Học sinh hạn chế nhận thức định hướng nghề
Công tác tư vấn hướng nghiệp đã được triển khai thành nền nếp tại Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình trong nhiều năm nay. Các hình thức hướng nghiệp được thực hiện tại đây cũng rất đa dạng.
Cách làm tiêu biểu là lồng ghép các chuyên đề giáo dục hướng nghiệp trong giảng dạy và các hoạt động của nhà trường; tổ chức tham quan, trải nghiệm thực tế cho học sinh; kết nối, vận dụng các nguồn lực hỗ trợ, như hội cựu học sinh, Hội cha mẹ học sinh và các cơ sở giáo dục, đào tạo…
Chia sẻ từ cô Phạm Thị Hải Yến - Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Đức Cảnh – từ năm 2018, nhà trường đã thành lập Ban tham vấn hướng nghiệp do Phó hiệu trưởng Nguyễn Xuân Vinh làm trưởng ban, nhằm hỗ trợ học sinh trong quá trình chọn trường, chọn nghề.
“Chúng tôi đã sử dụng bộ công cụ trắc nghiệm phù hợp với điều kiện, bối cảnh của công tác giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp Việt Nam. Đây là những phần mềm được nhiều trường ĐH lựa chọn để hỗ trợ công tác hướng nghiệp tuyển sinh.
Kết quả chúng tôi thu được cho thấy có đến 85% học sinh cho biết rất cần được hướng nghiệp. Khi được hỏi điều gì quan trọng nhất sau khi tốt nghiệp THPT, chủ yếu ý kiến cho rằng đó là học đại học theo nguyện vọng và chọn được nghề phù hợp.
Những thông tin học sinh chia sẻ về chọn trường, chọn ngành cho thấy hạn chế trong nhận thức của các em về định hướng nghề nghiệp. Những thông tin trên là cơ sở để chúng tôi tiến hành tư vấn chuyên sâu cho học sinh.” – cô Yến chia sẻ.
Dù không có giáo viên chuyên trách, nhưng Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi đã thành lập một Ban tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường do Hiệu trưởng trực tiếp phụ trách, với thành phần gồm Ban chấp hành đoàn trường và các giáo viên chủ nhiệm. Ban có các hình thức hoạt động khá phong phú, đặc biệt vào thời điểm này, khi học sinh chuẩn bị đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
“Những thông tin xung quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH - CĐ được cập nhật trên website nhà trường. Bên cạnh phối hợp với các trường ĐH, CĐ trong tư vấn tuyển sinh, giới thiệu ngành nghề, trường cũng mời những cựu học sinh thành đạt đến chia sẻ kinh nghiệm, góp phần giúp học sinh định hướng khi lựa chọn ngành nghề, chọn trường.” – Hiệu trưởng Đinh Duy Quang chia sẻ.
Việc không có giáo viên chuyên trách là một khó khăn cho công tác hướng nghiệp. Khắc phục khó khăn này, các thầy cô của Trường THPT Trần Quốc Tuấn đã tự đọc, tự nghiên cứu để chia sẻ thông tin hữu ích, cần thiết nhất cho học sinh.
“Để có định hướng, dạy học ôn tập tốt nhất trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường dự kiến sẽ tổ chức 2 đợt thi thử: một đợt cuối tháng 3 và một đợt vào tháng 5 sau khi hoàn thành chương trình. Sau khi có đề minh họa của Bộ GD&ĐT, trường sẽ định hướng để tổ chức ôn tập, giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.” – Hiệu trưởng Đinh Duy Quang cho biết thêm.
Phong phú hình thức hướng nghiệp
Chia sẻ một số khó khăn trong công tác hướng nghiệp hiện nay, điều được ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang nhắc đến đầu tiên là tài liệu để phục vụ cho công tác giáo dục và hướng nghiệp chưa đa dạng, chưa đầy đủ, chủ yếu do giáo viên sưu tầm và kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy. Kinh phí tổ chức cho các hoạt động giáo dục hướng nghiệp còn hạn chế nhất là các hoạt động hướng nghiệp, trải nghiệm, giáo dục STEM. Đội ngũ làm công tác chuyên trách còn hạn chế, không đủ nhân lực cho hoạt động này.
Khắc phục những khó khăn trên, ông Trần Tuấn Khanh cho biết, Sở GD&ĐT An Giang đã chỉ đạo các nhà trường hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Theo đó, thông qua kiến thức khoa học cung cấp cho học sinh những tri thức về tiềm năng đất nước, khả năng và thành tựu của nhân dân trong lao động, sự phát triển các ngành nghề nông nghiệp, tiểu thủ công, công nghiệp then chốt. Giáo dục ý thức chọn ngành, chọn nghề đúng đắn, tinh thần sẵn sàng đi vào các ngành nghề đang cần phát triển để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và quê hương.
Đối với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành: Đổi mới nội dung dạy học trong chương trình theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Bổ sung, cập nhật các nội dung giáo dục hướng nghiệp trong các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với thực tiễn.
Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới: Chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán (giáo dục STEM); phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của quốc gia, đáp ứng thị trường lao động, chuẩn bị điều kiện đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Các trường cũng triển khai đa dạng hóa hình thức giáo dục hướng nghiệp. Vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh. Cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.
“Một trong những chỉ đạo được Sở GD&ĐT nhấn mạnh là tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các nhà máy, công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng... trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp và định hướng ngành nghề cho học sinh.
Thời gian qua, ngành đã phối hợp với tỉnh Đoàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường đại học, cao đẳng... để tổ chức buổi tư vấn trực tiếp và tư vấn online cho học sinh, giúp các em có định hướng lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích xây dựng mô hình giáo dục hướng nghiệp cung được đẩy mạnh; trong đó áp dụng phương thức hướng nghiệp tiên tiến, có sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp” – ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.