Sau bữa cơm tối, hàng trăm em học sinh lớp 12 Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An (đóng tại xã Nghi Ân, TP Vinh, Nghệ An) lại rủ nhau vào thư viện, lớp học hoặc ghế đá… để ôn bài, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Năm nay, ngôi trường này có 230 học sinh dự thi tốt nghiệp. Đây cũng là quãng thời gian “chạy nước rút” trước khi bước vào kỳ thi quan trọng này. Trong phòng học, các thầy cô giáo cũng tự nguyện đứng lớp, trang bị thêm kiến thức cho học sinh của mình.
Đang cùng các bạn ôn bài, em Quang Thị Ly (trú tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết, em đang cố gắng tranh thủ quãng thời gian quan trọng này để hệ thống lại các kiến thức đã được học. Các thầy, cô trong trường cũng không quản vất vả, ban đêm đến lớp giúp học sinh bổ sung những phần kiến thức quan trọng. Nhờ vậy, Ly cùng các bạn rất tự tin bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới.
Ly cho biết, em dự kiến xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Nữ sinh này mong muốn trở thành một giáo viên để giúp đỡ các em học sinh vùng cao ở quê mình có được tương lai tương sáng hơn.
Các em học sinh chia thành nhóm nhỏ để ôn thi. Ảnh: Phạm Tâm |
Trong khi đó, em Lô Thị Kim Ngoan (trú tại xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An) cho biết, dịp này ở thành phố Vinh đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt, nên sân trường là nơi lý tưởng nhất để em tìm đến ôn tập cùng nhóm bạn vào buổi tối. Mỗi nhóm từ 3-4 học sinh ra ghế đá luyện giải đề thi, vừa hỗ trợ nhau những câu khó.
“Nhờ học nhóm nên chúng em có thể giúp đỡ nhau nhiều hơn. Ai cũng quyết tâm vượt qua kỳ thi sắp tới với một thành tích tốt nhất, không phụ sự tin tưởng và công sức của thầy cô trong trường”, em Ngoan tâm sự.
Trên bục giảng, các thầy cô giáo tận tình giảng bài. Học sinh có những thắc mắc gì đều có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên. Những phần kiến thức còn chưa hiểu, chưa nắm kỹ học sinh cũng có thể yêu cầu giáo viên giảng giải thêm. Những học sinh có lực học tốt có thể chia sẻ kiến thức với các bạn khác qua các nhóm tự học.
Cô giáo Lê Sa - giáo viên Tiếng Anh cho biết, học sinh dân tộc thiểu số chịu nhiều thiệt thòi hơn so với học sinh các trường khác khi không có điều kiện học thêm. Đặc biệt là với môn Tiếng Anh, thế nên vào buổi tối cô Sa lại tranh thủ thời gian đến phụ đạo thêm cho các em.
“Ý thức học tập của các em rất tốt. Chúng tôi rất trân trọng những nỗ lực của các em. Đây cũng là quãng thời gian rất quan trọng nên giáo viên nào cũng muốn trang bị cho các em vốn kiến thức tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi", cô Lê Sa chia sẻ.
Nhiều phòng học, mặc dù không có giáo viên đứng lớp nhưng các em vẫn tự học rất nghiêm túc. Một số em học sinh mang bóng đèn tích điện ra ghế đá ở những khoảng sân rộng, mát để cùng nhau ôn bài, giải đề thi. Tất cả đều dốc toàn lực ôn thi quyết vượt qua chính bản thân mình để đạt được thành tích cao trong kỳ thi quan trọng sắp tới.
Các em học sinh quyết tâm giành điểm cao trong kỳ thi sắp tới. Ảnh: Phạm Tâm |
Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An có hơn 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện miền núi khó khăn trong tỉnh. Đây cũng là ngôi trường nhiều năm liền có điểm thi tốt nghiệp THPT rất cao, xếp thứ 2 trong tỉnh Nghệ An.
Năm 2023, trường cũng có 100% học sinh đỗ vào các trường đại học với điểm xét tuyển cao. Đặc biệt có 7 em được vinh danh điểm cao thuộc top trong tỉnh.
Để tạo được những kỳ tích trên là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể giáo viên và học sinh nơi đây. Với điều kiện ăn, ở, học tập nội trú, cùng những nguyên tắc riêng tạo nên nề nếp học tập rất cao.
Cô giáo Đậu Thị Quỳnh Mai – Hiệu phó Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An cho biết, các em từ những vùng khó khăn, điều kiện học tập cũng không bằng các bạn ở nơi khác. Vì thế, ngay từ khi khăn gói xuống trường, đều được thầy cô hỗ trợ từ những việc nhỏ nhặt nhất.
Trong những tuần đầu tiên, giáo viên phải nắm bắt được lực học của từng học sinh trong lớp để có phương pháp riêng cho từng nhóm học sinh. Bên cạnh đó, khuyến khích, động viên, xây dựng cho các em ý thức học tập.
Giáo viên tận tình hướng dẫn, ôn bài cho học sinh. Ảnh: Phạm Tâm |
Điều đặc biệt, học sinh nơi đây đều nói không với điện thoại. Nếu cần liên lạc với gia đình đều thông qua điện thoại tại căng tin của nhà trường. Giờ giấc sinh hoạt, học tập cũng được quy định rõ.
“Kết quả này phần nào thể hiện rằng học sinh con em dân tộc thiểu số không phải học yếu mà cơ bản phương pháp giáo dục mới là điều quan trọng. Qua đó cho thấy, công tác chuyên môn, phương thức đào tạo của nhà trường đang triển khai là đúng đắn”, cô Mai chia sẻ.
Đêm về khuya, những ánh đèn vẫn sáng nơi cửa phòng, hàng ghế đá. Các cô trò vẫn miệt mài bên trang sách. Tất cả đang "chạy nước rút" trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, với hy vọng tạo nên những kỳ tích mới.
Ý kiến bạn đọc