết doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp để học sinh được học và làm thực hành nghề nông?
Đó là những trăn trở không chỉ của các nhà quản lý và người làm giáo dục, mà còn là nguyện vọng chính đáng của học sinh và phụ huynh khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Theo nhà giáo Nguyễn Thị Mai Chang, điều này đang được các trường dần hiện thực hóa với cách làm đa dạng.
Các thầy, cô giáo không thể quên cảm giác lội bùn ruộng, rút chân lên, mùi tanh tanh của đất ngâm nước lâu ngày; nhớ thân mạ non mềm nhỏ và cảm giác gieo mùa... ngày xưa xa. “Chúng em đã tìm lại cảm xúc đi cấy ngày thơ bé. Bây giờ có tuổi và bỏ nghề lâu, cấy với trò thì vui, song lại đau lưng, cứng hết chân. Giá lạnh thì không ngại nhưng để giúp trò trải nghiệm thì còn gì vui hơn”, các cô giáo Mai Chang, Thu Hà, Bùi Thơm, Nguyễn Quý, Triệu Hằng chia sẻ.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Lự
Ý kiến bạn đọc