Giáo dục miền núi ứng phó “thách thức kép”

Thứ sáu - 24/09/2021 04:04 289 0
GD&TĐ - Đầu năm học, cũng là mùa mưa bão ở miền núi. Công tác phòng chống thiên tai tại các cơ sở giáo dục sẽ càng khó khăn, áp lực và nhiều thách thức hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Giáo dục miền núi ứng phó “thách thức kép”

Hiện, ngành GD-ĐT nhiều tỉnh nỗ lực dồn sức để ứng phó với “thách thức kép”. 

Nhiều phương án hỗ trợ học sinh đến trường an toàn

Trận mưa lớn và giông lốc xảy ra cục bộ trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã cướp đi sinh mạng của một học sinh tiểu học, một số đơn vị trường học trên địa bàn bị ảnh hưởng.

Vụ việc xảy ra đối với 2 chị em H. M. và V. A. (học sinh Trường Tiểu học Yên Thái, Văn Yên) khiến nhiều người đau lòng, xót xa. Được biết, để di chuyển đến trường, hàng ngày H. M. và V. A. phải đi qua khu vực đập tràn. Trong lần di chuyển này, 2 chị em không may bị ngã xe, lại gặp cơn lũ bất ngờ do trận mưa lớn xảy ra từ đêm hôm trước, nên không kịp ứng phó. H. M. do mặc áo mưa nên nổi lên mặt nước và được cứu vớt kịp thời. Còn V. A. không may bị nước lũ cuốn trôi. Em được người dân và các lực lượng tìm thấy ngay sau đó, nhưng đã tử vong.

Ông Lưu Quang Lợi, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Yên, cho biết: Ngay sau sự việc, cùng với việc động viên, hỗ trợ gia đình 2 em, đơn vị đã chỉ đạo nhà trường phối hợp chặt chẽ với tất cả phụ huynh, nhất là chính quyền địa phương trong việc chủ động thông báo các điểm nguy cơ, tuyến đường có thể xảy ra mưa lũ trong những tình huống đặc biệt. Đồng thời giám sát chặt chẽ để hỗ trợ học sinh di chuyển đến trường và về nhà an toàn khi có mưa, hoặc hiện tượng thời tiết xấu.

“Ngành cũng tham mưu cho UBND huyện có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí lực lượng canh gác trong và sau khi có trận mưa lớn diễn ra; trước giờ đến trường và tan trường, đặc biệt tại các vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở đất hoặc khu vực sông suối. Cùng với các giải pháp cấp bách khác, đội ngũ này sẽ là lực lượng đắc lực trong cảnh báo và hỗ trợ học sinh di chuyển đến trường an toàn” – ông Lưu Quang Lợi cho hay.

Giáo dục miền núi ứng phó “thách thức kép” - Ảnh minh hoạ 2
Hoạt động truyền thông lồng ghép trang bị kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích thường xuyên được ngành GD-ĐT Yên Bái phối hợp cùng các đơn vị tổ chức. Ảnh: Báo Yên Bái

Năm học này, ngành GD Văn Yên có trên 30.000 học sinh các cấp. Theo ông Lợi, là địa bàn miền núi, địa hình phức tạp, sông suối nhiều nên hàng năm vào mùa mưa, các cơ sở giáo dục liên tục chịu ảnh hưởng xấu từ thiên tai. Chính vì vậy, ngoài biện pháp cấp bách trong tình huống cụ thể, nhiệm vụ phòng chống đuối nước cho học sinh, đặc biệt là ứng phó với những diễn biến bất thường của thiên tai, thời tiết luôn được các cơ sở giáo dục tổ chức, triển khai thường xuyên, liên tục.

Là địa phương miền núi với những “thách thức” tương tự, ngay từ đầu năm học, ngành GD huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) đã rà soát toàn bộ trường hợp học sinh phải di chuyển qua khu vực khó khăn, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét… để có phương án tốt nhất hỗ trợ các cháu đến trường an toàn.

Năm học mới, địa phương này có trên 20,5 nghìn học sinh các cấp học, trong đó có gần 7.400 học sinh bán trú. Theo ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện, toàn bộ số học sinh ở xa, phải di chuyển qua những khu vực giao thông khó khăn đều ở bán trú tại trường.

Riêng khu vực Chà Cang, Nậm Tin (huyện Nậm Pồ) – nơi vừa xảy ra vụ việc trôi cầu do ảnh hưởng của mưa lũ hồi cuối tháng 7, các cấp chính quyền đã huy động lực lượng tại chỗ làm cầu tạm, để phục vụ nhu cầu đi lại trước mắt cho người dân khu vực (trong đó có học sinh).

Tuy nhiên, theo ông Lèng Văn Viện, Chủ tịch UBND xã Chà Cang, trước những biến động khó lường của thiên tai, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng nhà trường có học sinh phải đi qua khu vực cầu tạm này tuyên truyền phụ huynh, yêu cầu con em tạm thời không về nhà và ở nội trú tại trường, bao gồm cả ngày nghỉ. Vừa để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho các cháu, vừa tránh nguy cơ dịch bệnh. Các đơn vị đảm bảo chế độ ăn, nghỉ cho học sinh để gia đình yên tâm.

Giáo dục miền núi ứng phó “thách thức kép” - Ảnh minh hoạ 3
Đoạn ngầm tràn tại xã Yên Thái, nơi 1 học sinh tiểu học vừa bị cuốn trôi. Ảnh: Báo Yên Bái

Trang bị kỹ năng

Sáng 21/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái phối hợp cùng ngành GD tổ chức truyền thông lồng ghép về phòng, chống tai nạn thương tích và các vấn đề khác cho học sinh một số cơ sở trường học. Đây là một trong những hoạt động truyền thông được 2 đơn vị xây dựng phối hợp hàng năm.

Em Phùng Thị Tú, HS Trường Tiểu học – THCS xã Âu Lâu (TP Yên Bái, Yên Bái), chia sẻ: Em được xem clip về các nguy cơ tai nạn có thể gặp phải trong cuộc sống và cách ứng phó với từng trường hợp như đuối nước, tai nạn xe… Đặc biệt, chúng em được thầy cô nhắc nhở đi lại an toàn trong mùa mưa, tránh xa khu vực sông suối, khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở lũ quét.

Không chỉ tại Yên Bái, những năm gần đây hoạt động truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, ứng phó với biến đổi khí hậu… cũng được ngành GD Điện Biên chỉ đạo các đơn vị nhà trường triển khai thường xuyên, thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chuyên đề, cuộc thi và giao lưu…

Những hoạt động truyền thông này ngày càng đổi mới, phù hợp với nhu cầu và tâm sinh lý học sinh; đa dạng hình thức như: Trình chiếu clip, vẽ tranh và thuyết trình về tranh vẽ của học sinh. Tại đây, nhiều học sinh thể hiện góc nhìn và giao lưu, trả lời câu hỏi về các vấn đề nêu trên. Thông qua đó trang bị, củng cố cho các em thêm kiến thức, hiểu biết để chủ động phòng, tránh, bảo vệ bản thân.

Giải bài toán “làm sao để học sinh đến trường an toàn”, ngoài sự chủ động của ngành và các cấp chính quyền, việc trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng hữu ích ứng phó với thiên tai là điều cần thiết, nhất là học sinh ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Kỹ năng thường xuyên theo dõi tình hình thiên tai được xem là yếu tố quyết định để chủ động ứng phó kịp thời, giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra. Nội dung này được thể hiện rõ tại văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT Yên Bái gửi tới phòng GD&ĐT các địa phương và cơ sở GD trực thuộc về việc chủ động ứng phó với mưa lớn cục bộ trên địa bàn.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Yên, điều quan trọng nhất là sự phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh trong việc quản lý con cái. Mỗi phụ huynh được yêu cầu lưu các số điện thoại quan trọng (UBND, y tế, cứu hộ địa phương) để liên lạc trong trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, trong nắm bắt tình hình thời tiết, nhắc nhở, theo dõi, hỗ trợ con em mình đến trường an toàn. Nhất là các kĩ năng ứng phó trước các tình huống xấu về thời tiết. Ngoài ra, nền tảng từ các mô hình Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cũng được phát huy vai trò trong những trường hợp cần thiết.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập674
  • Hôm nay40,469
  • Tháng hiện tại318,599
  • Tổng lượt truy cập51,674,558
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944