Đó là lưu ý của GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Nếu thí sinh đăng nhập bằng nhiều thiết bị cùng một thời điểm thì chỉ có 1 thiết bị đăng nhập sau cùng truy cập được; các thiết bị còn lại sẽ tự động bị ngắt kết nối không thể đăng nhập.
Thí sinh có thể đăng nhập trên các thiết bị khác nhau tại các thời điểm khác nhau. Ví dụ buổi sáng đăng nhập trên máy tính, buổi chiều đăng nhập trên điện thoại... Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội) khuyến cáo, thí sinh dùng máy tính để đăng ký tài khoản, chọn ca thi, nộp lệ phí... nhằm hạn chế tối đa sai sót. Bất kỳ sai sót nào đều có thể ảnh hướng đến tiến trình dự thi, công nhận kết quả thi.
Thông tin khai báo sai có thể bị dừng thi hoặc làm chậm thời gian cấp Giấy chứng nhận kết quả từ 4-6 tuần. Khi đó, thí sinh có thể không kịp xét tuyển đại học nếu nhận Giấy chứng nhận kết quả muộn do thông tin sai.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, kỳ thi đánh giá năng lực cho phép thí sinh chọn giờ thi, ca thi, ngày thi và địa điểm thi ở những nơi cần thiết. Khi các em lựa chọn ca thi, máy tính sẽ cho biết ca thi nào được phép đăng ký.
Máy tính sẽ tính chính xác đến từng giây thời gian liền kề giữa 2 ca thi. Ví dụ: Ca thi thứ nhất lúc 7h00 ngày 1/3 thì ca thi thứ hai bạn có thể chọn bắt đầu từ 7h00 ngày 28/3.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Quốc Việt. |
Hệ thống đăng ký thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội kiểm soát chặt chẽ thông tin cá nhân thí sinh để phòng chống gian lận. Sau khi đăng ký ca thi thành công (hoặc đã nộp lệ phí thành công) thí sinh phát hiện thông tin cá nhân sai sót có thể tiến hành theo 1 trong 2 cách sau:
Hủy ca thi đã đăng ký để cập nhật lại thông tin (Lưu ý lệ phí nếu đã nộp sẽ không hoàn lại và có thể đợt thi không còn chỗ trống để đăng ký ca thi mới) hoặc gửi 1 email duy nhất (Không gửi nhiều lần) đề nghị sửa chữa thông tin cá nhân kèm theo ảnh căn cước công dân về địa chỉ khaothi@vnu.edu.vn.
Tuy nhiên, Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội) không sửa/thay ảnh chân dung 4x6 cm, không sửa/thay ảnh căn cước công dân, không đảm bảo sẽ sửa đầy đủ thông tin của thí sinh trước ngày thi. Thứ tự các thông tin ưu tiên sửa: ngày sinh - > nơi sinh -> điện thoại -> địa chỉ -> khu vực -> điểm lớp 10, 11, 12...
Bất kỳ sai sót về thông tin cá nhân có thể làm chậm tiến trình thi và công nhận kết quả thi do thí sinh đã không thực hiện đúng hướng dẫn đăng ký ca thi. Thông tin về ngày cấp căn cước công dân, khu vực, điểm học tập lớp 10, 11, 12 sẽ được cập nhật dần sau đợt thi và không ảnh hưởng đến Chứng nhận kết quả thi.
Thí sinh sử dụng ảnh chân dung hoặc số căn cước công dân của người khác (kể cả người thân) để đăng ký dự thi là không được chấp nhận và không thể sửa chữa, không thể dự thi đánh giá năng lực...
Chính vì vậy, từ tháng 3/2023, Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã kiểm soát, ứng dụng chặt chẽ hơn. Theo đó, chỉ cho phép thí sinh đăng ký bằng một thiết bị.
Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức dự kiến 6 đợt thi và phục vụ cho 84 nghìn lượt đăng ký. Hệ thống cho phép thí sinh đăng ký tối đa 2 lượt thi/năm (tính đến ngày 31/12/2024). Hai lượt thi cách nhau liền kề tối thiểu 28 ngày. Ca thi sẽ tự động đóng khi đã hết chỗ đăng ký.
Năm 2023, có gần 70 trường đại học đã đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, năm nay có thêm một số trường đại học khu vực phía Bắc tiếp tục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển đầu vào.
Đặc biệt, theo thông tin gần nhất, 17 trường đại học của khối quân đội cũng có văn bản chính thức đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép khai thác, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào các trường này trong năm 2024.
Tính sơ bộ, số trường đại học sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển trong năm 2024 có thể lên đến gần 100 trường đại học khu vực phía Bắc. Ngoài ra, một vài trường đại học khu vực phía Nam cũng tiếp tục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi trong thời gian tới.
“Chúng tôi cung cấp cho thí sinh kết quả bài thi. Còn việc khai thác và sử dụng sẽ phụ thuộc vào thí sinh và đơn vị sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển” - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết; đồng thời cho rằng, việc sử dụng kết quả của kỳ thi trong vòng bao nhiêu năm là do quyền của các trường đại học. Các trường có thể sử dụng 2 - 3 năm, thậm chí 4 năm vì nguyên tắc bài thi là không giới hạn thời gian sử dụng.
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc