Cho dù HS được tiếp cận với nhiều kênh thông tin nhưng vẫn có tình trạng chọn nghề theo chủ quan, không căn cứ vào năng lực bản thân và nhu cầu của xã hội. Chính vì vậy, công tác tư vấn hướng nghiệp phải làm sao giúp HS xác định được năng lực thực sự của mình, có được hình dung nhất định về yêu cầu, đặc thù nghề nghiệp.
Em Bảo Ngọc, HS Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) băn khoăn: “Em nên chọn trường hay chọn ngành trước? Có nên chọn trường có tiếng rồi chọn học ngành mình không thích, hay chọn ngành mình thích ở một trường không có tiếng bằng?
Trong khi đó, Cẩm Anh, học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) lại chưa có cách thuyết phục ba mẹ đồng ý để được chọn trường theo sở thích, mong muốn của cá nhân.
Học sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội Tư vấn mùa thi 2024 do Bộ GD&ĐT và Báo Thanh niên tổ chức tại Đà Nẵng. |
Cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng trường THCS & THPT Nguyễn Khuyến (Đà Nẵng) nhận xét rằng, càng nhiều thông tin thì HS càng dễ bị nhiễu và khó để có lựa chọn đúng.
Theo cô Kim Vân, để xác định đúng sở thích của mình, chọn ngành nghề, trường học phù hợp, học sinh có thể thông qua 3 kênh: thông qua các hoạt động, khuynh hướng hằng ngày của mình để luận giá về sở thích của bản thân. Cũng có thể tham gia các bài trắc nghiệm để có kết quả định hướng một phần nào đó. Tham khảo ý kiến của người thân nhận xét về mình cũng là một cách để xác định. Nhưng quan trọng nhất là tự bản thân học sinh phải xác định rõ là mình muốn cái gì và mình thích cái gì?
TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing cho rằng, khi học đại học, sẽ học các kiến thức chuyên sâu về ngành. Vì vậy, nên chọn ngành trước, sau đó mới chọn trường dựa trên các yếu tố điều kiện kinh tế của gia đình, vị trí địa lý, sự phù hợp với bản thân…
Một kinh nghiệm nữa trong lựa chọn ngành, nghề, theo các chuyên gia giáo dục, là thí sinh đừng chỉ chọn theo tên gọi mà quên đi yếu tố bên trong. Theo đó, thí sinh và phụ huynh nên đọc kỹ mô tả về chương trình đào tạo của ngành học và chuẩn đầu ra, các vị trí việc làm có thể đáp ứng. Nếu vẫn cảm thấy đam mê, hứng thú và phù hợp với năng lực của bản thân thì có thể bắt đầu lựa chọn.
Trải nghiệm để hướng nghiệp là hình thức được nhiều trường THPT tổ chức để học sinh tự khám phá một số ngành nghề trước khi có quyết định.
Thầy Phạm Thạch Sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết: Việc trải nghiệm để hướng nghiệp phải được tiến hành từ sớm, rải đều trong cả 3 năm học THPT chứ không thể đợi đến khi học sinh chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng mới tiến hành.
Học sinh Trường THPT Bình Sơn được “thử nghiệm” nghề nghiệp trong nhiều vai khác nhau, từ “kỹ sư nông nghiệp”, “nhân viên bán hàng” cả kênh trực tiếp và online, sử dụng công nghệ thông tin để làm clip về dự án và thuyết trình bằng tiếng Anh… thông qua các dự án học tập.
Ban giám hiệu Trường THPT Bình Sơn đã cải tạo một khoảnh đất trống, chia thành từng ô nhỏ để học sinh thực hiện các dự án học tập liên môn. Mỗi nhóm có khoảng 6-8 học sinh sẽ trồng một số loại rau, củ quả, hoa… Các em sẽ thảo luận để thống nhất việc chọn giống cây, cách gieo trồng, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm phải lưu lại nhật ký. Nhóm cũng phải công khai thành phẩm thu nhận được và doanh số bán hàng, so sánh chi phí đầu vào và đầu ra… Các dự án còn phải xây dựng video thuyết minh bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh để chia sẻ kinh nghiệm.
Học sinh Trường THPT Ngô Quyền với dự án học tập trải nghiệm tại Không gian sáng chế, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) |
Một số trường THPT ở Đà Nẵng đã gửi học sinh theo từng nhóm để trải nghiệm tại Không gian sáng chế của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn.
Học sinh các trường THPT Ngô Quyền, THPT Chuyên Lê Quý Đôn… (Đà Nẵng) đã nhập vai người nông dân, nhà hoạt động môi trường, chủ doanh nghiệp, người dân thường để thực hiện các dự án học tập được giao tại Không gian sáng chế của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (ĐH Đà Nẵng).
Một nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã được khám phá và thực hành sâu về tua bin gió, từ nguyên lý hoạt động cho đến tầm quan trọng của năng lượng gió trong tương lai phát triển bền vững. Mỗi bạn học sinh đã thể hiện sự sáng tạo khi tự thiết kế, lắp ráp và tối ưu hóa các mô hình tua bin gió mini để kích hoạt đèn LED.
Nhóm học sinh Trường THPT Ngô Quyền (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) tính toán lượng nước tiêu thụ ở mỗi hoạt động của con người như may mặc, thời trang, trồng trọt… và đề xuất các phương án tiết kiệm nước tại khu vực phát triển du lịch. Một nhóm khác tiến hành các thí nghiệm để tìm kiếm, đề xuất các giải pháp hạn chế tình trạng nước nhiễm mặn ở địa phương…
Giáo dục luôn đi kèm với định hướng mà bố mẹ, thầy cô là những người đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh. TS Nguyễn Thị Mỹ Hương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh cho biết: “Để công tác hướng nghiệp ở phổ thông được triển khai một cách hiệu quả, bài bản, bên cạnh tạo điều kiện để học sinh phổ thông đến trải nghiệm tại Không gian sáng chế, Viện đã phối hợp với Sở GD&ĐT Đà Nẵng triển khai tập huấn công tác hướng nghiệp STEM dành cho giáo viên bậc học này”.
Hướng nghiệp sớm trong các trường THPT bằng cách đẩy mạnh giáo dục STEM, ngoài tạo nguồn nhân lực cho khối ngành này, còn truyền cảm hứng sáng tạo trong học tập cho học sinh.
Theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế ILO (năm 2016), đa số học sinh Việt Nam đều lựa chọn các ngành kinh doanh, thương mại và tài chính để học đại học, với 41,2% sinh viên nam và 60,6% sinh viên nữ. Trong khi các ngành STEM chỉ được 23% sinh viên nam và 9% sinh viên nữ lựa chọn.
Ý kiến bạn đọc