Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội tới hơn 1.062 điểm cầu của các nhà xuất bản, các phòng giáo dục và đào tạo và các nhà trường với sự tham gia của hơn 30.000 cán bộ, giáo viên trên địa bàn thành phố.
Hội thảo nhằm giúp cán bộ quản lý, giáo viên tiếp cận, nắm được cấu trúc, nội dung các sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt; đồng thời, cung cấp thông tin về sách giáo khoa để có cơ sở lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ban hành quy định lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu khai mạc hội thảo. |
Cán bộ giáo viên nghiên cứu sách giáo khoa lớp 5 và lớp 12. |
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương lưu ý, đây là năm đầu tiên thực hiện Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ban hành quy định lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó có nhiều điểm mới.
Theo đó, mỗi cơ sở giáo dục thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Phòng giáo dục và đào tạo có nhiệm vụ thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, báo cáo danh mục sách giáo khoa về Sở GD&ĐT Hà Nội.
Sở chỉ giữ vai trò thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý và rà soát báo cáo của các phòng giáo dục và đào tạo về kết quả thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các trường tiểu học, trung học cơ sở.
Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị, các nhà xuất bản thông tin sâu những vấn đề cốt lõi, làm rõ tư tưởng chủ đạo của từng bản sách trong việc đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; giải đáp cụ thể, rõ ràng những băn khoăn, vướng mắc của giáo viên trong quá trình nghiên cứu, tiếp cận sách giáo khoa.
Cán bộ giáo viên Trường Tiểu học Mê Linh (huyện Mê Linh) dự hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 5. |
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị các nhà trường bố trí 100% giáo viên tham gia hội thảo, đặc biệt là những giáo viên dự kiến sẽ giảng dạy lớp 5, lớp 12 năm học tới.
Cán bộ, giáo viên cần tập trung nghiên cứu, phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc lĩnh hội ý tưởng của các tác giả trong mỗi bản sách; tích cực tham gia góp ý kiến, thẳng thắn nêu những vấn đề còn chưa rõ, những nội dung còn băn khoăn ở từng bản sách.
Cán bộ giáo viên Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) nghiên cứu chọn sách giáo khoa lớp 12. |
Ông Nguyễn Chí Bính - Phó Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam - một trong các nhà xuất bản tham dự hội thảo cho biết, để hỗ trợ các nhà trường trong việc tiếp cận, lựa chọn sách giáo khoa, ngoài các bản mẫu đã được gửi đến các trường, đơn vị cũng đã cung cấp đầy đủ các bản mẫu sách dạng PDF trên trang mạng https://taphuan.nxbgd.vn và nhiều phương tiện khác.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, giáo viên, phụ huynh học sinh để nâng cao chất lượng các bộ sách giáo khoa, đồng thời, đồng hành, hỗ trợ giáo viên trong suốt quá trình dạy học.
Tác giả bài viết: Vân Anh
Ý kiến bạn đọc