Từ những tranh cãi xung quanh việc sử dụng chứng chỉ IELTS để tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ, cũng như tuyển sinh đầu cấp, nhiều ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận đúng vai trò của chứng chỉ IELTS và làm rõ những đối tượng nào và lứa tuổi nào phù hợp để học, thi chứng chỉ IELTS.
Mấy năm gần đây, các trường cao đẳng, đại học bổ sung thêm nhiều phương thức xét tuyển mới, trong đó có ưu tiên xét tuyển hoặc tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS. Thậm chí kỳ tuyển sinh đầu cấp, chứng chỉ này cũng trở thành lợi thế của học sinh một số địa phương.
Nhận thấy lợi thế của IELTS, nhiều phụ huynh đầu tư cho con em mình học, thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ từ rất sớm.
Không phủ nhận những tác động tích cực, nhưng cô Nguyễn Thị Kim Ngần, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên), cũng bày tỏ băn khoăn trước “cơn sốt” học IELTS trong học sinh khắp cả nước, kể cả thành phố lẫn nông thôn.
Học sinh đổ xô đi học chứng chỉ này, chỉ đầu tư thời gian học và luyện đề IELTS để đạt điểm cao mà chểnh mảng các môn học khác. Kết quả dẫn tới tình trạng học lệch, không tốt cho sự phát triển của học sinh. Học sinh chạy đua đi học và thi IELTS như một xu hướng làm cho việc học ngoại ngữ bị thương mại hoá.
Nhiều trung tâm tiếng Anh mở ra, quảng cáo rầm rộ và dạy tràn lan không đảm bảo chất lượng. Nhiều em bỏ ra một số lượng tiền lớn, thậm chí cả trăm triệu mà không mang lại kết quả như mong muốn.
“Chi phí cho một khoá luyện thi IETLS rất đắt đỏ, lệ phí thi cao, chỉ các gia đình có điều kiện kinh tế mới đầu tư cho con học được. Nếu các trường đại học top đầu tăng chỉ tiêu xét tuyển IETLS thì vô tình lấy đi cơ hội học tập của những thí sinh tiềm năng mà chưa có cơ hội học chứng chỉ này. Do đó, chúng ta đừng lạm dụng IETLS, làm sai lệch bản chất của việc học ngoại ngữ”, cô Nguyễn Thị Kim Ngần bày tỏ.
“Tôi chưa gặp một đơn vị đào tạo nào chỉ tuyển học sinh với chứng chỉ IELTS, thông thường có kèm theo các tiêu chuẩn khác” - chia sẻ điều này, TS Bùi Thị Thanh Hương - Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - ĐHQG Hà Nội cho rằng, không nên chỉ đánh giá học sinh qua chứng chỉ IELTS bởi chứng chỉ này chỉ phản ánh các kỹ năng nghe hiểu, kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng viết, tư duy các vấn đề kinh tế xã hội, kỹ năng nói trình bày tri thức, phông văn hóa cá nhân.
Trong IELTS còn vắng bóng các kỹ năng khác quan trọng cần được đánh giá như: tư duy logic toán thông dụng, tư duy không gian, các tri thức về khoa học tự nhiên: Vật lí, hóa học, sinh học, tri thức về khoa học xã hội: lịch sử, địa lí của dân tộc của địa phương
Nhiều học sinh có thể có điểm thi IELTS cao (do quen với dạng đề, rèn đi rèn lại nhiều), song các tri thức về tự nhiên, văn hóa, xã hội chưa đủ sâu sắc, cá biệt có trường hợp còn thiếu và lệch lạc. Thêm nữa, tính sáng tạo, xử lý tình huống có vấn đề còn thiếu và yếu cũng do đặc thù của kỳ thi (học sinh được rèn đi rèn lại theo template của kỳ thi).
Thầy Giang Ngọc Ảnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Mỹ Lộc (Thái Thuỵ, Thái Bình) thì khẳng định: Chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định học sinh nào học ngoại ngữ tốt thì cũng học Toán, Ngữ văn và các môn khác tốt.
Nếu căn cứ vào học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ cao mà tuyển thẳng thì mất đi cơ hội trúng tuyển của học sinh khác không có chứng chỉ ngoại ngữ, nhưng vẫn học Toán, Ngữ văn…tốt. Chưa kể, học để có điểm chứng chỉ ngoại ngữ cao rất tốn kém. Nhiều học sinh học giỏi nhưng không có điều kiện để học và thi lấy chứng chỉ..
Cần có một lộ trình học tập hiệu quả để tận dụng lợi thế của ngoại ngữ để vươn ra thế giới. |
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Sáng lập & Điều hành Hệ thống Anh ngữ Havina cho rằng, học tiếng Anh nói chung có thể từ tiểu học. Nhưng thời điểm đó, chỉ để chơi, làm quen với tiếng Anh, để tạo niềm vui và phản xạ cho trẻ. Từ lớp 1 đến lớp 5, học để thi IELTS là chưa cần thiết.
Những bài đọc hiểu của IELTS là dành cho người trưởng thành, không phải cho trẻ em. Kiến thức xã hội, kiến thực tế của trẻ chưa đủ để đáp ứng những yêu cầu của IELTS. Kiến thức nền, kiến thức cơ bản rất quan trọng với bất kỳ ai khi học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Dũng, các kỳ thi tiếng Anh quốc tế như IELTS, PTE, TOEFL, Cambridge... không phải là đích đến của việc học và sử dụng tiếng Anh. Đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS không có nghĩa là xuất sắc khi đi du học quốc tế và thành công về việc phát triển bản thân và nghề nghiệp.
Phụ huynh và học sinh hãy nhìn xa hơn, toàn diện hơn, đó là làm sao cho các bạn trẻ giỏi toán, khoa học, đam mê văn học, lịch sử, nghệ thuật... và sử dụng tiếng Anh như là một công cụ để tìm hiểu thêm về các môn học, về thế giới. Mỗi ngày một ít, mỗi năm tiến lên một chút, cứ dần dần và chắc chắn khi cần thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL, PTE… thì các bạn trẻ sẽ có nền tảng kiến thức chắc chắn để đạt điểm cao, đạt yêu cầu đầu vào của các trường THPT và đại học quốc tế.
“Học tiếng Anh mà chỉ để thi thì rất lãng phí, vẫn tư duy học cũ. Học tiếng Anh mà không biết sử dụng tiếng Anh để làm công cụ tự học và tự nghiên cứu thì phí hoài tuổi trẻ. Học tiếng Anh mà không biết viết nhật ký, viết truyện bằng tiếng Anh, dùng tiếng Anh để đọc sách khoa học, xem phim yêu thích và kết bạn với thế giới, đi thi mà không cần ôn luyện nhiều thì mới đúng mục đích của việc học ngoại ngữ.
Tiếng Anh không phải là tất cả, đừng lãng phí thời gian và tiền bạc vào việc lấy đích là điểm số thi chứng chỉ IELTS là đích đến mà cần có một lộ trình học tập hiệu quả để tận dụng lợi thế của ngoại ngữ để vươn ra thế giới”, ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.
Các trung tâm, cơ sở đào tạo ngoại ngữ nên tạo nội dung đào tạo phong phú gắn với văn hóa, lịch sử dân tộc. Học sinh có thể luyện nghe, luyện nói, luyện đọc, luyện viết nhiều hơn về các vấn đề văn hóa, lịch sử của Việt Nam hiện nay nhiều hơn bằng Tiếng Anh của chương trình IELTSs thay vì chỉ sử dụng các bộ tài liệu nhập khẩu. Cũng cần tăng tính vận dụng năng lực ngoại ngữ nhiều hơn trong công việc thực tiễn như các sự kiện tại nhà trường, hay các công việc parttime dành cho sinh viên.
TS Bùi Thị Thanh Hương
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn
Ý kiến bạn đọc