Học phí và câu chuyện “công khai, minh bạch”

Thứ bảy - 08/05/2021 20:00 601 0
GD&TĐ - Công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học, cấp học, khóa học… là trách nhiệm của mọi cơ sở giáo dục đại học.
Học phí và câu chuyện “công khai, minh bạch”

Công khai học phí là bắt buộc

Với cơ sở giáo dục đại học, Điều 65 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định: Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học. Nhà trường có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng khẳng định: Công khai học phí, lộ trình học phí là bắt buộc với cơ sở giáo dục. Ngoài công khai học phí, cơ sở giáo dục phải công khai các điều kiện học tập, bảo đảm chất lượng giáo dục, là cơ sở để phụ huynh, học sinh cân nhắc lựa chọn theo học.

“Công khai, nghiêm túc thực hiện theo công khai càng quan trọng hơn khi chúng ta là người làm giáo dục, lời nói và việc làm phải song hành. Đó không chỉ là uy tín của nhà trường, mà còn là uy tín của người làm giáo dục, người thầy của học trò”. Nhấn mạnh điều này, ông Nguyễn Vinh San cho biết: Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng thực hiện thu học phí theo đúng Nghị định 86/2015/NĐ-CP và quy định của Đại học Đà Nẵng. Năm 2021, các trường đại học được phép tự xác định mức học phí phù hợp với Luật Giá 2012, Luật Phí và Lệ phí 2015, tuy nhiên, Đại học Đà Nẵng vẫn giữ nguyên mức học phí như năm 2020 nhằm hỗ trợ sinh viên do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Với Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), học phí các ngành đào tạo giáo viên được hỗ trợ theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP. Học phí các ngành ngoài sư phạm những năm tiếp theo sẽ được xác định lại trên cơ sở học phí của năm 2021 và dự kiến tăng không quá 10%. Công khai học phí, điều kiện bảo đảm chất lượng nằm trong trách nhiệm giải trình xã hội của trường đại học, Hội đồng trường đại học. Khi tăng học phí, các trường phải giải trình được với xã hội, người học về lí do và cơ sở tăng. Dĩ nhiên, trong đó bắt buộc phải tăng điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo”, ông Nguyễn Vinh San chia sẻ.

Liên quan đến nội dung này, ông Phan Văn Nhẫn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho rằng: Công khai học phí và lộ trình tăng là nguyên tắc của thị trường; thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với dịch vụ đào tạo. Người học, xã hội phải được biết để xem có thể chấp nhận khoản học phí và chất lượng đào tạo đó hay không. Cần có chế tài với trường không công khai học phí. Hình thức, mức độ cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. 

Học phí và câu chuyện “công khai, minh bạch” - Ảnh minh hoạ 2
Sinh viên y dược quan tâm đến mức học phí của từng ngành.

3 tác động tích cực

Theo ông Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc cơ sở giáo dục đại học công khai học phí, các chính sách liên quan đến học phí của người học dẫn đến 3 tác động tích cực về mặt xã hội.

Thứ nhất là cam kết trách nhiệm với xã hội (trong đó có cả người học). Có thể hiểu nôm na học phí là “cái giá” người học phải trả cho “giá thành” của tổng sản phẩm, dịch vụ kèm theo mà cơ sở giáo dục đại học cung cấp. Tuy nhiên, đây là “hàng hóa” đặc biệt nên không thể áp dụng máy móc các phương pháp tính giá thành phổ biến trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đơn thuần. Hơn nữa, càng không phải mối quan hệ “mua - bán”, “cung - cầu” thuần túy, nên bóc tách để “định giá” càng khó khăn.

Với công khai học phí, cơ sở giáo dục đại học không chỉ thực hiện khía cạnh công khai, minh bạch, giúp người học có cơ hội lựa chọn, cân nhắc để quyết định, tạo ra sự đồng thuận xã hội ngay từ đầu, mà còn thể hiện sự cam kết đóng góp trách nhiệm của mình trong quá trình đào tạo. Sự đa dạng trong phân tầng các mức học phí, chính sách kèm theo (theo chương trình, loại hình đào tạo, lộ trình thực hiện…) cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm, chia sẻ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học.

Tác động tích cực thứ hai được ông Tôn Quang Cường phân tích là cam kết chất lượng.

Nhiều ý kiến cho rằng, học phí cao mới bảo đảm được chất lượng đào tạo. Nhưng điều này mới chỉ phản ánh một vế của vấn đề. Trong bối cảnh tự chủ đại học đã xuất hiện những trường hợp với mức học phí hợp lí nhưng nhà trường vẫn cho ra sản phẩm đào tạo chất lượng, được xã hội thừa nhận.

Trạng thái “hợp lí” của học phí không liên quan đến khái niệm “cao” hay “thấp” mà gắn chặt với những cam kết chất lượng của nhà trường. Việc tính toán mức học phí “hợp lí” cần dựa trên sự cân đối giữa bài toán chi phí, chất lượng của mỗi cơ sở đào tạo, hướng đến sự chấp nhận của xã hội và hài lòng của người học trên cơ sở bảo đảm chất lượng mà nhà trường đã cam kết với xã hội.

Thứ ba là cam kết về sự bền vững, kiên định trong phát triển nhà trường. Theo ông Tôn Quang Cường, học phí “hợp lí” gắn với những cam kết trách nhiệm xã hội, chất lượng của cơ sở đào tạo sẽ tạo ra sự ổn định bên trong, bên ngoài nhà trường. Học phí, chính sách học phí đa dạng, phù hợp không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người học, mà còn thể hiện sự cam kết cùng đồng hành với họ trong hoạt động đào tạo, tuyển dụng việc làm.

Việc tăng hoặc giảm học phí trước hết cần bám sát quy định hiện hành; được cân nhắc trên bối cảnh, điều kiện, định hướng phát triển riêng của từng cơ sở và phải có lộ trình công khai, bảo đảm tính ổn định tương đối về mặt xã hội. Nên bóc tách học phí thành 2 hạng mục: Cơ bản/“học phí ròng” (mức đóng góp bắt buộc và tối thiểu để bảo đảm chất lượng đào tạo) và lựa chọn/“chi phí” (linh hoạt, tùy biến, nhiều lựa chọn giá trị gia tăng… cho người học).

Nhà trường cũng nên công khai minh bạch 2 nội dung “học phí” và “chi phí đào tạo”. Đồng thời, công khai các chính sách liên quan đến học phí, như: Chính sách xã hội, công bằng trong tiếp cận, cho vay ưu đãi, thu hút đầu tư hỗ trợ học phí, học bổng, cơ hội việc làm trong khi học... Việc đa dạng hóa các chính sách về học phí, phương thức chi trả học phí cũng là điều cần xem xét trong bối cảnh tự chủ đại học. - Ông Tôn Quang Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1429 | lượt tải:312

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1148 | lượt tải:302

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2459 | lượt tải:391

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2938 | lượt tải:490

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2253 | lượt tải:339
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập177
  • Hôm nay9,600
  • Tháng hiện tại476,355
  • Tổng lượt truy cập51,832,314
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944