Hội thảo do Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của GS.Phạm Minh Hạc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dự hội thảo. Cùng dự có GS.TSKH.NGND Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam và các cựu giáo chức; nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nhung, Trần Quang Quý; bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội; các nhà giáo, nhà khoa học. Đại diện gia đình dự hội thảo có PGS.TS Hoàng Anh, phu nhân, người thay mặt cho GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc và gia đình.
Hội thảo nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc cho sự phát triển của lý luận và thực tiễn giáo dục Việt Nam. Đồng thời, thông qua hội thảo để tiếp tục phát triển những giá trị khoa học trong các công trình nghiên cứu của GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc vào thực tiễn đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT hiện nay; góp phần lan tỏa tấm gương sáng của nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục trong ngành và toàn xã hội.
Gửi tới GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc, PGS.TS Hoàng Anh lời thăm hỏi, lời kính chúc sức khỏe, thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo này của Hội Cựu giáo chức. Đây là hội thảo đặc biệt, mang tính khoa học, tính thực tiễn, ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa giáo dục và tính nhân văn sâu sắc.
Theo Bộ trưởng, GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc là một nhà khoa học, nhà giáo, một nhà quản lý, một chính trị gia, một nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục, đã có một khoảng thời gian rất dài và có nhiều đóng góp nổi bật, to lớn cho giáo dục nước nhà.
Với tư cách là nhà khoa học, Giáo sư đã có nhiều đóng góp trong việc phát triển ngành tâm lý học nói chung và tâm lý học giáo dục Việt Nam, những nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục, triết lý giáo dục, phương pháp giáo dục. Nhiều nghiên cứu khoa học của Giáo sư đã có đóng góp làm phát triển ngành tâm lý học, khoa học giáo dục nói chung và có đóng góp trong phát triển giáo dục Việt Nam thời kỳ hiện đại nói riêng.
Với tư cách là nhà quản lý, trải qua nhiều cương vị khác nhau, đặc biệt là cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Giáo sư đã có những quyết sách đổi mới giáo dục, vào thời kỳ đất nước đã độc lập thống nhất nhưng cũng là giai đoạn rất khó khăn, giáo dục đầy thách thức.
Phương châm chỉ đạo của giai đoạn thử thách đó được Giáo sư đề ra là: “Giữ vững để không tan vỡ, khôi phục những cái đã mất, củng cố những cái còn lại và phát triển cái cần thiết”.
Đó là tinh thần mang tính tình thế, có kế thừa và lựa chọn cái cần làm phù hợp với hoàn cảnh; đồng thời cũng mang tính kế thừa, một tinh thần quan trọng của giáo dục.
Với tư cách là người đứng đầu ngành Giáo dục, Giáo sư đã có nhiều đề xuất và chỉ đạo triển khai mục tiêu quốc gia về xóa nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000…
Những kinh nghiệm chỉ đạo thực tiễn giáo dục nước nhà của Giáo sư hiện vẫn còn nhiều ý nghĩa tham khảo đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT hiện nay; đặc biệt là phát triển nền giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện theo tinh thần Chương trình GDPT 2018.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá: Hoạt động khoa học và thực tiễn của Giáo sư Phạm Minh Hạc để lại cho những người quản lý giáo dục ngày nay nhiều bài học quan trọng. Trong đó có bài học về việc phát triển khoa học tâm lý, lấy khoa học tâm lý làm gốc căn cơ nền tảng để phát triển khoa học giáo dục. Đó là tầm nhìn xa về chính sách trong giáo dục, là tinh thần bám sát thực tiễn, tinh thần đề cao công bằng trong giáo dục, tinh thần nhân văn trong giáo dục…
Học thuật của giáo sư còn để lại ở danh mục đồ sộ các công trình, là các chuyên luận, tài liệu hướng dẫn, giáo trình, bài báo khoa học xuất bản trong và ngoài nước. Để phát huy và làm nổi bật đóng góp khoa học của giáo sư, chắc chắn còn nhiều việc phải làm.
“Nghiên cứu, đánh giá để thấy hết những đóng góp to lớn của Giáo sư với ngành Giáo dục, đặc biệt với cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong lịch sử giáo dục Việt Nam hiện đại, chắc chắn cần phải làm nhiều việc, cần có thêm những nghiên cứu khảo sát tỷ mỷ hơn. Tuy nhiên, những nghiên cứu, hồi ức, trao đổi ngày hôm nay, có giá trị quan trọng trong việc chúng ta đánh giá, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của Giáo sư”- chia sẻ điều này, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn trân trọng đến các nhà khoa học bởi những đóng góp cho hội thảo. Những bài viết và ý kiến tại đây, hôm nay, không chỉ giúp cho việc làm sáng tỏ và tôn vinh một sự nghiệp, mà còn đóng góp cho việc làm sáng tỏ nhiều vấn đề của lịch sử giáo dục Việt Nam, khoa học giáo dục Việt Nam. Bộ GD&ĐT trân trọng thụ hưởng những kết quả khoa học này.
Tại hội thảo, các ý kiến tham luận đã khẳng định những đóng góp to lớn của GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc cho sự phát triển khoa học giáo dục với khối lượng lớn các công trình nghiên cứu khoa học.
Nhiều công trình nghiên cứu của Giáo sư đã luận giải, khái quát nhiều khái niệm, phạm trù khoa học mới về tâm lý học, giáo dục học, góp phần bổ sung, phát triển, làm phong phú lý luận về tâm lý học và giáo dục học hiện đại.
Giáo sư cũng có những công trình nghiên cứu về triết lý giáo dục Việt Nam; nghiên cứu về giá trị học, giá trị con người Việt Nam, giá trị bản thân; nghiên cứu về con người…. Những công trình này không chỉ có giá trị định hướng, dẫn dắt cho xu hướng phát triển của lý luận, thực tiễn giáo dục Việt Nam trong các thời điểm mang tính bước ngoặt, mà còn là cơ sở khoa học để đề xuất các chủ trương, chính sách đổi mới, phát triển GD-ĐT trong bối cảnh hội nhập, hợp tác quốc tế.
Trong quản lý, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Giáo sư luôn bám sát thực tiễn đời sống xã hội, lăn lộn trong thực tiễn giáo dục ở mọi vùng miền đất nước; nhờ đó đã đề xuất được nhiều giải pháp quản lý phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc có công lớn trong thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học năm 2000.
Nhiều kỷ niệm sâu sắc về GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc cũng được chia sẻ tại hội thảo.
GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc - một nhà giáo mẫu mực và tài năng, được nhiều thế hệ nhà giáo Việt Nam tôn vinh là bậc thầy của ngành tâm lý học, giáo dục học. Ông cũng là một nhà khoa học lớn, nhà quản lý giáo dục tâm huyết với nghề. Mặc dù đã trải qua nhiều cương vị khác nhau, nhưng trong suốt cuộc đời công tác, Giáo sư luôn dành phần lớn tâm huyết, trí tuệ cho sự phát triển của tâm lý học, giáo dục học nói riêng và của nền giáo dục Việt Nam nói chung.
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn. Ảnh: Xuân Phú.
Ý kiến bạn đọc