Đã đến thời điểm cần xem xét
Theo GS.TS Đặng Văn Minh, mô hình ĐH vùng thực hiện được gần 25 năm, đã bộc lộ rõ những ưu - nhược điểm. Ý tưởng ban đầu về ĐH vùng rất ưu việt – đó là đại diện trung gian nhằm giảm thiểu khó khăn cho các trường ĐH khi phải lên cơ quan chủ quản. ĐH vùng cũng có những bước đi rất tốt trong phát triển số lượng các trường ĐH thành viên, số lượng cán bộ, giáo sư, tiến sĩ, giảng viên cao cấp cùng những thành quả về khoa học, công nghệ…
Được biết các ĐH vùng đã nhiều lần tổng kết về các ưu - nhược điểm của mô hình này. 3 ĐH vùng (ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế) cũng đã nhiều lần cùng nhau bản thảo, từ cấp giám đốc đến cấp lãnh đạo trường ĐH thành viên. Và điều nhận ra là những khó khăn của các ĐH vùng đều… giống nhau, đặc biệt trong cơ chế tự chủ đại học hiện nay. Câu hỏi đặt ra: Nếu phát triển tự chủ đại học thì vai trò của ĐH vùng sẽ là như thế nào?
GS Đặng Văn Minh phân tích: “Khó khăn lớn nhất hiện nay của mô hình ĐH vùng là vướng mắc về cơ chế quản lý. Mô hình ĐH vùng như ĐH 2 cấp quản lý với Bộ GD&ĐT, ĐH vùng rồi đến các trường ĐH thành viên. Theo tôi sẽ ổn hơn với mô hình nếu có Bộ chủ quản thì thôi ĐH vùng, hoặc có ĐH vùng giống như mô hình ĐH quốc gia”.
Bên cạnh đó, nhìn vào ĐH vùng sẽ thấy sự liên kết các trường ĐH thành viên vẫn còn yếu trong sử dụng các nguồn lực chung, sử dụng các tài sản, các cơ sở vật chất chung; tiếng nói chung của tất cả các trường thành viên thành một tiếng nói chung của một ĐH còn hạn chế, do cơ chế hiện nay nên các trường có xu thế mong muốn được như một đơn vị ĐH độc lập…
Nếu không còn ĐH vùng?
Vai trò ĐH vùng tức là một ĐH trọng điểm - như quan điểm của một số chuyên gia, ĐH trọng điểm thì phải có sự chú ý trọng điểm, đầu tư trọng điểm, có những nhiệm vụ trọng điểm và phải khác so với các trường ĐH bình thường. Nhưng trên thực tế, ĐH vùng hiện đang thiếu những điều này.
Để giải quyết các vướng mắc, điều đầu tiên cần xem xét là cơ chế, sau đó là tìm ra được một cách thức quản lý phù hợp. Và một trường ĐH thành viên hay một ĐH vùng không thể giải quyết được những vướng mắc này. Để mô hình ĐH vùng phát triển đòi hỏi cả hệ thống giáo dục cùng nghiên cứu và đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ.
Nếu không còn ĐH vùng thì sao? GS Đặng Văn Minh thẳng thắn cho biết, có nhiều câu hỏi đặt ra với giả thiết này: Một tỉnh Thái Nguyên không còn ĐH vùng nữa sẽ có đến 7 trường ĐH trên địa bàn. Vậy 7 trường ĐH này phát triển theo phương thức nào? Các trường có thể phát triển thành các trường ĐH đa ngành không? Lúc đó Trường ĐH Nông Lâm cũng có thể phát triển thành ngành CNTT, phát triển thành ngành Y được không? Nếu trường ĐH nào cũng phát triển đa ngành, không còn trường đơn ngành nữa thì 7 trường ĐH trên một phạm vi không gian rất nhỏ hẹp này liệu có phù hợp không?…
“Câu chuyện này chắc còn phải tốn giấy mực để bàn. Tốt nhất nên “reform” lại - tức là phải xem lại cấu trúc, cơ chế quản lý. Có lẽ các chuyên gia giáo dục phải cùng nghiên cứu, đồng thời xem xét các định hướng, chủ trương của Nhà nước kết hợp với những mô hình của nước ngoài để có những cải tạo tốt hơn” – GS.TS Đặng Văn Minh đề nghị.