Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang đề nghị xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại.
Trường Mầm non Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) hiện có 13 giáo viên (kể cả hợp đồng) trong khi có tới 9 nhóm lớp. Điều này dẫn tới việc bố trí, sắp xếp đội ngũ của trường rất vất vả. Hiện nhà trường ưu tiên 2 cô/lớp đối với nhóm nhà trẻ và mẫu giáo 5 tuổi – để đảm bảo phổ cập mầm non 5 tuổi. Còn nhóm 3 tuổi bố trí 1,5 cô/lớp. Riêng nhóm 4 do các cháu tương đối lớn và tự lập được một số hoạt động, sinh hoạt nên chỉ có 1 cô phụ trách/lớp.
Cô Lê Thị Lợi đang dạy lớp 4 tuổi chia sẻ, việc một mình chăm lo cho tất cả trẻ trong lớp khiến cô luôn chân luôn tay, không có chút thời gian rảnh nào trong ngày. Từ việc đón trẻ mỗi sáng, tổ chức hoạt động giáo dục theo chương trình mầm non lớp 4 tuổi, đến chăm lo ăn ngủ bán trú và để ý các vấn đề sức khỏe, đợi trả trẻ vào buổi chiều. Chưa kể việc vệ sinh lớp học, sáng tạo đồ dùng, đồ chơi phù hợp, bảo quản cơ sở vật chất…
“Giáo viên trong trường vẫn thường nói vui với nhau, chúng tôi đi làm việc khi “mặt trời chưa mọc” và trở về khi mặt trời đã tắt, thời gian rất eo hẹp, không có thời gian để quan tâm gia đình. Mong ước lớn nhất của giáo viên mầm non là được đảm bảo chế độ chính sách, được quan tâm, ưu tiên trong công việc để các giáo viên có thể yên tâm công tác”, cô Lê Thị Lợi bày tỏ.
Chia sẻ với vất vả của giáo viên, cô Nguyễn Thị Hồng Nga - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghi Hòa - cho hay, giáo viên mầm non là nghề rất vất vả, không chỉ làm 10 tiếng mà có khi 12 tiếng mỗi ngày. Ngoài làm công tác chuyên môn, nhiệm vụ quan trọng khác đó là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh buộc giáo viên phải tập trung cao độ, không được chểnh mảng.
Điều đáng nói, hiện nay các trường mầm non thiếu giáo viên rất nhiều. Ở trường chúng tôi đang thiếu đến 7 giáo viên, nên số giáo viên đứng lớp không đạt theo quy định. Các cô đều làm việc quá tải nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về chăm sóc, giáo dục trẻ an toàn.
Cô Nguyễn Thị Vân - Giáo viên Trường Mầm non Nam Giang - Nam Đàn tâm sự, bản thân dạy học ở trường có đông trẻ là con em công nhân, vì vậy thời gian làm việc mỗi ngày hầu như không cố định mà thường xuyên bị co – giãn, đi sớm về muộn.
“Chúng tôi vừa là cô giáo nhưng có khi là một người mẹ, để ý, chăm sóc các con từng chút một, nhất là khi các cháu bị ốm, quấy khóc hoặc chưa quen với trường lớp. Ngoài ra chúng tôi còn vệ sinh, lau chùi, dọn dẹp làm miệt mài trong ngày.
Một bất cập nữa là giáo viên mầm non càng có tuổi thì càng bị hạn chế. Bản thân tôi hơn 30 năm trong nghề, việc tiếp thu công nghệ thông tin trong giáo dục chăm sóc trẻ chậm hơn so với giáo viên trẻ. Kể cả các phần năng khiếu cho trẻ như múa hát đối với những người đã ngoài 50 tuổi cũng không còn phù hợp”, cô Vân nói.
Cô Vân cũng mong muốn Nhà nước nên có chính sách về hưu sớm cho những giáo viên mầm non vì công việc này quá áp lực. Đồng thời tạo điều kiện cho những giáo viên trẻ vào ngành, phù hợp với công việc trong điều kiện hiện nay.
Cô Nguyễn Thị Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Giang, huyện Nam Đàn, Nghệ An cho rằng, từ thực tế công việc đặc thù, cô và nhiều giáo viên mầm non đều mong muốn có chính sách hỗ trợ, tăng phụ cấp để có thêm động lực cống hiến, gắn bó lâu dài với nghề.
“Tôi cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại là phù hợp, bởi với nhiều nhiệm vụ như hiện nay, giáo viên mầm non áp lực cả về thời gian, cả về công việc. Nếu được quan tâm, chúng tôi cũng mong Quốc hội xem xét nên giảm độ tuổi về hưu của giáo viên mầm non xuống 55 tuổi. Ở lứa tuổi này giáo viên mầm non thường rơi vào tình trạng uể oải, khó làm việc hiệu quả”, cô Hoa cho hay.
Giáo viên cho trẻ nghỉ trưa tại điểm bản Thăm Hín, Trường Mầm non Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài |
Tương tự, cô Phạm Thị Thanh Trâm – Hiệu trưởng Trường mầm non Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An bày tỏ, là trường đóng ở xã biên giới, nhiều điểm lẻ cách xa trường chính hàng chục kilomet đường đèo dốc, hiểm trở.
Riêng việc đi làm hàng ngày đối với giáo viên trên các cung đường đó đã vô cùng gian nan, chưa kể những dịp mưa lũ, sạt lở. Giáo viên mầm non vùng cao ngoài những áp lực chung của bậc học đặc thù, còn gặp những khó khăn khác trong chăm sóc, lo bữa ăn bán trú cho trẻ trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn.
Vì vậy, khi nghe thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Cắn chia sẻ rất đồng tình với chủ trương trên.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến - Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Sở GD&ĐT Nghệ An thông tin, mầm non là bậc học hiện thiếu nhiều giáo viên của tỉnh. “Hầu hết giáo viên ở các nhà trường đang làm việc quá tải. Những năm qua thực tế không ít giáo viên mầm non đã nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác sang ngành nghề khác. Ở trên góc độ quản lý, chúng tôi rất chạnh lòng khi nhận được những thông tin này, nhưng phải chấp nhận”, bà Hải Yến cho hay.
Nắm bắt tâm tư, ý kiến từ cơ sở, các cán bộ, quản lý, giáo viên mầm non chung mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ riêng cho giáo viên mầm non trong Luật nhà giáo.
Bên cạnh đó, cần đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề độc hại bởi nhiều lý do như: Giáo viên mầm non đang làm việc ít nhất 10 tiếng/1 ngày và không được nghỉ trưa, vì rất nhiều trường thiếu giáo viên. Trẻ mầm non nhỏ cần phải được chăm sóc, quan sát hướng dẫn trẻ chơi, học, ăn, ngủ nên rất vất vả. Thực tế, giáo viên ở các cấp học khác có tiết và nghỉ giữa giờ nhưng giáo viên mầm non gần như không có đặc quyền này và các giáo viên rất thiệt thòi.
Các chính sách hỗ trợ riêng không phải là ưu ái cho giáo viên mầm non, mà chính là đánh giá đúng những khó khăn, vất vả, nặng nhọc mà giáo viên mầm non đang gặp phải trong thực tiễn.
Ý kiến bạn đọc