Đẩy nhanh tiến độ biên soạn tài liệu giáo dục địa phương
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD&ĐT Trịnh Thế Truyền cho biết, trong quá trình thực hiện lấy ý kiến Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở GD&ĐT đã chủ động tổ chức các hội nghị cấp tỉnh, cấp huyện, tranh thủ ý kiến của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, các chuyên gia, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các trường phổ thông để tham gia về nội dung khung chương trình và chương trình các môn học, các/hoạt động giáo dục và các văn bản liên quan theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Các ý kiến đóng góp đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ tập của tập thể CBQL, GV tỉnh Phú Thọ và được tổng hợp, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, ông Trịnh Thế Truyền cho hay: Sở GD&ĐT đã được UBND tỉnh cho phép triển khai đề tài cấp tỉnh về tài liệu giáo dục địa phương bao gồm: Địa lí, Môi trường, Kinh tế, Hướng nghiệp, Lịch sử, Văn hóa, Văn học.
Tính đến 30/1/2020, đã cơ bản hoàn thành việc sưu tầm tư liệu về các lĩnh vực của địa phương. Đây là ngữ liệu chính để biên soạn thành các chủ đề dạy học nội dung giáo dục địa phương theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Trịnh Thế Truyền phát biểu tại buổi làm việc |
Cũng theo Giám đốc Sở, hiện nay Sở đã hoàn thiện bộ tài liệu 3 tập: 1 tập tài liệu cấp tỉnh; 1 tập tài liệu cấp huyện và 1 tập tài liệu cấp xã. Hội đồng thẩm định đã tổ chức thẩm định lần 1 tài liệu giáo dục địa phương cấp tiểu học ngày 7/2/2020. Đối với cấp THCS: Phú Thọ được Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn nhất giai đoạn 2 hỗ trợ biên soạn; đối với THPT hiện đã và đang triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ.
Lập 4 đoàn kiểm tra phòng, chống dịch bệnh
Liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, Giám đốc Sở GD&ĐT Trịnh Thế Truyền trao đổi: Sở đã triển khai thực hiện 3 phương án trong phòng chống dịch. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục làm tốt công tác hướng dẫn học sinh ôn tập, tự học ở nhà trong thời gian tạm nghỉ phòng chống dịch bệnh, thông qua các hình thức dạy học trực tuyến.
Đồng thời, chủ động phối hợp với phụ huynh theo dõi nắm bắt tình hình sức khỏe học sinh, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi tham gia các hoạt động tại gia đình và cộng đồng.
Sở cũng thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục. Thành lập bộ phận trực tại Sở, hằng ngày nắm bắt tình hình tại các đơn vị; thực hiện chế độ báo cáo Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh kịp, thời đúng quy định.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác đến kiêm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Trường phổ thông chất lượng cao Hùng Vương |
Vẫn còn băn khoăn
Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện các phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cho rằng, để triển khai thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, cần có sự quan tâm của các cấp các ngành và toàn xã hội.
Theo các đại biểu, hiện nay khó khăn lớn nhất của các cơ sở giáo dục khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đó là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Ông Nguyễn Huy Hiền – Trưởng Phòng GD&ĐT TP Việt Trì cho biết: Hiện một số trường tiểu học khu vực trung tâm thành phố trong tình trạng quá tải. Do đó, việc thực hiện theo tiêu chuẩn 35 học sinh/lớp gặp nhiều khó khăn.
Tại huyện Tam Nông, ông Hán Minh Hải – Trưởng phòng GD&ĐT cho hay: Khó khăn hiện nay mà ngành Giáo dục địa phương này đang phải đối diện là: Cơ sở vật chất của một số trường học đã xuống cấp. Một số bộ môn vẫn còn thiếu giáo viên như Tin học và một số môn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đến trường phải an toàn, an tâm
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận những kết quả mà ngành Giáo dục Phú Thọ đã triển khai thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt là trong triển khai thực hiện Nghị quyết 88 và phòng chống dịch Covid-19.
Thứ trưởng lưu ý, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT cần thống nhất quan điểm: An toàn, an tâm thì mới cho học sinh đến trường và khi các em đến trường học tập thì phải bảo đảm an toàn.
Thứ trưởng và đoàn công tác đến thăm Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì, Phú Thọ) |
Thứ trưởng cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo từ Sở GD&ĐT đến trường cần nhận thức sâu sắc về công tác phòng chống dịch Covid-19; đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm ở mức cao nhất.
Nếu chúng ta lơ là trong công tác phòng chống dịch có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Vì vậy, các cơ sở giao dục cần kiểm soát chặt chẽ tất cả các đối tượng ra, vào trường. Tiến hành tổng vệ sinh toàn bộ lớp học, thiết bị dạy học. “Tinh thần là bảo đảm sức khỏe, tính mạng của học sinh, giáo viên là trên hết” – Thứ trưởng nhắc lại.
Liên quan đến triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, Thứ trưởng nhấn mạnh: Cần nhận thức đầy đủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Nếu như Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành thể hiện chuẩn đầu ra của từng tiết học, có phân phối chương trình cụ thể thì Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện theo chủ đề và chuẩn đầu ra là cả năm học. Sách giáo khoa chỉ là một trong những phương tiện để giáo viên thực hiện nhiệm vụ của mình.
Vì thế, các trường phải xây dựng kế hoạch giáo dục. Giáo viên phải xây dựng kế hoạch giảng dạy của mình để đạt hiệu quả cao nhất và đạt chuẩn đầu ra. Đây là cuộc các mạng chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc |
Khẳng định, giáo viên là đội ngũ tạo ra sản phẩm và chất lượng giáo dục, Thứ trưởng đề nghị: Tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục quan tâm đến đội ngũ này. Xây dựng đội ngũ giáo viên đủ số lượng và tốt về chất lượng. Cùng với đó, cần tập trung làm tốt công tác bồi dưỡng, biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng.
“Ngoài ra, tiếp tục quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy – học; bảo đảm đủ danh mục thiết bị tối thiểu trong dạy – học. Tuyệt đối không để thiết bị đến trường mà không ra đến lớp” – Thứ trưởng nhấn mạnh.