Không để học sinh đứt mạch kiến thức
Thầy Đỗ Quang Tám - Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bảo Thắng (Lào Cai) cho biết: Trong những tuần qua, công việc lấy đi nhiều thời gian nhất của giáo viên (GV) là vệ sinh trường lớp để đảm bảo môi trường học tập sạch sẽ, an toàn cho học sinh (HS). Ngoài ra, thầy cô giáo còn phải quan tâm, tập trung thời gian cho công việc chuyên môn như soạn bài tập, câu hỏi giúp các em ôn tại nhà; tự bồi dưỡng kiến thức để chuẩn bị sẵn sàng cho dạy bù khi HS trở lại trường lớp.
Tuy nhiên, thay bằng việc củng cố kiến thức thông qua công nghệ thông tin, GV các bộ môn đã soạn những câu hỏi, bài tập ở dạng nhắc lại kiến thức cũ để chuyển đến HS qua tin nhắn, Zalo, Facbook. Với HS nào không dùng công nghệ thông tin, không thể tiếp nhận được đề bài ôn tập thì GV sẵn sàng phô-tô rồi chuyển đến gia đình và HS (thông qua các khác nhau như nhờ HS chuyển đến HS, thầy cô mang trực tiếp đến cho các em…). Dù còn khó khăn bất cập nhưng việc thúc đẩy HS ôn tập kiến thức cũ đang được GV nhà trường tiến hành cẩn thận, trách nhiệm.
Thầy Dương Văn Đông - Hiệu trưởng Trường TH xã Ngọc Long, huyện Yên Minh (Hà Giang) chia sẻ: Với 1.242 HS học tập ở 22 điểm trường (1 điểm trường chính và 21 điểm trường lẻ) công tác đôn đốc, nhắc nhở, giúp các em ôn tập kiến thức cũ tốn khá nhiều thời gian, công sức của GV. Có GV phải lặn lội 10 – 15 km mới tới được gia đình HS để thăm hỏi sức khỏe, hướng dẫn học trò ôn tập kiến thức; trao đổi cùng PHHS cùng kết hợp nhắc nhở học tập, quản lý HS tại nhà. Tuy nhiên khi chưa thể khắc phục thay đổi thực tế thì đội ngũ GV không còn cách nào khác là chấp nhận và cố gắng hoàn thành công việc.
Thầy Đông cho biết thêm, nhà trường vẫn đang đợi chỉ đạo và hướng dẫn của phòng GD&ĐT trong công tác dạy bù kiến thức, kéo dài thời gian năm học… cho HS. Song tinh thần chung là đội ngũ GV luôn sẵn sàng kể cả dạy học thêm buổi chiều hoặc vào ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật.
Trường lớp được khử trùng |
Sẵn sàng vượt khó
Theo cô Phạm Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường THCS Lùng Vai, huyện Mường Khương (Lào Cai), trường cách biên giới gần 10 km, và có 264 HS, 90 HS bán trú. Vì vậy, BGH, GV tạo ra môi trường học tập an toàn vệ sinh cho HS được đặt lên hàng đầu. Ngoài việc bắt tay vào phun khử trùng vệ sinh trường lớp đội ngũ GV còn có trách nhiệm triển khai cho HS ôn tập kiến thức. GV chuyển yêu cầu, nội dung ôn tập cho HS qua mail, Zalo, tin nhắn...
Với những em không thể tiếp nhận qua kênh Internet, GV sẽ tới tận nhà để hướng dẫn trực tiếp. Với 70 HS khối lớp 9, nhà trường cũng chú trọng hơn tới việc củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ để các em chủ động ôn tập, dễ dàng bắt nhịp khi học kiến thức mới.
Cô giáo Hoàng Thị Thủy - Trường PTDTBT TH số 1 xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) cho biết thêm: HS nghỉ học dài ngày, quên kiến thức là khó tránh khỏi (đặc biệt với các em lớp 1, 2, 3). Điều đó cũng đồng nghĩa nhà trường, GV vất vả hơn trong công tác giảng dạy. Tuy nhiên chúng tôi xác định đây là việc tất yếu từ đó chủ động điều chỉnh giáo án linh hoạt hơn, cô đọng, trọng tâm hơn.
Về vấn đề này, thầy Lê Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường TH Trung Lý 1, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cũng chia sẻ: Việc nghỉ phòng chống dịch là tất yếu và cần thiết đối với HS cấp tiểu học. Tuy nhiên, thực tế HS dân tộc nghỉ thời gian dài bao nhiêu thì “gánh nặng” dạy bù kiến thức của các thầy cô càng khó khăn bấy nhiêu. Với các em ở các bậc học lớn đã thành thạo tiếng Việt thì việc học tiếp sau một thời gian không quá khó khăn. Nhưng với HS lớp 1 - 2, nghỉ vài tuần, trở về cùng gia đình, giao lưu trực tiếp hàng ngày bằng ngôn ngữ dân tộc thì các em càng nhanh quên tiếng Việt.
Như vậy, GV trước khi dạy kiến thức mới phải dành khoảng thời gian tương đối để củng cố lại tiếng Việt cho các em. Khi nào HS ổn định về tiếng Việt khi ấy mới có thể tiếp thu được kiến thức.