Tiết học hứng thú
Sáng 9/10, tại Trường Tiểu học Đằng Lâm, quận Hải An, Sở GD&ĐT Hải Phòng tổ chức chuyên đề môn tiếng Anh cấp thành phố. Chuyên đề có 3 bài dạy của giáo viên đến từ 3 trường trong quận Hải An, Ngô Quyền, An Dương.
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân, Trường tiểu học Đằng Lâm, quận Hải An lên lớp cùng học sinh lớp 2A9 với bài dạy “ Unit 4: Letter Qq, Lesson 4-Part 1,2,3, bộ sách tiếng Anh 2 Phonics-Smart.
Tiết 2 là giờ lên lớp của cô giáo Hoàng Thị Lệ Diễm, Trường tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền cùng học sinh lớp 2A8, Trường Tiểu học Đằng Lâm (quận Hải An) với bài “Unit 4: Animals, Lesson 2- Task A, B, C, D, bộ sách I learn Smart Start.
Cô giáo Vũ Thị Kim Dung, Trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương lên lớp cùng học sinh lớp 2A10 của nhà trường với bài dạy “Unit 4: In the countryside, Lesson 1- Part 1,2, bộ sách của tác giả Hoàng Văn Vân.
Qua các bài dạy, giáo viên sử dụng thiết bị điện tử như: máy tính, máy chiếu, máy soi. Giáo án điện tử với những học liệu sinh động, hấp dẫn thực sự mang lại hào hứng cho học sinh.
Bài học thêm hứng thú và mang lại hiệu quả tốt khi giáo viên sử dụng ngôn ngữ hình thể với những biểu cảm tuyệt vời.
Học sinh được chủ động tiếp thu kiến thức bài dạy của cô, qua phim hoạt hình, tranh ảnh, video về hoạt động thực tế của nhà trường, địa phương.
Nhận xét về các bài dạy chuyên đề, bà Trần Thu Hằng- Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT Hải Phòng cho hay, triển khai dạy học tiếng Anh lớp 2 theo chương trình GDPT 2018, các trường tiểu học trên địa bàn TP chọn 4 bộ sách.
Các cô giáo đã lên lớp chuyên đề với 3 bài học thuộc 3 bộ sách. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, cách triển khai tiết dạy tự nhiên, sinh động, những phương pháp giảng dạy mới gần gũi thực tiễn mang lại phút học tràn đầy hứng khởi, năng lượng tích cực cho học sinh.
Hiện nay, toàn TP có trên 300 giáo viên biên chế môn học tiếng Anh trong khi có đến 230 trường tiểu học công lập. Như vậy, tính trung bình có hơn một giáo viên tiếng Anh/một trường. Hiện các trường chỉ đủ giáo viên dạy một tuần 2 tiết với các lớp 3,4,5 và thiếu giáo viên lớp 1,2.
Tình trạng thiếu giáo viên hiện nay tại Hải Phòng đang được khắc phục bằng cách đẩy mạnh những tiết tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài. Sở GD&ĐT cũng đang tính toán phương án đặt hàng đào tạo giáo viên tiếng Anh.
"Cuốn" học sinh với nhiều phương pháp sáng tạo
Nhận xét về giờ dạy, giáo viên tại điểm cầu Trường Tiểu học Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng chia sẻ, bài dạy của 3 giáo viên có ngôn ngữ hình thể rất ấn tượng. Từ cách mở đầu bài dạy đến dẫn dắt học sinh vào kiến thức trọng tâm, luyện tập lại nội dung bài học rất nhuần nhuyễn, linh hoạt. Cách dùng các video trong bài dạy vừa tiết kiệm thời gian, vừa mang hiệu quả cao.
Cô giáo Lê Thị Phúc- Trường Tiểu học Tân Trào, quận Lê Chân cho biết, bài dạy tiếng Anh chuyên đề của các cô giáo được chuẩn bị chu đáo, kỹ càng. Giờ dạy thực sự hiệu quả khi học sinh sôi nổi, tích cực. Các em được lôi cuốn vào bài dạy với nhiều hình thức tổ chức phong phú.
Bài dạy trong tiết 3, của cô giáo Vũ Thị Kim Dung, Trường Tiểu học An Đồng, huyện An Dương đã giúp học sinh phát triển kiến thức xã hội tốt khi các con thuyết minh video bằng tiếng Anh rất tự tin. Qua đó còn khơi dậy niềm tự hào về mái trường, về quê hương của các em.
Giáo viên tại điểm Trường Tiểu học An Lư, huyện Thủy Nguyên nhận xét, mỗi giáo viên với mỗi giáo trình khác nhau, phần dạy khác nhau nhưng kết quả học sinh đều nhận ra kiến thức mới. Phần hỏi đáp với nhiều mẫu câu hay, qua các trò chơi tương tác, học sinh được phát âm, rèn trọng âm ngữ điệu. Phong thái, cách thức tổ chức tiết học của giáo viên tự nhiên.
Tại điểm cầu quận Hồng Bàng, giáo viên có băn khoăn, bài dạy vẫn chú trọng phần phát triển kiến thức cho học sinh, trong khi chương trình mới hướng tới phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực. Với phần sửa lỗi phát âm, giáo viên nên ứng dụng công nghệ thông tin sửa lỗi âm bằng giọng bản ngữ, bài dạy nên dùng hoàn toàn bằng tiếng Anh và không nên Việt hóa.
Ông Vũ Văn Trà- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng nhận xét, các tiết dạy được giáo viên đầu tư tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát. Chú ý quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, phát huy quá trình tự học của học sinh. 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều được phát huy.
Qua các tiết chuyên đề càng khẳng định, SGK không phải tài liệu mang tính pháp lệnh mà là một học liệu. Việc cô giáo Hoàng Thị Lệ Diễm, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, cùng học sinh lớp 2A8, Trường Tiểu học Đằng Lâm (quận Hải An) học bài “Unit 4: Animals, Lesson 2- Task A, B, C, D, bộ sách I learn Smart Start là minh chứng cho điều đó. Bởi học sinh của Trường Tiểu học Đằng Lâm hiện đang học sách tiếng Anh 2 Phonics-Smart nhưng khi cô dạy bài học của sách I learn Smart Start, học sinh vẫn tiếp cận và tương tác tốt.