Thấm nhuần lời Bác dạy “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, thời gian qua, công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ được ngành Giáo dục Điện Biên xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả được triển khai nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.
“Các trường trên địa bàn huyện Tuần Giáo duy trì hiệu quả các hoạt động xây dựng trường học thực sự trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục, rèn luyện thanh thiếu nhi. Việc giáo dục truyền thống đền ơn đáp nghĩa được các trường giáo dục bằng nhiều hình thức, kết hợp hài hòa giữa học chính và ngoại khóa, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ”. - Ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT Tuần Giáo
Tiêu biểu như ngành GD&ĐT Tuần Giáo tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa vào dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) và các ngày lễ lớn trong năm, như: Vệ sinh khuôn viên, dâng hương, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ Tuần Giáo, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Pú Nhung, bia tưởng niệm tại đèo Pha Đin.
Cũng với đó, phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường trên địa bàn thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng, gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ... Các hoạt động khi tổ chức được công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục và học sinh nhiệt tình tham gia.
Trong năm 2023, toàn ngành GD&ĐT Tuần Giáo đã tổ chức quyên góp, ủng hộ hơn 30 triệu đồng cho Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam; ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa hơn 180 triệu đồng…
Tại ngôi trường THCS mang tên Anh hùng, liệt sĩ Vừ A Dính (xã Pú Nhung, Tuần Giáo) việc tuyên truyền, giảng dạy học sinh về lòng yêu nước và lịch sử dân tộc, địa phương được nhà trường quan tâm thực hiện. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch chi tiết, lồng ghép, tích hợp vào các bài giảng cho học sinh trong môn học và tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa.
Thầy Lò Xuân Văn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vừ A Dính cho biết: “Nhà trường đã và đang ra sức giáo dục học sinh về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc. Việc giáo dục thể hiện qua các phong trào thi đua, buổi học ngoại khóa, tiết học thực tế và các cuộc thi về lịch sử”.
Theo thầy Lò Xuân Văn, thông qua các phong trào, cuộc thi, tiết học ngoại khóa đã góp phần bồi đắp, củng cố niềm tin, tình cảm của cán bộ, giáo viên và học sinh toàn trường với Đảng, quê hương, đất nước. Thông qua việc tìm hiểu về các cuộc kháng chiến của dân tộc cũng giúp các em rèn luyện đạo đức, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, sống có trách nhiệm với cộng đồng. Từ đó, học sinh sẽ nỗ lực trong học tập để trở thành công dân tốt, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Sùng Thị Thúy Dương - lớp 9A1 chia sẻ: “Tấm gương hi sinh của Anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính luôn in đậm trong tâm trí em. Anh chính là người truyền cho em cảm hứng tích cực trong học tập, ước mơ. Anh là người mà em vô cùng ngưỡng mộ”.
Là một người con của núi rừng Tây Bắc, Vừ A Dính có tinh thần tự học rất cao. Theo những người cao niên ở Pú Nhung kể, khi còn sống, Anh hùng liệt sỹ Vừ A Dính là người ham học. Trong túi áo anh lúc nào cũng có cuốn sách để tranh thủ đọc và viết chữ. “Tinh thần tự học của người anh hùng ấy truyền cho em động lực cố gắng, không bỏ cuộc trước những bài tập khó hay những vất vả trong học tập, cuộc sống”, Sùng Thị Thúy Dương nói thêm.
Lòng can đảm của anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính đã tác động rất lớn đến thế hệ trẻ nơi mảnh đất Pú Nhung. “Qua lời kể của thầy cô, chúng em hiểu rõ hơn về tấm gương hi sinh của anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính. Anh đã trở thành tượng đài bất tử về sự mưu trí, dũng cảm để chúng em noi theo”, Vàng Thị Trang lớp 8A2 cho hay.
Các bài giảng lịch sử liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn được các trường học trên địa bàn huyện Điện Biên tổ chức sôi động với nhiều hình thức phong phú. Tại Trường THCS xã Pom Lót, để làm phong phú nội dung diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ hay giúp các em hiểu thêm về tấm gương hi sinh của anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn, nhà trường tổ chức cho các em tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tại đây, học sinh khối lớp 6 hào hứng khi lần đầu được học thông qua các hiện vật cụ thể và lắng nghe thuyết minh. Nhờ vậy, giờ học Lịch sử vốn bị nhiều học sinh mặc định là nhàm chán và khó tiếp thu trở nên hấp dẫn, dễ tiếp cận.
Cô Trần Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường THCS xã Pom Lót cho hay: “Bảo tàng có nhiều hiện vật lịch sử, video, hình ảnh minh họa chân thực, sống động về Chiến dịch Điện Biên Phủ khiến các em hứng thú hơn trong việc tiếp cận và học lịch sử. Từ đó, thấm thía và biết ơn những Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để các em được tự do học tập như hôm nay”.
Đưa học sinh tới tham gia trải nghiệm tại bảo tàng, nhìn các em hào hứng với những điều được nhìn, được nghe, cô Phạm Quỳnh Phương, giáo viên lịch sử Trường THCS xã Pom Lót nhận thấy: “Việc học Lịch sử qua trải nghiệm không chỉ khiến học sinh mà cả giáo viên cũng cảm thấy hứng thú. Nếu như 45 phút trên lớp chỉ đủ để các em tiếp cận với hình ảnh thông qua trình chiều của giáo viên và tài liệu trong sách giáo khoa, thì tại bảo tàng, học sinh được tiếp xúc với những hiện vật thật, khắc sâu kiến thức hơn.”.
Theo cô Phương, nếu học mà không gắn với trải nghiệm thực tế sẽ là một thiếu sót lớn. Nhiều khi, học sinh đến di tích lịch sử nhưng chưa hiểu đằng sau mỗi hiện vật đó là gì. “Với phương pháp giáo dục lịch sử thông qua các buổi học trải nghiệm thực tế khiến học sinh dễ dàng tiếp cận và hiểu đúng, đủ hơn về câu chuyện. Qua đó, giáo dục cho các em về truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước; về vai trò, tầm quan trọng của các câu chuyện lịch sử”, cô Phương nói thêm.
Xúc động trước những hiện vật, hình ảnh, video minh họa và lời thuyết minh truyền cảm của cô hướng dẫn viên, Lò Bích Trang, học sinh lớp 6A1, cho biết: “Lần đầu tiên, em thấy môn Lịch sử lại thú vị đến thế. Được lắng nghe, quan sát, em hiểu được sự hi sinh cao cả của các chiến sĩ và sự khốc liệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những điều này, nếu chỉ nghe thầy cô giáo giảng trong 45 phút, thông qua các hình ảnh trong sách giáo khoa, có lẽ em sẽ rất khó có thể hình dung và hiểu được”.
Em Lường Văn Minh, học sinh lớp 6A1 cũng nhận thấy việc học lịch sử thông qua hoạt động thực tiễn tại bảo tàng có nhiều điểm khác lạ so với việc đọc, chép trên lớp.“Việc đi thực tế giúp em hiểu và yêu hơn về lịch sử đất nước mình.
Khi đi tìm hiểu, em ấn tượng nhất với hình ảnh khẩu pháo mà các chiến sĩ Điện Biên kéo và sử dụng bắn phá quân địch. Hình ảnh này em đã được nhìn thấy trong sách giáo khoa, nhưng khi được tận mắt chứng kiến em càng thấy khâm phục tinh thần quả cảm, không ngại khó khăn, gian khổ của các thế hệ cha ông mình”, Minh nói.
Cùng với đó, để bổ sung kiến thức giúp các em học sinh hiểu đúng về giá trị lịch sử, ý nghĩa của Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành Giáo dục huyện Điện Biên đã phát động đợt thi đua cao điểm với nhiều hình thức như: Thi vẽ tranh, trưng bày và thuyết trình sách về Điện Biên Phủ; tổ chức nói chuyện truyền thống; tham quan di tích lịch sử cách mạng…
Đồng thời, thường xuyên khuyến khích các nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm, thăm quan các điểm di tích lịch sử Điện Biên Phủ, khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ A1... Từ đó khơi dậy trong học sinh niềm tự hào dân tộc, sự trân trọng hòa bình với lòng biết ơn sâu sắc thế hệ đi trước, để các em tiếp tục phấn đấu, rèn luyện xứng đáng là thế hệ viết tiếp truyền thống cha ông.
Theo ông Đặng Quang Huy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên, đơn vị đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện lồng ghép trong các tiết học chính khóa, hoạt động ngoại khóa nội dung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng.
Đồng thời giáo dục học sinh về sự cống hiến, hy sinh và đóng góp to lớn của các liệt sĩ, người có công với cách mạng... Qua đó, góp phần bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương đất nước, làm đẹp thêm truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, sự trân trọng, biết ơn của các thế hệ trẻ huyện Điện Biên với các liệt sĩ, người có công với cách mạng.
“Để nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, chúng tôi đã chỉ đạo các trường thành lập tổ chuyên môn, nhóm trao đổi nghiệp vụ, chia sẻ thông tin từ các cơ sở dữ liệu chính thống. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trường lồng ghép các nội dung giáo dục lịch sử thông qua hoạt động ngoại khóa, tổ chức cho học sinh thăm quan tại các di tích lịch sử cách mạng trong và ngoài tỉnh… Từ đó, giúp cho việc truyền đạt kiến thức trở nên hấp dẫn, sống động hơn”. - Ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên
Tác giả bài viết: Minh Đức
Ý kiến bạn đọc