Triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), ngành đã ban hành đồng bộ các văn bản tạo điều kiện thông thoáng cho tuyển sinh học nghề, đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về học nghề gắn với việc làm.
Thay đổi từ tuyển sinh sang tuyển dụng
Thứ trưởng Lê Quân cho biết: Triển khai Luật GDNN, tập trung vào GDNN gắn với thị trường lao động, người học ra trường có việc làm, năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành một khối lượng lớn và đồng bộ các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý Nhà nước về GDNN, được đánh giá là khá tốt và thông thoáng, tạo nhiều chuyển biến tích cực.
Sau nhiều năm tuyển sinh GDNN chỉ đạt 40 - 60% so với kế hoạch đề ra, xã hội gần như bỏ quên việc đi vào học nghề, thì đến năm 2017, đã có nhiều chuyển biến tích cực, lần đầu tiên kết quả tuyển sinh học nghề đã đạt 100,2%, với hơn 2 triệu người học nghề. Chỉ tiêu học CĐ, TC đạt gần 600 nghìn người. Trong 6 tháng đầu năm 2018, lần đầu tiên đã đạt 48% chỉ tiêu.
Thực hiện phân luồng sớm, GDNN đã không còn bám theo thi tốt nghiệp phổ thông mà xét tuyển quanh năm, thay đổi từ thi tuyển sang chọn nghề - từ tuyển sinh sang tuyển dụng. Người học được lựa chọn những ngành nghề phù hợp với bản thân, trên cơ sở nhu cầu của thị trường lao động. Các trường tuyển sinh khi xác định rõ học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ làm ở đâu, thu nhập thế nào...
Thực hiện phân luồng đang là tín hiệu mừng. Năm 2017 đạt xấp xỉ 12%, năm 2018 được kỳ vọng hơn khi đang đẩy mạnh mô hình phân luồng 9 + 3 hết lớp 9 các em học sinh vào học trung cấp, khi có bằng trung cấp nghề, các em có thể đi làm ngay tại các khu kinh tế, khu công nghiệp ở địa phương hoặc vẫn có thể học liên thông thực hiện theo khung trình độ quốc gia. Phối hợp với Bộ GD&ĐT nâng độ khó của đề thi tạo sự phân hóa cao, năm 2018 mục tiêu phân luồng vào học nghề có thể đạt được từ 15 - 20%.
Nhận thức mới về học nghề
Người dân đã coi trọng và quan tâm đến việc học nghề xong sẽ làm việc ở đâu hơn là thi đỗ vào trường nào. Tại một số địa phương, các trường cao đẳng nghề đã tuyển sinh rất tốt. Lấy ví dụ về tỉnh Hà Giang là một địa phương còn rất khó khăn.
Thứ trưởng Lê Quân cho biết, trước đây GDNN Hà Giang gần như không tuyển sinh được, nay quy hoạch lại 4 trường nghề gộp lại thành 1 trường, năm 2017 đã tuyển được khoảng gần 1.000 học sinh, sinh viên, năm nay cũng đã được khoảng 800 em, trong khi tổng số học sinh tốt nghiệp phổ thông của Hà Giang chỉ khoảng 5.000 em. Ở Hà Giang, đối tượng tuyển sinh là con em người dân tộc vào học nghề trung cấp hoặc đào tạo ngắn hạn sau đó đi làm, bởi nhu cầu nhân lực tại địa phương là rất lớn. Các em đi làm có thu nhập bình quân khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Nhận thức của xã hội về học nghề đã được nâng lên, từ chỗ không có người học cho đến nay một số trường CĐ đã xuất hiện tình trạng quá tải. Đây là một thực tế đáng mừng về nhận thức của xã hội đối với học nghề. Có nhiều nghề hiện nay, nếu không hợp tác với trường nghề thì không tuyển dụng được. Cụ thể như các nhóm nghề trong lĩnh vực du lịch, khách sạn...
Doanh nghiệp có thể tuyển dụng nhân sự có trình độ đại học khá dễ dàng, nhưng lương chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng bởi trình độ chuyên môn không phù hợp. Trong khi đó tuyển một nhân sự tốt nghiệp trường nghề, chuyên ngành pha chế, nấu ăn là rất khó khăn, mặc dù sẵn sàng trả mức lương từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Các trường CĐ nghề du lịch hiện nay đã tuyển sinh và đào tạo ở mức tối đa, với quy mô tăng lên đến gần 200% so với trước đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.