Tuyển sinh ĐH 2021: Vài lưu ý cho thí sinh
Tinh thần giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm 2021 tiếp tục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh trong cuộc họp sáng 3/3.
Bộ GD-ĐT cho biết, quy chế tuyển sinh ĐH chính quy năm 2021 đang hoàn thiện bản dự thảo vẫn giữ nội dung như năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn có một vài điều chỉnh nhỏ Bộ GD-ĐT muốn tiếp tục xin ý kiến dư luận trước khi ban hành chính thức.
Theo đó, có một nội dung thu hút sự quan tâm là dự kiến cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần. Cụ thể, sau khi biết điểm thi, trong khoảng thời gian quy định, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần thay vì 1 lần duy nhất như những năm trước.
Thí sinh cũng được phép đăng ký xét tuyển nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến thay vì phải đăng ký trên phiếu đăng ký dự thi và xét tuyển như những năm trước.
Những điều chỉnh này đều đang là dự kiến. Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra lấy ý kiến phản biện của chuyên gia và xã hội, và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về phương án tuyển sinh 2021, sau khi cân nhắc xem xét kỹ lưỡng các ý kiến góp ý.
4 cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam vào tốp bảng xếp hạng thế giới
Ngày 4/3/2021, tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố kết quả bảng xếp hạng các trường đại học theo 51 nhóm ngành đào tạo thuộc 5 lĩnh vực tại 1500 cơ sở giáo dục đại học thuộc 85 khu vực với khoảng 14000 chương trình đào tạo ở các trường đại học.
Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học (gồm ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường ĐH: Bách khoa Hà Nội, Cần Thơ, Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) có ngành lọt top thế giới với sự góp mặt tại 8 ngành được xếp hạng.
ĐH Quốc gia Hà Nội có thêm ngành Kinh doanh và Nghiên cứu quản lý - lần đầu được xếp hạng tại bảng QS, đứng thứ 501-550 thế giới. Đây cũng là trường duy nhất ở Việt Nam có ngành này được xếp hạng.
Trước đó, có 4 ngành đào tạo khác đã xuất hiện trên bảng xếp hạng gồm: Khoa học máy tính và hệ thống thông tin, Kỹ thuật cơ khí, hàng không và chế tạo, Toán học, Vật lý và thiên văn học
Ngành Kỹ thuật cơ khí, hàng không và chế tạo đã góp mặt trong năm 2019 với thứ hạng 451-500 thế giới, năm 2020 không được ghi danh và năm 2021 lấy lại thứ hạng 451-500.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn góp mặt trong bốn ngành, gồm: Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin, Kỹ thuật cơ khí, hàng không và chế tạo, Toán học, Kỹ thuật điện và điện tử như năm 2020.
Ở lĩnh vực Nông - Lâm nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ là đại diện duy nhất, đứng thứ 351-400, giảm 100 bậc so với năm ngoái. Đây là năm thứ hai liên tiếp trường góp mặt tại bảng xếp hạng này.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM lần đầu góp mặt trong bảng xếp hạng các ngành của QS, đứng thứ 101-150 ngành Kỹ thuật - Dầu khí. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện trong lĩnh vực này, cũng là thứ hạng cao nhất của Việt Nam khi tham gia bảng xếp hạng các ngành của thế giới.
Vấn đề thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1
Ngày 9/2/2021, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGD&ĐT về việc Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) môn tiếng Hàn và tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm; theo đó, môn tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ được thí điểm là Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT.
Để giải đáp những băn khoăn của dư luận quanh vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức lý giải xung quanh quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1.
Theo Bộ GD&ĐT, việc dạy học các môn ngoại ngữ trong trường phổ thông đã được triển khai từ nhiều năm qua. Theo đó, ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc (gồm các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, sau đó bổ sung môn tiếng Nhật); ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn (trong đó có tiếng Đức, tiếng Hàn).
Sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương và đạt hiệu quả, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn. Các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh có nguyện vọng lựa chọn môn học này là ngoại ngữ 1, để phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh.
Từ các nhu cầu thực tế nói trên, đồng thời để giảm áp lực cho học sinh khi lựa chọn tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 vẫn phải học song song ngoại ngữ 1 khác, Bộ GD&ĐT quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 để học sinh lựa chọn theo nhu cầu. Đây cũng là nội dung thoả thuận khung giữa Việt Nam với Hàn Quốc, CHLB Đức về việc dạy tiếng Hàn, tiếng Đức ở trường phổ thông Việt Nam.
Sau thời gian dạy thí điểm là ngoại ngữ 1, Bộ GD&ĐT sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa hai môn học tiếng Hàn, tiếng Đức chính thức trở thành Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác.