Nâng cao chất lượng đội ngũ: Bồi dưỡng theo nhu cầu

Thứ bảy - 27/07/2024 00:49 117 0
Tăng cường năng lực quản trị nhà trườngTrường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng vừa phối hợp với Sở GD&ĐT Quảng Ngãi tổ chức Tập huấn nâng cao năng lực quản lý công cho hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn. Đây là nội dung trong chương trình hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng với UBND tỉnh Quảng Ngãi...
Nâng cao chất lượng đội ngũ: Bồi dưỡng theo nhu cầu

Tăng cường năng lực quản trị nhà trường

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng vừa phối hợp với Sở GD&ĐT Quảng Ngãi tổ chức Tập huấn nâng cao năng lực quản lý công cho hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn. Đây là nội dung trong chương trình hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng với UBND tỉnh Quảng Ngãi trong GD-ĐT và phát triển nguồn nhân lực.

Thầy Hiệu trưởng Hồ Ngọc Hưng cho biết, mùa Hè năm học 2024 - 2025, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sẽ tập huấn cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên chuyên đề Văn hóa công sở. Ngoài ra, với hội đồng sư phạm, sẽ có thêm chuyên đề Công tác giáo viên chủ nhiệm, trong đó nhấn mạnh đến nội dung giao tiếp với phụ huynh.

Ông Trần Sỹ - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nhu cầu được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để nâng cao năng lực quản lý công cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các trường THPT rất cần thiết.

Trên thực tế, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các trường học hiện nay có những cái khó mà trong đào tạo không có. Ví dụ, họ không có hiểu biết về tài chính. Vì vậy, để làm tốt công tác quản trị trường học, cần phải có kiến thức cơ bản về quản lý tài chính, tài sản.

Theo PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, nội dung tập huấn tập trung các chuyên đề như: Quản lý tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập; Quy trình, thủ tục mua sắm, sửa chữa trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là những nội dung thiết thực, liên quan trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các trường, khi có sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý các trường THPT công lập.

Trong xu hướng đổi mới giáo dục, quản trị trường học có những thay đổi cơ bản như tự chủ và chịu trách nhiệm; học tập và giảng dạy là những mục tiêu chính của hoạt động quản lý giáo dục; phong cách lãnh đạo dân chủ, công bằng và có trách nhiệm; chia sẻ quản lý; trường học là nơi để học tập… Để có thể huy động các nguồn lực hỗ trợ, phối hợp để công tác quản trị nhà trường hiệu quả, đòi hỏi hiệu trưởng trong xây dựng kế hoạch quản trị và thực hiện kế hoạch phải có tính khoa học và nghệ thuật.

Ngoài ra, theo nhận xét của thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam), cán bộ quản lý trường học phải có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.

“Ở trường chúng tôi, hoạt động giáo dục lớn, kế hoạch bài dạy, bài giảng E-learning… đều được đăng tải lên website. Website trường học nếu được đầu tư và khai thác hết tính năng sẽ là công cụ quản trị trường học. Nếu chỉ gửi vào nhóm Zalo thì việc lưu trữ khó khăn. Ngay cả việc xây dựng đề kiểm tra của giáo viên tổ chuyên môn cũng gửi về ban giám hiệu thông qua công cụ trên website”, thầy Chín chia sẻ.

Hai năm trở lại đây, phòng GD&ĐT Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đều tổ chức bồi dưỡng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý phục vụ triển khai Chương trình GDPT 2018 trong dịp hè. Các khóa tập huấn tập trung vào nội dung cốt lõi nhằm nâng cao năng lực quản trị nhà trường thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Cô Hoàng Thị Lệ Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (TP Đà Nẵng) thông tin: “Nội dung các buổi tập huấn đã giúp cán bộ quản lý có thêm kinh nghiệm để làm tốt công tác quản trị nhà trường. Các thầy cô cũng thảo luận và làm rõ thêm cách làm hiệu quả khi thực hiện các quy định, quy chế, kế hoạch và công tác kiểm tra giám sát trong nhà trường”.

boi duong theo nhu cau (2).jpg
Phòng GD&ĐT Hải Châu (Đà Nẵng) tập huấn giáo dục STEM cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học.

Giáo viên đi học STEM

Trong buổi tập huấn về dạy học STEM cho giáo viên THCS - THPT ở Đà Nẵng, TS Nguyễn Thanh Hải - Trưởng nhóm nghiên cứu dự án giáo dục STEM THRIVE, Đại học Missouri, Hoa Kỳ đưa ra tình huống và đề nghị các thầy cô giải thích về hiện tượng tại sao cốc nước đá bị ướt phía bên ngoài. Rất nhiều giáo viên đưa ra cách lý giải khác nhau, từ vận dụng phương pháp đo lường, tính thể tích đến sự thay đổi về nhiệt độ.

Có thầy giáo giải thích do trong không khí có nước nên khi xung quanh đó có nhiệt độ thấp hơn thì nước ngưng tụ lại. Nhưng TS Hải cho rằng đây là cách giải thích áp đặt cho học sinh buộc phải chấp nhận rằng trong không khí có nước trong khi không chứng minh cho các em thấy được trong không khí có nước. Nếu nói nước đến từ không khí thì tại sao cốc nước không cho đá vào thì lại không có nước đọng xung quanh.

Từ đây, TS Nguyễn Thanh Hải đặt ra vấn đề: “Một hiện tượng vô cùng đơn giản, gần gũi, tất cả chúng ta đều thấy nhưng giải thích nó không hề đơn giản. Chính học sinh sẽ là những nhà khoa học trong tương lai nếu thầy cô có cách khơi gợi, truyền cảm hứng để các em quan sát các sự việc diễn ra hằng ngày; khuyến khích các em sáng tạo, nuôi dưỡng sự tò mò, tìm hiểu… để tạo ra tri thức mới cho nhân loại”.

TS Nguyễn Thanh Hải cũng đưa ra cách khởi động để dạy bài học về hiện tượng ngưng tụ qua cách tiếp cận STEM. Giáo viên bắt đầu tiết dạy bằng cách đặt câu hỏi tại sao cái ly nước của cô bị ướt? Học sinh có thể trả lời tại vì cốc nước của cô có đá lạnh bên trong. Nhưng tại sao có đá lạnh bên trong thì cốc nước lại bị ướt ở phía bên ngoài mặt cốc?

Cô sẽ làm thí nghiệm bằng cách cô đặt 5 cái cốc giống nhau với cùng lượng nước bên trong như nhau. Cốc đầu tiên cô không cho thêm gì vào ngoài nước. Cốc số 2, cô cho 1 viên đá, cốc số 3 cho 3 viên đá, cốc số 4 cô cho 5 viên đá, cốc số 5 cho rất nhiều đá.

Học sinh sẽ tự tay sờ vào phía bên ngoài thành cốc và rút ra kết luận rằng càng nhiều đá thì bề mặt bên ngoài của cốc càng lạnh. Học sinh có thể sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ của mỗi cốc. Các em sẽ đo nhiệt độ phòng và nhiệt độ của từng cốc có chứa nước đá để có sự so sánh. Các em sẽ thấy rằng nhiệt độ trong ly nước càng thấp thì nước đọng ở phía ngoài cốc càng nhiều.

Cô giáo nhỏ phẩm màu các loại vào phía trong cốc nước vẫn cho một kết quả giống nhau là nước đọng ở phía ngoài ly đều là màu trong suốt. Như vậy, nước đọng ở phía bên ngoài thành cốc không phải do nước ở phía trong chảy ra.

Nhưng làm sao để thuyết phục học sinh tin tuyệt đối cốc ướt do nước ở phía bên ngoài, không phải ở bên trong? Cô giáo lấy một cái muỗng bằng inox đặt trên viên đá, một lúc sau trên bề mặt của muỗng inox bắt đầu có nước đọng.

Điều đó chứng tỏ rằng, khi một sự vật ở nhiệt độ lạnh thì nó xuất hiện hiện tượng ngưng tụ hơi nước. Để thuyết phục hơn, giáo viên có thể cho học sinh thí nghiệm với muỗng bằng nhựa, gỗ… để thấy rằng vật nào giữ nhiệt tốt hơn sẽ nhanh xuất hiện ngưng tụ trên bề mặt.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng cùng Viện Nghiên cứu & Đào tạo Việt – Anh (VNUK), Đại học Đà Nẵng đã tổ chức 2 khóa tập huấn theo hướng liên tục, chuyên sâu trong 2 năm 2023 và 2024. 270 cán bộ quản lý, tổ trưởng/tổ phó bộ môn liên quan đến STEM/STEAM như Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Kỹ thuật, Mỹ thuật, giáo viên hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học và các cuộc thi Khoa học kỹ thuật trường THCS, THPT tham gia cả 2 khóa tập huấn này.

TS Nguyễn Thanh Hải nhận xét: “Giáo dục STEM vừa khó lại vừa dễ. Với sự nhiệt tình và chuẩn bị của cấp sở, trường, đặc biệt có sự hỗ trợ của VNUK, tôi tin việc triển khai giáo dục STEM tại TP Đà Nẵng sẽ rất thành công. Con đường có thể nhiều chông gai, thử thách nhưng thành quả mang lại đối với học sinh TP Đà Nẵng rất lớn”. Khi giáo viên dạy cho các em hiện tượng nào đó, nên tạo tình huống để học sinh trải nghiệm. Trải nghiệm ở mức độ như thế nào, sẽ tùy từng cấp học để giáo viên đưa ra tình huống phù hợp.

Thầy Phan Tiến Dậu - giáo viên Vật lý, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) nhận xét: “Các lớp tập huấn giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về quy trình, cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện dự án STEM. Giáo viên nên đưa ra những vấn đề cụ thể, từ đó gợi ý cho các em thông qua câu hỏi.

Nếu thầy cô đưa ra một số giới hạn nhất định thì học sinh không bị mông lung và đề xuất được giải pháp thiết kế phù hợp. Trong vai người đi học, chúng tôi có những trải nghiệm để hiểu được mong muốn cũng như tâm lý tiếp thu của trò. Từ đây, giáo viên sẽ có những điều chỉnh phù hợp trong dạy học để học sinh không bị căng thẳng, áp lực”.

boi duong theo nhu cau (1).jpg
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa Tập huấn nâng cao năng lực quản lý công cho hiệu trưởng các trường THPT ở Quảng Ngãi. Ảnh: NTCC

Chủ động bồi dưỡng nội bộ

Ba năm trở lại đây, trước khi bước vào năm học mới, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đều tổ chức tập huấn các chuyên đề về phương pháp dạy học cho giáo viên.

Năm học 2023 - 2024, Trường THCS Trưng Vương lựa chọn chủ đề Giáo viên hạnh phúc – Kiến tạo tương lai do chương trình Dạy học tích cực tổ chức với 9 buổi học. Giảng viên sẽ dạy học trực tuyến, tập trung học tại hội trường của nhà trường để tham gia làm việc, thảo luận nhóm. Với 9 buổi học các giáo viên giải đáp được tại sao nghề giáo ngày càng vất vả, áp lực nhưng hiệu quả chưa cao và khám phá cách thức để khắc phục điều đó thông qua các phương pháp dạy học tích cực.

“Khóa học giúp giáo viên bổ trợ thêm kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, hành vi, thái độ lời nói trong giao tiếp với học sinh; phối hợp nhuần nhuyễn các phương pháp, cách tổ chức hoạt động ở lớp. Khi giáo viên tổ chức các hoạt động dạy – học phát huy được sự tích cực, chủ động của học sinh sẽ nâng cao hiệu quả dạy học nhằm xây dựng được lớp học hạnh phúc. Từ đó, mỗi thầy cô sẽ trở thành người giáo viên hạnh phúc và truyền cảm hứng”, cô Nguyễn Ngọc Nhân - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Trưng Vương nói.

Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (huyện Chư Prông, Gia Lai) cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên văn hóa về Tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong giáo dục tiểu học. Ngoài tìm hiểu một số vấn đề chung về triển khai STEM/STEAM ở cấp tiểu học; giáo viên được hướng dẫn quy trình thiết kế và tổ chức hoạt động giáo dục STEM/STEAM.

Giáo viên các khối lớp thực hành xây dựng kế hoạch cho bài học STEM phù hợp với nội dung chương trình giáo dục tiểu học. Các sản phẩm cụ thể từng khối lớp được trình bày trong buổi tập huấn và đều được đóng góp ý kiến của đồng nghiệp cũng như báo cáo viên để có một hoạt động giáo dục STEM/STEAM hoàn chỉnh.

Ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Sở GD&ĐT Đà Nẵng và các trường học đã chủ động trong bồi dưỡng, tập huấn về dạy - học STEM, triển khai hoạt động STEM theo phương pháp Học theo dự án. Các trường thực hiện nội dung giáo dục STEM một cách chủ động, sáng tạo. Nhiều trường tổ chức câu lạc bộ STEM để học sinh tham gia.

Trong quá trình thực hiện bài học theo chủ đề giáo dục STEM, học sinh đã chủ động, tích cực đề xuất và thực hiện các sản phẩm học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nhiều sản phẩm vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống thực tiễn của các em được giải cao tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật các cấp”.

Tác giả bài viết: Hà Ánh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập808
  • Hôm nay56,737
  • Tháng hiện tại334,867
  • Tổng lượt truy cập51,690,826
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944