An tâm với thành quả bước đầu
Có 2 con học Tiểu học, chị Nguyễn Lan Anh (quận Long Biên, Hà Nội) dễ dàng so sánh mức độ nhận thức của hai con cùng sau một kỳ học khi con út đang gọc lớp 1 và chị của bé hiện đang học lớp 4.
“Đầu năm học, thú thực tôi vô cùng lo lắng vì nghĩ chương trình và sách giáo khoa mới sẽ khiến các cháu khó làm quen và vất vả. Song với kết quả sau một kỳ học, cháu đã đọc trơn tốt và viết được những đoạn khá dài thì thực sự phấn khởi. Có thể nói là công cuộc chinh phục con chữ đã thành công, nhẹ nhàng hơn hẳn so với hình dung ban đầu và kết quả khả quan hơn rõ rệt so với chị của cháu 3 năm trước.”, chị Lan Anh phấn khởi cho biết.
Cô Phan Thiên Hương – Tổ trưởng chuyên môn – GVCN lớp 1A8, trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: Qua buổi họp phụ huynh so kết học kỳ 1, các giáo viên vui mừng với ghi nhận và hài lòng của phụ huynh học sinh. Cả giáo viên và phụ huynh đều thấy sự đồng hành cùng các con trải nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới đã được kết quả xứng đáng.
Theo Bà Trần Thị Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội), sau một thời gian triển khai chương trình sách giáo khoa mới, đội ngũ giáo viên đã quen và hoàn toàn yên tâm với những cái mới. Thực chất, phương pháp dạy học về cơ bản được phát triển trên nền tảng phương pháp dạy học của chương trình cũ. Bộ sách dễ dạy, dễ học, tạo thuận lợi cho GV trong việc thực hiện dạy học. Những hình ảnh, ngôn ngữ sử dụng trong SGK phù hợp với học sinh tiểu học.
Chương trình SGK lớp 1 Tiếng Việt đã đáp ứng được yêu cầu về phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh lớp 1. Do là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nên không tránh khỏi những khó khăn khi giáo viên vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu sách, chương trình, điểm mới để tìm ra phương pháp dạy học hiệu quả…
“Sau một học kỳ, hầu hết HS lớp 1 đã đọc thông, viết thạo, đáp ứng mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Phụ huynh phấn khởi, hoàn toàn yên tâm khi giáo viên đã bắt nhịp với chương trình và tích cực đổi mới phương pháp dạy học, học sinh đã quen với nề nếp, tự chủ trong học tập và rèn luyện.”, bà Trần Thị Thanh Hương nhận định.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá tạo động lực cho phát triển
Năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên học sinh lớp 1 được đào tạo theo Chương trình GDPT mới và thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 27/2020/TT-BGD ĐT ngày 04/9/2020: Đánh giá theo lộ trình theo từng năm học với từng khối lớp (Học sinh lớp 1)
Theo đó, từ năm học 2020 – 2021): Học sinh tiểu học có thể bị điểm 0; Giáo viên được linh hoạt trong đánh giá thường xuyên (Đánh giá theo hướng phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh, tùy theo mức độ của từng học sinh để đánh giá nhận xét); Thay đổi đề kiểm tra định kỳ (đề kiểm tra thay đổi về 3 mức so với trước đây là 4 mức); Học sinh được tặng danh hiệu xuất sắc/tiêu biểu hoặc thư khen: Nếu như trước đây, học sinh chỉ được khen thưởng danh hiệu“Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện” hoặc “Học sinh có thành tích vượt trội”… thì nay học sinh tiểu học được tặng danh hiệu “Học sinh xuất sắc” hoặc Học sinh tiêu biểu”
Khen thưởng danh hiệu “Học sinh xuất sắc” cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc.
Khen thưởng danh hiệu “Học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện” cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.
Đặc biệt, từ năm nay, giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt.
Cách kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng dẫn mới có độ linh hoạt cao, giảm áp lực và góp phần động viên, khuyến khích học sinh phát huy tối đa năng lực cá nhân.
Tuy nhiên, theo bà Bà Trần Thị Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Giang Biên, trong thực tế đánh giá xếp loại học sinh đạt danh hiệu học sinh tiêu biểu còn tồn tại một số bất cập cần điều chỉnh để phù hợp hơn, tạo động lực tốt hơn cho học sinh: Tiêu chí đánh giá tương đối cao ở các môn đánh giá định tính như: Âm nhạc, thể dục, mĩ thuật, đạo đức, trải nghiệm,… Có thể điều chỉnh mức độ đánh giá các môn học này bằng định tính, chỉ cần 50% đạt mức hoàn thành tốt là phù hợp, nhằm động viên khích lệ học sinh.