Không còn “mưa” điểm 10
Nhận định của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, kết quả các môn thi năm nay đều có điểm trung bình tăng lên so với năm ngoái, trong khi số điểm 10 không nhiều. Trừ môn Giáo dục công dân có điểm trung bình cao và điểm 10 nhiều hơn một chút.
Lý giải điều này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành phân tích”: Đề thi THPT quốc gia năm 2019 bảo đảm đúng ma trận (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao); bám sát chuẩn kiễn thức, kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông.
Các câu hỏi “nhận biết” và “thông hiểu” bảo đảm cho học sinh trung bình có thể hoàn thành; vì thế đại đa số các môn có điểm trung bình trên 5 điểm.
Các câu hỏi “vận dụng” và “vận dụng cao” hướng tới đánh giá năng lực học sinh, không lắt léo hay yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc kiến thức, đòi hỏi học sinh phải có năng lực thực sự mới làm được.
Số điểm 10 không nhiều, cho thấy đề thi đã bảo đảm độ phân hoá tốt cho tuyển sinh. Điều này chứng tỏ số học sinh có thể “cán đích” là đúng với “sức” của các em, không có tình trạng nhiều học sinh giỏi “về đích” sớm phải “ngồi chờ” các bạn khác (không giỏi bằng) cuối giờ cũng cán đích.
Trung bình điểm tiếng Anh, Lịch sử tăng nhẹ
Đối với môn Tiếng Anh, tuy điểm trung bình đã tăng hơn năm ngoái nhưng vẫn dưới 5 điểm cho thấy “mặt bằng” chung đã được cải thiện. Đề thi đúng ma trận, bảo đảm phân hoá, ít điểm 10 và kết quả đã phản ánh đúng thực tế. Với Ngoại ngữ cần có quá trình nên không dễ có “đột biến”. Tuy nhiên số học sinh có điểm trên 5 chưa tới 40%.
Điều này, theo PGS Nguyễn Xuân Thành, có thể lý giải là môn Tiếng Anh còn có sự chênh lệch vùng - miền lớn. Các vùng khó khăn, điều kiện thực hành Tiếng Anh còn hạn chế dẫn tới kết quả chưa theo kịp. Trong khi đó, ở các thành phố lớn, gia đình có điều kiện đầu tư hơn, học sinh có động lực hơn nên giỏi hơn.
Đối với môn Lịch sử, điểm trung bình tăng cho thấy chất lượng dạy học Lịch sử đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do đặc thù nên ít nhiều đòi hỏi học sinh phải nhớ được “sự kiện” lịch sử, dẫn tới chưa nhiều học sinh đạt trên 5 điểm.
“Kết quả thi cũng cho thấy việc học Lịch sử của học sinh còn hạn chế, đòi hỏi phải có sự đổi mới mạnh mẽ hơn về phương pháp và hình thức dạy học môn Lịch sử.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã quán triệt vấn đề này, tăng cường các hình thức dạy học Lịch sử thiết thực, hấp dẫn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, trải nghiệm thực tiễn, học tại di sản...” – PGS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Tín hiệu mừng từ điểm thi môn Giáo dục công dân
Môn Giáo dục công dân có điểm trung bình cao trên 7 điểm và hơi nhiều điểm 10. PGS Nguyễn Xuân Thành cho rằng, điều này phản ánh đúng tác động của những chỉ đạo gần đây của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong nhà trường; Phòng, chống bạo lực học đường... Giáo viên, học sinh có nhu cầu tự thân và chủ động hơn trong việc tìm hiểu pháp luật.
Mặt khác, qua 2 năm thi, với các Đề thi minh hoạ, tham khảo, chính thức có nhiều “tình huống” trong các câu hỏi “vận dụng” đã tạo cơ hội cho học sinh được “luyện tập” vận dụng kiến thức (pháp luật) học trong chương trình để giải quyết; giúp HS có kiến thức chắc chắn (chứ không chỉ ghi nhớ).
Đây có thể nói là một điểm tích cực, đáng mừng, cần tiếp tục đẩy mạnh để xây dựng văn hoá nhà trường và phòng, chống bạo lực học đường từ gốc.