Từ nguồn quỹ trên, nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức nhằm thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Cô Vũ Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) cho hay, vào đầu mỗi năm học, nhà trường có kế hoạch huy động quỹ “đền ơn đáp nghĩa” và gửi lên cấp trên để sử dụng theo các văn bản hướng dẫn. Ban giám hiệu giao Công đoàn nhà trường phát động tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên ủng hộ tối thiểu một ngày lương để cho vào quỹ.
Vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hay Tết Nguyên đán, cán bộ giáo viên cùng Công đoàn nhà trường đi thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ địa phương; Sau đó, thăm, tặng quà tri ân thân nhân thầy cô giáo trong trường là thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, người có công với cách mạng.
Đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc. Mỗi phần quà tuy giá trị không lớn nhưng chứa đựng tình cảm, sự tri ân của thế hệ ngày nay tới những người đi trước đã không tiếc máu xương, tuổi trẻ để giành lại hòa bình, thống nhất cho đất nước.
“Trong năm học, nhà trường cho học sinh học tập trải nghiệm tại một số khu di tích cách mạng; giao lưu với nhân chứng lịch sử nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, người có công tại địa phương. Trực tiếp tham gia cùng thầy cô, học sinh càng hiểu hơn những đóng góp to lớn của cha ông đi trước với đất nước để thêm yêu hòa bình, ra sức học tập vì tương lai”, cô Thanh trao đổi.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Tuyết Minh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, thực hiện hướng dẫn của lãnh đạo phòng GD&ĐT và UBND quận, nhà trường tiến hành vận động gây quỹ “đền ơn đáp nghĩa” và sử dụng vào đúng người, đúng việc. Dịp 27/7 hằng năm, trường cử đại diện đi thăm, tặng quà tri ân gia đình thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn.
Trường Tiểu học Chu Văn An có 5 giáo viên có bố/mẹ là thương binh nên vào dịp Tết Nguyên đán hay Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Công đoàn nhà trường đều tới thăm, động viên các ông bà bằng những suất quà nhỏ. Do học sinh và giáo viên trong thời gian nghỉ hè, nhà trường cử đại diện và một số em tham gia đoàn của trường tới tặng quà tri ân người có công với cách mạng.
Tại Trường Tiểu học Đông La (Hoài Đức, Hà Nội), việc huy động và sử dụng quỹ “đền ơn đáp nghĩa” là một trong các nhiệm vụ được nhà trường đưa vào kế hoạch hoạt động trong năm học. Cô Hiệu trưởng Dương Thúy Hà nhấn mạnh, đóng quỹ là không bắt buộc nhưng khi phát động luôn thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia.
Ngoài nộp quỹ về cấp trên theo quy định, nhà trường chủ động một phần kinh phí để tổ chức thăm, tặng quà các đối tượng chính sách là bố/mẹ của giáo viên nhà trường; thương bệnh binh trên địa bàn xã Đông La cũng như thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ xã. Tham gia các hoạt động này, các em được trải nghiệm, lắng nghe các nhân chứng chiến tranh kể lại lịch sử đấu tranh hào hùng của thế hệ đi trước.
Theo cô Dương Thúy Hà, những hoạt động tri ân từ nguồn quỹ “đền ơn đáp nghĩa” không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn là sự động viên tinh thần to lớn đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Qua đó, thế hệ trẻ được giáo dục lòng biết ơn, trách nhiệm đối với cộng đồng và góp phần lan tỏa những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
Nằm ở miền ven biển, Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu, Nam Định) và chính quyền địa phương nơi đây luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách hỗ trợ đối với người có công, bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn. Nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh tham gia dọn dẹp, vệ sinh, cắt cỏ tại nghĩa trang liệt sĩ của xã.
Chia sẻ hoạt động của nhà trường, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hải Sơn đồng thời cho hay, ngay từ đầu năm học, nhà trường phát động mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên ủng hộ tối thiểu 1/2 ngày lương để có quỹ chi vào hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Dịp 27/7, nhà trường cùng chính quyền xã Hải Xuân dự kiến tổ chức đi thăm, tặng quà tri ân 2 gia đình mẹ liệt sĩ và một số thương bệnh binh của xã.
Theo thầy Sơn, để góp phần lan tỏa hơn nữa hoạt động tri ân ý nghĩa này cần sự chung tay của toàn xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải quan tâm, tạo điều kiện cho nhà trường thực hiện tốt công tác tri ân; các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp cần tích cực hỗ trợ về nguồn lực; mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và toàn xã hội, những hoạt động tri ân từ nguồn quỹ “đền ơn đáp nghĩa” ở các địa phương sẽ ngày càng lan rộng, góp phần chăm sóc tốt hơn cho đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn, trách nhiệm đối với cộng đồng và lan tỏa những giá trị đạo đức cao đẹp của dân tộc.
Không ít gia đình thương binh liệt sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống nên việc thăm hỏi, động viên giúp họ cảm thấy được quan tâm, chia sẻ. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chúng ta hỗ trợ về vật chất và tinh thần; giúp họ vơi bớt phần nào nỗi đau để tiếp tục sống lạc quan. Hoạt động này cũng góp phần gắn kết cộng đồng, tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa thế hệ trẻ với những người có công với cách mạng. Qua những chuyến thăm, người trẻ được bồi đắp lòng nhân ái, biết yêu thương, sẻ chia với những mảnh đời khó khăn.
Tác giả bài viết: Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc