Cô Thu Bình chia sẻ với chúng tôi: “Lớp 1 là lớp đặc thù của bậc tiểu học. Tới thời điểm khai giảng thì hầu hết các hoạt động trong trường đã quen thuộc với HS lớp trên thì các con lớp 1 chưa từng được trải qua. Vì thế, những ngày đầu đến trường các giáo viên dạy lớp 1 phải hết sức cố gắng tạo cho các con một không khí thân thiện.
Các con phải cảm nhận được đến trường cũng được yêu thương như ở nhà. Giáo viên dạy lớp 1 phải dành thời gian nhiều hơn giáo viên ở các lớp trên trong chuyện dỗ dành các con, phải làm sao để các con hòa nhập nhanh với không khí và mọi hoạt động ở trường tiểu học. Các con vừa vào lớp 1 được tạo tâm thế thoải mái thì các con mới thích đi học, thích đến trường mỗi ngày”.
Cô Đào Thu Bình (Trường Tiểu học Kim Liên, Hà Nội) bắt đầu ngay tiết học đầu tiên của lớp 1 bằng bài học về truyền thống nhà trường và những điều sắp trở nên gắn bó với những cô cậu học trò nhỏ tuổi nhất trường tiểu học |
Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Hoa (Trường Tiểu học Kim Liên, Hà Nội), một trong những vất vả mà giáo viên dạy lớp 1 gặp phải ngay từ đầu năm học mới là có thể mất giọng vì phải nói rất nhiều trong lớp để các con hiểu và nghe theo những nền nếp trong lớp tiểu học. Để bớt khó khăn, ngoài việc dùng lời nói, mình rèn cho các con nhận biết yêu cầu của cô giáo bằng các tín hiệu đơn giản, chẳng hạn “khi cô giơ bông hoa lên là cả lớp phải trật tự”, hoặc “khi cô lắc chuông là cả lớp tập trung ngồi ngay ngắn để có thể học bài”… Nếu giáo viên có những cách thức giao tiếp thân thiện với học trò nhỏ thì việc phải nói nhiều để nhắc nhở nền nếp trong lớp sẽ giảm đi rất nhiều. Bởi nếu một khi giáo viên lớp 1 phải nói quá nhiều để giữ trật tự hay tổ chức các hoạt động trong lớp thì có thể dẫn tới nói to, thậm chí cáu gắt với học sinh…
Bé làm quen với nền nếp mới mẻ của trường tiểu học |
Sĩ số lớp 1 ở nhiều trường tiểu học trong trung tâm Hà Nội năm học này khá căng (vì nhiều lý do khách quan). Những lớp 1 có trên 50 HS/lớp không phải là hiếm. Vì thế, GV dạy lớp 1 luôn phải “căng” ra, bằng tất cả kinh nghiệm, sự cố gắng, sáng tạo để “quản” được HS, để đưa mấy chục HS vào được nền nếp của trường tiểu học.
“Mỗi một lứa HS lớp 1 có những đặc điểm khác nhau. Chẳng hạn, lứa năm nay thì nhiều con tỏ ra vững vàng tâm thế ngay từ đầu năm học, nhưng có lứa năm khác thì lại có nhiều con non nớt, khóc nhiều, chưa biết tự lập ở trường trong sinh hoạt cá nhân…” - cô Thu Bình kể - “Với trẻ mới vào lớp 1 thì quả thực là các giáo viên thường phải dành thời gian tới 1 - 2 tháng đầu tiên của năm học mới, làm sao để các con có được nền nếp hoàn toàn với môi trường học tập và nhất là thích đi học”.
Bé chưa biết đọc tò mò với sách vở trên lớp sẽ được học ở buổi học đầu tiên của lớp 1 |
Chỉ để dỗ dành, rèn nếp cho trẻ thích đi học cũng đã khiến giáo viên dạy lớp 1 vô cùng vất vả đầu mỗi năm học. Nhưng không cô giáo nào than vãn về chuyện cứ đầu năm học là mất giọng vì mỗi ngày phải nói nhiều, nói to… Cũng không có cô giáo nào than thở phụ huynh này, phụ huynh kia “gửi gắm” nhờ vả riêng mong cô quan tâm hơn… vì con rất lười ăn, hay thậm chí là con thừa cân nhờ cô cho con ăn ít một chút trong bữa bán trú.
“Có con bị dị ứng với một số thức ăn thì giáo viên lớp 1 phải hết sức chú ý khi được phụ huynh cho biết. Có con bị bệnh cần uống thuốc hàng ngày nhiều phụ huynh cũng nhờ giáo viên… Các giáo viên lớp 1 luôn sẵn sàng quan tâm đến những “nhờ vả” như vậy của phụ huynh đối với các con cần sự giúp đỡ. Kể cả việc thỉnh thoảng ở lớp có HS bị bệnh cần sự quan tâm đặc biệt như con bị hen, cần gửi máy xông thở ở lớp, phòng trường hợp con trở bệnh, thì giáo viên cũng sẵn sàng hỗ trợ con” - một giáo viên dạy lớp 1 gần 20 năm tâm sự với chúng tôi.
Mẹ dặn dò bé phải ngoan và tự tin khi tới trường |
Bé lớp 1 say sưa với màu vẽ |
Cô trò gần gũi hơn khi thân thiện trò chuyện |