Giao hoàn toàn Kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương: Chưa thích hợp

Thứ bảy - 22/05/2021 04:31 302 0
GD&TĐ - Phân tích trên nhiều góc cạnh, chuyên gia giáo dục, đại biểu Quốc hội, và cả lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương đều cho rằng chưa nên giao hoàn toàn Kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương trong bối cảnh hiện nay.
Giao hoàn toàn Kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương: Chưa thích hợp

Chưa có căn cứ pháp lý

Thời điểm này giao cho địa phương hoàn toàn chủ động tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT là chưa thích hợp. Muốn thay đổi phải cần một quá trình, lộ trình bài bản từ tầm vĩ mô cho đến cơ sở. Và, Việt Nam phải có một bộ tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông (GDPT) cho cả nước. Theo PGS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, đây không chỉ là ý kiến cá nhân ông, mà còn của nhiều nhà giáo Nghệ An.

Lý giải việc “chưa thích hợp”, PGS Thái Văn Thành cho rằng: Nhiều người vẫn nghĩ kết quả thi tốt nghiệp THPT đơn giản để xét tốt nghiệp. Nhưng đó là chỉ một trong các mục tiêu của kỳ thi này. Mục tiêu lớn hơn, GDPT là nền tảng vững chắc cho giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Việc có chỉ đạo, giám sát chung của Bộ GD&ĐT với quy chế và đề thi chung, kết quả sẽ đánh giá được mặt bằng chung, không phải mỗi nơi mỗi kiểu. Việc đối sánh kết quả GDPT Việt Nam với quốc tế cũng phải từ kết quả chung này.

Cũng theo PGS Thái Văn Thành, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang được tổ chức là có chất lượng, được dư luận đánh giá cao và phù hợp với bối cảnh hiện nay. Hai yếu tố quan trọng bảo đảm độ tin cậy của kỳ thi là Quy chế thi của Bộ GD&ĐT rất bài bản; đề thi do Bộ GD&ĐT xây dựng sử dụng chung trong toàn quốc. “Như Quy chế năm nay, những điều chỉnh kỹ thuật dù rất nhỏ cũng được Bộ GD&ĐT quan tâm sửa đổi để tạo thuận lợi cho địa phương. Quy chế chặt chẽ, lại có sự tham gia của thanh tra Bộ, thanh tra tỉnh vào cuộc, vậy mà vẫn có ý kiến băn khoăn về địa phương này, địa phương kia; huống hồ giao toàn bộ cho các tỉnh, thành” - PGS Thái Văn Thành nêu quan điểm.

Chốt lại, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định: Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang tốt và chưa nên thay đổi, nhất là thay đổi tạo ra xáo trộn rất lớn như giao hoàn toàn kỳ thi về địa phương. Chưa kể, việc này cũng ảnh hưởng đến tuyển sinh của trường ĐH, vì hiện, hầu hết các trường vẫn sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Nêu quan điểm cá nhân, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long thể hiện đồng tình và ủng hộ quy trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện nay bởi những ưu việt của nó. Hiện, một số thành phố có tiềm lực mạnh (cả về năng lực lẫn tiềm lực tài chính) nguyện vọng được giao quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Muốn làm được điều này, ông Ngoãn cho rằng, trước tiên Quốc hội, Chính phủ phải xây dựng hành lang pháp lý, địa phương mới có thẩm quyền tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên.

Hiện nay, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị định số 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục chưa giao nhiệm vụ này cho UBND cấp tỉnh. Mặt khác, khi giao địa phương tự chủ trong khâu tổ chức thi (kể cả khâu ra đề thi), cần có những giải pháp bảo đảm chất lượng của kỳ thi, ngăn chặn bệnh thành tích và tình trạng chuẩn đầu ra cấp THPT của các địa phương là khác nhau.

“Thiết nghĩ, việc giao quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cũng có những ưu điểm, nhưng áp dụng vào thời điểm hiện tại là chưa phù hợp” - ông Trịnh Văn Ngoãn cho hay.

Giao hoàn toàn Kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương: Chưa thích hợp - Ảnh minh hoạ 2
Thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Kỳ thi đang tốt, sao phải thay đổi?

Chia sẻ quan điểm về Kỳ thi tốt nghiệp THPT, bà Hồ Thị Minh, Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị khóa XIV, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV dẫn Khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục 2019. Theo đó, HS học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT được dự thi; đạt yêu cầu được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT được sử dụng cho nhiều mục đích, như: Điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường; tạo đông lực cho HS trong quá trình học tập; đánh giá chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý giáo dục các cấp. Kết quả kỳ thi là một trong những căn cứ để nhiều cơ sở giáo dục ĐH sử dụng tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Như vậy, việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết và bắt buộc phải thực hiện theo đúng quy định của Luật và thẩm quyền được giao.

“Những năm qua, chúng ta có lộ trình đổi mới thi cử với xu hướng ngày càng giảm áp lực, giảm tốn kém và chủ trương bảo đảm chất lượng. Qua theo dõi 2 năm gần đây, tôi thấy ý kiến cử tri đồng thuận cách tổ chức thi, đặc biệt là trong năm 2020. Cái gì tốt chúng ta nên tiếp tục, phát huy” - bà Hồ Thị Minh nhận định.

Từ quan điểm trên, bà Hồ Thị Minh cho rằng không nên vội vã đặt vấn đề giao kỳ thi cho địa phương. Với sự tham gia của Bộ GD&ĐT trong việc ban hành Quy chế và đề thi chung, cùng với kiểm tra, giám sát, sẽ bảo đảm mặt bằng chung và sự khách quan công bằng trong xét công nhận tốt nghiệp THPT trên phạm vi cả nước.

Lý do chưa nên giao hoàn toàn Kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương được TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức) phân tích theo 3 chức năng quan trọng của kỳ thi này từ góc nhìn cá nhân.

Theo đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung với đề thi chung toàn quốc của Bộ GD&ĐT và Kỳ thi tốt nghiệp THPT do địa phương tự tổ chức, ra đề thi đều thực hiện chức năng xác nhận: Điểm số, bằng tốt nghiệp xác nhận thành tích học tập của người học, kết quả giáo dục của giáo viên, cơ sở giáo dục.

Với chức năng kiểm tra và điều chỉnh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT với đề thi chung toàn quốc giúp việc kiểm tra tác động và sự phù hợp của chương trình GDPT quốc gia. Từ đó, điều chỉnh chương trình giáo dục, chính sách giáo dục quốc gia thuận lợi hơn.

Với chức năng tuyển chọn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT với đề thi chung toàn quốc giúp việc công nhận kết quả để tuyển chọn vào các trường ĐH thuận lợi hơn. Kỳ thi do địa phương tự tổ chức, ra đề có thể dẫn đến khó khăn trong công nhận kết quả tương đương của địa phương khác nhau khi xét tuyển ĐH.

“Từ phân tích trên có thể nhận định: Bối cảnh hiện nay của Việt Nam và trong khoảng 10 năm tới, mô hình Kỳ thi tốt nghiệp THPT với đề thi thống nhất toàn quốc do Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm và các địa phương tổ chức thực hiện là thích hợp” - TS Nguyễn Văn Cường nêu quan điểm.

Tại CHLB Đức, trước năm 2000, kỳ thi tốt nghiệp THPT do các trường phổ thông tổ chức và ra đề. Từ sau 2000, kỳ thi tốt nghiệp là kỳ thi chung ở cấp bang. Bộ Giáo dục bang ban hành chương trình giáo dục của bang và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông với đề thi chung của bang do Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm. Kết quả tốt nghiệp được công nhận toàn liên bang. - TS Nguyễn Văn Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập822
  • Hôm nay55,824
  • Tháng hiện tại333,954
  • Tổng lượt truy cập51,689,913
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944