Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM trình bày báo cáo tổng kết về kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt giai đoạn 2020-2024.
Năm 2024, kỳ thi mở rộng quy mô lên 5 đợt và mở rộng địa điểm tổ chức ở Long An, Gia Lai và Đà Nẵng.
Sau 5 ngày mở cổng đăng ký, tỷ lệ thí sinh ở điểm thi TPHCM và Long An đạt trên 80%. Tổng số lượt thí sinh tham gia cả 5 đợt của năm 2024 đạt 8.540.
Ông Trung cho biết, theo đánh giá sơ bộ, nhóm thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT kết hợp thi đánh giá năng lực chuyên biệt có kết quả học tập tốt hơn so với nhóm thí sinh xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT.
"Đây vừa là động lực vừa là tiền đề để xây dựng phương án tuyển sinh độc lập thông qua kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt từ năm 2025 trở đi", ông Trung nói.
Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt kết hợp với kết quả học tập THPT được xem là một phương thức tuyển sinh mới của Trường Đại học Sư phạm TPHCM từ năm 2022.
Kỳ thi được xây dựng đề án từ năm 2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, kỳ thi chính thức được tổ chức một đợt thi vào năm 2022 với 1.972 lượt thí sinh tham gia.
Năm 2023, kỳ thi đã nâng lên thành hai đợt và tổ chức tại cơ sở chính của Trường Đại học Sư phạm TPHCM với 4.362 lượt thí sinh tham gia.
Tỷ trọng của phương thức này từ năm 2022 đến năm 2023 đã tăng từ 20% lên 30%, có những ngành tăng lên 50% vào năm 2024.
Bên cạnh đó, số ngành sử dụng phương thức này cũng tăng từ 19 ngành năm 2022 lên đến 28 ngành trong năm 2023 (tăng 47,3%) và 31 ngành cho năm 2024 (tiếp tục tăng 10,7%).
Theo ông Trung, điều này cho thấy sự đổi mới trong công tác tuyển sinh của nhà trường và kết quả đánh giá năng lực đã được sự đồng ý của các khoa khi sử dụng phương thức xét tuyển này.
Bên cạnh đó, kỳ thi từng bước được được sự quan tâm của học sinh và phụ huynh ở TPHCM cùng nhiều tỉnh thành.
Sau buổi tổng kết, GS.TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM đánh giá cao sự phối hợp, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, tiếp cận khảo thí hiện đại góp phần khẳng định giá trị, chất lượng và độ tin cậy của kỳ thi đối với tổ công tác và các đơn vị chức năng trong trường.
Kỳ thi đã đáp ứng được mục tiêu của nhà trường trong việc đổi mới công tác tuyển sinh, mang lại nhiều thuận lợi và cơ hội cho cả các thí sinh và các khoa đào tạo trong nhà trường.
Kết quả thực hiện cũng cho thấy thông qua phương thức này, bước đầu nhà trường đã tuyển được các em có năng lực phù hợp với các ngành học, có kết quả học tập những năm đầu đạt kết quả tốt.
Theo GS.TS. Huỳnh Văn Sơn, những đánh giá, tổng kết của tổ công tác cũng đã chỉ rõ những nội dung cần phát triển, cải tiến, hoàn thiện trong công tác chuẩn bị và triển khai Kỳ thi.
"Đề nghị tổ công tác và các đơn vị tiếp tục cải tiến, nghiên cứu, phát triển, lắng nghe những ý kiến phản hồi từ các bên liên quan và chuẩn bị tốt nhất để triển khai tiếp tục cho những năm tiếp theo", GS Sơn nói.
Ý kiến bạn đọc