Quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục đại học được thể hiện tại Thông tư số 30/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT (Thông tư 30).
Quy định trên được cho có độ mở cần thiết, phát huy tính chủ động của các trường trong hoạt động này. Trên hết, Thông tư 30 là khung pháp lý quan trọng để các trường đại học tiếp tục hoàn thiện điều kiện cần và đủ, từ đó thúc đẩy triển khai đào tạo trực tuyến một cách “danh chính ngôn thuận”.
Theo các chuyên gia, đào tạo trực tuyến xuất hiện cách đây hơn 20 năm. Đây là hoạt động được tổ chức trên môi trường số thông qua hệ thống phần mềm, học liệu và hạ tầng công nghệ thông tin. Ở nước ta, việc triển khai mô hình này tương đối mới mẻ. Các trường đại học ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực khi ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo trực tuyến, mà điểm nhấn rõ nét trong đại dịch Covid-19. Theo đó, đào tạo trực tuyến được các cơ sở giáo dục đại học quan tâm, đẩy mạnh và tạo nên hiệu ứng, hiệu quả tích cực.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn liên quan đào tạo trực tuyến; trong đó quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài theo các hình thức trực tuyến và trực tiếp kết hợp trực tuyến đối với đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Cuối năm 2019, khi xây dựng, điều chỉnh lại các quy chế đào tạo, xây dựng chuẩn chương trình cho các trình độ của giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng chú trọng bổ sung, điều chỉnh thêm các quy định theo hướng cho phép các khóa chính quy, vừa làm vừa học có thể chuyển sang đào tạo truyền thống kết hợp với trực tuyến (Blended learning).
Không thể phủ nhận, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo đã và đang tạo ra thay đổi tích cực cho giáo dục đại học. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến phương pháp dạy và học, làm thay đổi phương thức giáo dục truyền thống, vươn tới một không gian giáo dục chủ động và hội nhập toàn cầu. Từ đây, xuất hiện những nền tảng số cho giáo dục ngày càng được ứng dụng rộng rãi ở hầu hết trường đại học trong nước.
Theo đó, người dạy và người học có thể tham gia vào lớp học qua máy tính, điện thoại thông minh có kết nối Internet. Học viên có thể theo dõi bài giảng trực tuyến hoặc học tập bất cứ lúc nào… Tuy nhiên, việc các cơ sở đào tạo cần làm là phải có quy định rõ ràng, tường minh để bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến theo yêu cầu của chương trình và quy định về kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT.
Nội dung khóa học cần được thiết kế và cập nhật thường xuyên để phù hợp với nhu cầu của người học. Học liệu đào tạo trực tuyến phải được tổ chức thẩm định trước khi đưa vào sử dụng. Cơ sở giáo dục có thể tự xây dựng hoặc hợp tác với đơn vị khác trong phát triển, chia sẻ sử dụng học liệu và các khóa học trực tuyến.
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo phải có giải pháp hỗ trợ và trả lời yêu cầu của người học, người dạy cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan để đo lường sự hài lòng của người sử dụng.
Tác giả bài viết: Hải Minh
Ý kiến bạn đọc