Ngày 26/4, tại TP Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’ Yim Kđoh dự và chủ trì Hội nghị; Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa đồng chủ trì.
Tham dự có đại diện lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Tính đến nay, hệ thống các trường công lập từ cấp học mầm non đến THPT của tỉnh Đắk Lắk hiện có 964 trường (565 trường học đạt chuẩn quốc gia), 1.107 điểm trường, 14.806 lớp, 194 nhóm với 434.821 học sinh, trong đó có 156.621 học sinh dân tộc thiểu số (DTTS).
Về đội nghũ, hiện toàn tỉnh có 32.767 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (CBQLGVNV). 100% CBQLGV đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó 64,1% đạt trên chuẩn.
Về cơ sở vật chất, toàn tỉnh hiện có 16.793 phòng học, trong đó 10.870 phòng học kiên cố, đạt tỉ lệ 64,73%. Về cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trên địa bàn. Không còn tình trạng phải học 03 ca/ngày.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã sáp nhập được 42 trường, gồm 7 trường mầm non, 35 trường tiểu học, đạt 68,85% so với kế hoạch của Đề án. Đã xóa bỏ được 196 điểm trường, trong đó: mầm non 128 điểm, tiểu học 67 điểm và THCS là 1 điểm, đạt 106,52% so với kế hoạch.
Việc thực hiện Đề án đã nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn cơ sở giáo dục được sáp nhập, xóa bỏ; bảo đảm tính kế thừa và phát triển bền vững; giữ vững tính ổn định về mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục đào tạo và bảo đảm nhu cầu học tập của người dân, cơ bản phù hợp với điều kiện thực tế; bảo đảm tính công bằng, bình đẳng và tiết kiệm ngân sách Nhà nước và nhân dân.
Theo Đề án, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Đề án. Trong đó, có những khó khăn, hạn chế mang tính chất phổ biến như: sáp nhập trường giảm bớt số trường nhưng tăng điểm trường; sáp nhập trường có quy mô nhỏ vào trường có điều kiện thuận lợi hơn ít nhiều đã ảnh hưởng đến kết quả trường đạt chuẩn quốc gia; sáp nhập điểm trường vào trường chính làm tăng tỷ lệ học sinh mỗi lớp…
Các đại biểu cũng đề xuất, thời gian tới việc thực hiện Đề án cần phải bảo đảm tính khoa học, linh hoạt và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ… góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống và thoát nghèo một cách bền vững.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh nhấn mạnh, giáo dục là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do đó, các ngành, chính quyền địa phương các cấp phải quan tâm đầu tư, triển khai Đề án một cách đồng bộ, hiệu quả; trong quá trình sắp xếp phải thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền cho phụ huynh và công tác nhân sự để bảo đảm quyền và lợi ích của cán bộ, giáo viên, nhân viên…
Còn theo Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa, việc sáp nhập phải ưu tiên quyền lợi người học, tránh tình trạng máy móc, cơ học gây khó khăn cho học sinh. Nếu 1 điểm mà cách trường chính 15km trở lên, thì không nên xoá, vì các em đi học sẽ rất khó khăn. Khi sáp nhập rồi, phải coi trọng nâng cao chất lượng dạy học. Mục tiêu sắp tới, sáp nhập các trường, điểm trường dưới 10 lớp, nhưng cũng phải tính toán phù hợp và đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình GDPT 2018.
Cũng tại Hội nghị, UBND tỉnh đã giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu cho Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh có cơ chế phù hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án. Trong đó, cần ưu tiên đầu tư vốn cho khu vực khó khăn để nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Phương châm, “ở đâu có dân, ở đó có giáo dục, có trường lớp, có thầy cô giáo”.