Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, khiến việc ôn thi bị ảnh hưởng không nhỏ.
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, có nơi ghi nhận nhiệt độ ngoài trời hơn 40 độ C.
Cô Hà Thị Thu - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa) cho biết, đặc thù trường 2 cấp, nằm ở vùng khó khăn của huyện, gồm 6 xã: Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Niêm, Cổ Lũng và Lũng Cao. Do đó, nhiều học sinh phải di chuyển trên những cung đường khá xa dưới thời tiết nắng nóng để ôn thi nên ảnh hưởng sức khỏe.
“Do thiếu định biên, giáo viên phải sắp xếp thời gian phù hợp để ôn thi cho học sinh vào các buổi chiều trong tuần. Thời tiết nắng nóng càng khiến công tác ôn tập thêm vất vả cho cả thầy lẫn trò. Vì vậy, ban giám hiệu thường xuyên động viên thầy, cô và học sinh cùng nhau cố gắng để vượt qua những ngày nắng đổ lửa”, cô Thu cho hay.
Tương tự, Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) dành hẳn phòng Hội đồng để bố trí 2 ca ôn tập cho học sinh. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Trần Thị Minh Huệ: “Đây là phòng duy nhất có điều hòa nhiệt độ nên nhà trường ưu tiên bố trí cho lớp ôn tập có sĩ số học sinh đông. Hiện, 10 và 11 đã nghỉ hè nên khi sắp xếp phòng học, ban giám hiệu lưu ý tránh dãy phòng học bị chiếu nắng. Vì vậy, học sinh cần để ý lịch học để tránh nhầm phòng. Nhà trường kéo dài thời gian ôn tập tại trường đến hết ngày 24/6, các tiết học tập trung vào buổi sáng để giảm bớt nắng nóng cho học sinh”.
Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) tổ chức ôn theo nhóm năng lực học sinh từ ngày 25/5. Buổi chiều thứ 6 hằng tuần, giáo viên tổ chức lớp ôn tập nâng cao cho học sinh có nguyện vọng xét tuyển sinh đại học. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Đạo, sức khỏe của học sinh và giáo viên rất quan trọng. Do đó, nhà trường phải linh động điều chỉnh thời gian biểu giúp thầy, trò tránh nắng nóng, đảm bảo sức khỏe bước vào kỳ thi sắp tới.
Trường THPT Quan Sơn đã điều chỉnh lịch ôn để phù hợp với tình hình thời tiết. Cụ thể: Buổi sáng, giờ vào lớp đẩy lên sớm để 10 giờ - 10 giờ 30 phút học sinh có thể nghỉ. Buổi chiều, các lớp vào ôn muộn hơn so với lịch học bình thường. Nhà trường mở cửa phòng học và khuyến khích học sinh nhà ở xa nghỉ lại trưa tại trường để đảm bảo sức khỏe.
Tại Quảng Trị, Trường THPT Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) mở cửa một số phòng học từ 19 giờ - 21 giờ 30 phút để những học sinh ở trọ xung quanh khu vực trường vào tự ôn tập buổi tối.
Chia sẻ thông tin, thầy Nguyễn Hữu Thịnh - Hiệu trưởng nhà trường đồng thời cho hay: “Trường có một số học sinh phải ở trọ xa nhà. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, các em ở chung 3 - 5 người/phòng nên chật và ít không gian học tập. Vì vậy, nhà trường mở phòng học để học sinh vào tự học buổi tối có sự quản lý của thầy cô giáo; giúp các em có không gian thoáng mát, tập trung tốt hơn việc ôn thi”.
Trường THPT Bá Thước điều chỉnh thời gian ôn tập để tránh nắng nóng cho giáo viên và học sinh. Ảnh: Thế Lượng |
Để thực hiện mục tiêu đỗ tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trần Minh Quân - học sinh Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang tất bật với lịch học tại trường và luyện thi tại các trung tâm để củng cố kiến thức.
“Chỉ còn ít ngày nữa Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra. Mỗi ngày, em chỉ có 4 - 5 tiếng để ngủ, thời gian còn lại tập trung ôn luyện. Lịch học kín mít, cộng thêm thời tiết oi bức, nắng nóng khiến bản thân luôn cảm thấy mệt mỏi”, Minh Quân chia sẻ.
Là thí sinh tự do tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Nguyễn Mạnh Đức trú tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: Năm trước em thiếu chút điểm để trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội nên năm nay quyết định thi lại. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là kỳ thi cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006. Đây là lý do Nguyễn Mạnh Đức đăng ký tham dự kỳ thi năm nay với quyết tâm cao nhất để đỗ đại học mong muốn. Dù thời tiết nắng nóng, quãng đường đi học thêm vất vả nhưng đây là cơ hội để em đạt mục tiêu đề ra.
Để giúp học sinh vững tâm bước vào kỳ thi, các thầy cô Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đồng hành với các em đến những ngày ôn tập cuối cùng. Cô Bùi Thùy Linh - Phó Hiệu trưởng chia sẻ: Dù thời tiết nắng nóng nhưng các lớp ôn thi tiếp tục mở nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức, có kinh nghiệm làm bài thi, đồng thời hướng dẫn các em chấp hành nghiêm quy chế thi.
Thầy Dương Hai Bảy Mươi - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Với hơn 600 học sinh lớp 12 sẽ tham gia kỳ thi sắp tới, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ ôn tập, tăng cường thông tin, giải đáp những vấn đề liên quan đến kỳ thi, các thầy cô sẽ đồng hành cùng các em đến sát ngày thi.
Cùng với nhắc nhở học sinh ghi nhớ điểm mới trong quy chế, nhất là danh sách các vật dụng cấm mang vào phòng thi, nhà trường cũng khuyến cáo, nếu mang theo vật dụng cấm sẽ bị đình chỉ thi, đồng nghĩa hủy kết quả thi, không đủ điều kiện xét tốt nghiệp và mất cơ hội xét tuyển vào đại học.
Trường THPT Minh Long (huyện Minh Long, Quảng Ngãi) có 28 thí sinh tự do. Thầy Hiệu trưởng Lê Ngọc Đức cho biết: “Nhà trường đã thông báo lịch ôn tập để các em có nhu cầu đăng ký theo học. Đây là những lớp ôn tập miễn phí nên thí sinh tự do có quyền lợi như học sinh của nhà trường. Các em được chọn lớp vào học. Giáo viên chủ nhiệm sẽ đưa vào nhóm lớp để nhận tài liệu ôn tập, cập nhật kịp thời các thông báo liên quan đến kỳ thi…”.
Năm nay, Trường THPT Quan Sơn có 20 thí sinh tự do đăng ký dự thi. Nhằm hỗ trợ tối đa, nhà trường đã thông báo đến các em lịch ôn thi của trường. Nếu muốn ôn thi ở trường, các em đăng ký và được xếp lớp với học sinh khối 12.
Trường THPT Hướng Phùng lên kế hoạch trước ngày ôn tập cuối cùng, sẽ phổ biến quy chế thi cho toàn bộ học sinh. Thầy Nguyễn Hữu Thịnh cho biết: “Ngoài phổ biến quy chế thi, các thầy cô sẽ rà soát lại một số dụng cụ thí sinh được mang vào phòng thi như Atlat, máy tính cầm tay… Với những Atlat có chữ viết của học sinh trong quá trình sử dụng trước đó, thầy cô sẽ nhắc nhở các em thay thế Atlat mới.
Nhà trường đã chuẩn bị một số máy tính cầm tay do thầy cô mượn của học sinh khóa dưới. Những em đang sử dụng máy tính cầm tay không hợp lệ, sẽ được mượn từ số máy tính dự phòng để sử dụng trong buổi thi môn Toán. Nhà trường cũng thống kê số lượng thí sinh có Atlat không hợp lệ để chuyển cho Đoàn thanh niên nhằm dự phòng một số lượng Atlat mới, trang bị cho thí sinh đầu buổi thi tổ hợp môn Khoa học xã hội”.
Trước đó, từ đầu năm học, Trường THTP Hướng Phùng đã khảo sát điều kiện học tập của học sinh khối 12. Với những em chưa có máy tính cầm tay, sẽ được mượn tại thư viện để sử dụng trong cả năm học. Đầu tháng 5, khi bước vào giai đoạn ôn tập cao điểm, nhà trường thu hồi máy để kiểm tra sửa chữa, thay pin rồi cho học sinh mượn lại. “Nếu học sinh thành thạo kỹ năng sử dụng máy tính cầm tay thì có thể giải quyết khoảng 7 câu hỏi trong đề thi. Đây cũng là cách để chống trượt và nâng tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của nhà trường”, thầy Thịnh thông tin.
Trường THPT số 1 Nghĩa Hành (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) dự kiến tổ chức cho thí sinh thi thử lần 2 trong khoảng thời gian từ ngày 19 - 21/6. Dù thi thử nhưng trường tổ chức quy trình như kỳ thi thật, từ cấu trúc, ma trận đề đến giờ giấc, đánh số báo danh… Điều này vừa giúp thí sinh làm quen với không khí, áp lực phòng thi, vừa rà soát lại kiến thức trong thời gian ôn tập vừa qua.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006, lại là kỳ thi có ý nghĩa “2 trong 1”, kết quả kỳ thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa được nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tuyển sinh. Từ thực tế này, Ban Chỉ đạo thi các cấp và nhà trường đều đặc biệt quan tâm phổ biến quy chế thi và triển khai phương án phòng ngừa các hành vi gian lận để bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, thực chất.
Tác giả bài viết: Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc