Công bố kết quả thực nghiệm chương trình mới
Thông tin chi tiết về kết quả thực nghiệm và khảo sát ý kiến giáo viên, cán bộ quản lí về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Tổng Chủ biên, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ với báo chí chiều 3/5. Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý của nhiều trường được chọn thực nghiệm cũng có mặt, giải đáp câu hỏi của báo giới xung quanh hoạt động thực nghiệm chương trình.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, phạm vi thực nghiệm là một số trường phổ thông thuộc 6 tỉnh, thành phố là Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ đại diện 6 vùng KT-XH trên phạm vi cả nước. Mỗi tỉnh chọn 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 2 trường THPT đại diện cho các địa bàn phát triển khác nhau.
Thực hiện các bài học thực nghiệm là 528 giáo viên tiểu học, 602 giáo viên THCS và 352 giáo viên THPT, tổng cộng 1.482 người. Có những giờ dạy được đánh giá là rất thành công, nhưng cũng có bài dạy chưa thành công. Tuy nhiên, đây đều là bài học hữu ích để hoàn thiện chương trình từng môn học và hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông.
Ban Phát triển các chương trình môn học, giáo viên và cán bộ quản lí các trường tham gia thực nghiệm đều đánh giá cao ưu điểm và triển vọng của chương trình giáo dục phổ thông mới ở việc xác định đúng các phẩm chất và năng lực mà môn học hình thành, phát triển cho học sinh; phần lớn bài học thực nghiệm đã xác định đúng những yêu cầu cần đạt ở mỗi bài học; chú trọng tổ chức các hoạt động học tập, tương tác của học sinh.
Tuy nhiên, một số yêu cầu cần đạt còn cao so với trình độ của học sinh; nội dung một số bài thực nghiệm tương đối khó; một số bài vẫn còn nặng về trang bị kiến thức; dung lượng của một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học. Việc bố trí nhiều đơn vị kiến thức trong một bài học không tạo điều kiện cho học sinh thực hiện các hoạt động khám phá, luyện tập và vận dụng kiến thức vào đời sống.
GS Trương Nguyện Thành. Ảnh: Đại học Hoa Sen. |
Ý kiến khác nhau về sự việc GS Trương Nguyện Thành
Tuần qua, nhiều báo đài đưa tin về việc GS Trương Nguyện Thành, dù nhận được sự tín nhiệm của Hội đồng Quản trị ĐH Hoa Sen với 16/18 phiếu đồng ý, nhưng Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT không đủ cơ sở để đề xuất UBND TP.HCM công nhận GS Trương Nguyện Thành là hiệu trưởng. Nguyên nhân, theo quy trình công nhận hiệu trưởng của Luật Giáo dục ĐH, GS Thành chưa đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Câu chuyện bắt đầu được dư luận chú ý khi lá thư GS Trương Nguyện Thành gửi giảng viên, nhân viên, sinh viên ĐH Hoa Sen chào tạm biệt để quay lại Mỹ làm việc được chia sẻ trên báo chí.
Nhiều người đã lên tiếng xung quanh sự việc này với những quan điểm khác nhau.
GS Vũ Văn Hóa, Hiệu phó Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trả lời trên vnexpress cho rằng quy định phải có 5 năm làm quản lý cấp khoa, phòng mới được làm hiệu trưởng, trong trường hợp GS Trương Nguyện Thành là cứng nhắc.
Zing.vn dẫn lời TS Phạm Hiệp, trong đó có quan điểm: trường hợp của ĐH Hoa Sen và GS Trương Nguyện Thành cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại, rà soát tất cả điều khoản bất hợp lý của Luật Giáo dục Đại học hiện tại.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng quy định này là hợp lý. Trên vnexpress, PGS Nguyễn Thiện Tống (Đại học Bách khoa TP HCM) - một trong số ít người đồng sáng lập trường Tin học và Quản lý Hoa Sen, tiền thân của Đại học Hoa Sen – nhận định: "Hội đồng quản trị của Đại học Hoa Sen không cân nhắc kỹ trước khi bỏ phiếu đề xuất ông Thành làm hiệu trưởng. Quy định của Bộ GD&ĐT cho chức danh này là hợp lý".
Theo ông Tống, không chỉ có quy định của Bộ GD&ĐT mà mỗi đại học có quy định riêng tiêu chuẩn cho chức vụ hiệu trưởng, trong đó phần lớn yêu cầu phải có kinh nghiệm quản lý cấp phòng, khoa. Đây là những bước chuyển cần thiết và logic. Đột ngột đưa một người chưa có kinh nghiệm quản lý lên một chức rất cao trong đại học là không nên. Cần phân biệt rõ khả năng nghiên cứu khoa học và khả năng quản lý của một người.
Đại diện Bộ GD&ĐT lên tiếng về việc này, TS Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - khẳng định Luật giáo dục đại học 2012 quy định một trong các tiêu chuẩn hiệu trưởng là "có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm". Vì vậy, trên bình diện chung nhất, ở thời điểm này, các văn bản dưới luật và thực tế thực thi pháp luật đều tuân thủ quy định.
Tiêu chuẩn hiệu trưởng cần có nội dung về kinh nghiệm quản lý như một điều kiện đảm bảo chất lượng quản lý đối với vị trí việc làm này. Ở Việt Nam và nhiều nước, hầu như không có hiệu trưởng đại học nào trước khi được bổ nhiệm lại chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực được giao quản lý. Càng trường uy tín thì kinh nghiệm ứng viên hiệu trưởng càng quan trọng. Đó cũng là một trong các căn cứ để lựa chọn hiệu trưởng tốt nhất trong số ứng viên.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng cũng cho biết, Luật giáo dục đại học đang trong giai đoạn sửa đổi. Nội dung của dự thảo vẫn giữ số năm quản lý nhưng mở hơn, không nhất thiết phải có kinh nghiệm ở cơ sở giáo dục đại học mà có thể quản lý giáo dục đại học ở các cơ quan bộ, ngành, viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ. Qua hai dự thảo lần bốn và năm cho đến nay, không có ý kiến góp ý về nội dung này.
3 nhà khoa học được Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 |
Những giảng viên, sinh viên giành giải thưởng lớn
Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin: Ngày 5/5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã phê duyệt trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 cho 3 nhà khoa học được Hội đồng Giải thưởng đề xuất.
Theo đó, giải thưởng chính được trao tặng cho 2 nhà khoa học: TS. Trần Đình Phong, giảng viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là tác giả công trình khoa học trong lĩnh vực Vật lý; PGS. TS. Phạm Văn Hùng, giảng viên Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM), là tác giả công trình khoa học trong lĩnh vực Sinh học Nông nghiệp.
Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ được trao cho TS. Đỗ Quốc Tuấn, giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), là tác giả công trình khoa học trong lĩnh vực Vật lý.
Lễ trao giải dự kiến sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2018) tại Hà Nội.
Báo Thanh niên đưa tin về vòng chung kết hội thi Thủ lĩnh sinh viên toàn quốc lần thứ 2, năm 2018. Kết quả chung cuộc sau 3 phần thi, thí sinh Nguyễn Hoàng Phúc (TP.HCM) giành giải nhất với phần thưởng trị giá 15 triệu đồng; Nguyễn Thị Hồng Cúc (Vĩnh Long) giành giải nhì (10 triệu đồng) và Lê Duy Khánh (Hà Nội) giành giải ba (5 triệu đồng).
Ngoài ra, Trung ương Hội Sinh viên VN đã trao giải thưởng phần thi Thủ lĩnh sáng tạo cho 4 thí sinh, mỗi ý tưởng sáng tạo của các thí sinh sẽ được hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng để triển khai vào thực tiễn.
Cô giáo Nguyễn Thị Côi (75 tuổi) đang giảng bài cho học sinh. Ảnh: VOV |
Ngoài tin vui trên là những bài viết ghi nhận sự nỗ lực, công hiến của nhà giáo.
VOV có bài viết về lớp học “đa cấp” của cô giáo già 75 tuổi giữa lòng Hà Nội. Năm 1994, UBND quận Hai Bà Trưng đã rất vất vả tìm giáo viên đảm nhận lớp học đặc biệt cho những trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em nghèo. Khi ấy, là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, cô Nguyễn Thị Côi đã xung phong để đảm nhận lớp.
Từ đó, một mình cô đi vận động những trẻ em lang thang từ các tỉnh lên Hà Nội đánh giày, bán bánh, vé số quanh khu vực Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) tham gia lớp học miễn phí.
Đến nay, dù đã ở tuổi 75, cô Côi vẫn lên lớp với niềm hạnh phúc lớn nhất chính là được nhìn thấy nụ cười của những học trò và cả phụ huynh. Đã có 2 học sinh trong Lớp học linh hoạt thi đỗ đại học và có công việc tốt.
Báo Dân trí viết bài về lớp học xóa mù chữ "đặc biệt" tại thôn Cốc Méo, xã Bát Đại Sơn.
Lớp học nằm đơn độc ở lưng chừng núi; "học sinh" đa dạng về độ tuổi (từ 15 tới hơn 60 tuổi), thậm chí có những người đi học tuổi đời gấp 3 lần cô giáo và 100% là dân tộc Mông.
Sự nỗ lực đáng quý của giáo viên của lớp học này không chỉ là chấp nhận khó khăn về địa lý mà còn là sự kiên trì đến từng nhà vận động “học sinh” đến lớp. Rồi "gieo chữ" đã khó, việc giúp bà con "giữ chữ" lại càng gian nan hơn.
Sau hơn 4 năm đứng lớp, 80 học viên là con số đã được xóa mù trong 4 năm qua của xã Bát Đại Sơn nói chung, nhưng khi khảo sát lại thì trong đó có tới hơn 1/4 số học sinh tái mù chữ. Mỗi lần như vậy, giáo viên lại vận động bà con tới lớp để ôn luyện lại từ đầu mới theo kịp được tiến độ của lớp. Con đường gieo chữ bản cao sẽ còn gian truân trường kì.