Bà có quan điểm như thế nào về việc: Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này cũng bổ sung vào Điều 29 nội dung “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” trong khi chương trình giáo dục phổ thông là thống nhất trong cả nước?
- Theo tôi, đây là một chủ trương đúng, nhiều nước phát triển trên thế giới đã làm theo hướng này từ rất nhiều năm trước. Điều quan trọng là cách thức tổ chức, quản lý và triển khai như thế nào để nó thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.
Tuy vậy, để các trường và giáo viên có thể chủ động nội dung giảng dạy sinh động và phù hợp với tình hình thực tiễn lại là một việc không đơn giản, đòi hỏi phải có hành lang pháp lý rất rõ ràng.
Vấn đề mấu chốt ở đây là Bộ GD&ĐT phải ban hành chương trình cho từng môn học để có những định hướng chung và cơ bản. Trên cơ sở này, các đơn vị tham gia biên soạn có căn cứ thống nhất để làm sách.
Song song với đó, Bộ GD&ĐT cũng cần phải ban hành kèm theo các quy định về quy trình đăng ký, quy trình thẩm định, tiêu chuẩn thẩm định SGK.
Các quy định này phải được công khai rộng rãi để xã hội theo dõi, giám sát; đồng thời việc thẩm định, công bố kết quả phải rõ ràng, minh bạch, hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm về chất lượng thẩm định.
Để đáp ứng nhu cầu trước mắt, Bộ GD&ĐT có thể phát hành các SGK nhất định, sau đó việc xuất bản SGK có thể chuyển giao cho các NXB. Bộ GD&ĐT phải đảm bảo khâu thẩm định và công bố kết quả.
Việc nhiều NXB cùng làm sách sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh, việc đảm bảo uy tín và thị trường sẽ giúp chất lượng sách ngày càng tốt hơn cả về hình thức và nội dung. Theo đó các địa phương, các trường có thể lựa chọn bộ SGK nào phù hợp với mình để triển khai giảng dạy.
Là ĐBQH, bà có kỳ vọng gì từ việc sửa đổi Luật GD lần này?
- Chúng tôi kỳ vọng việc bổ sung, sửa đổi Luật GD lần này sẽ loại bỏ được những bất cập trong hệ thống giáo dục về chương trình, phương pháp giáo dục, chất lượng giáo dục, chính sách chế độ cho giáo viên… Nhờ đó sẽ tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi để làm cơ sở xây dựng những chính sách về GD&ĐT phù hợp với tình hình mới của đất nước và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
“Giáo dục THCS được thực hiện trong 4 năm học, từ lớp 6 đến hết lớp 9. Học sinh vào học lớp 6 phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục THCS, học sinh có thể học tiếp lên THPT hoặc theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp. Việc miễn học phí cho cấp THCS hoàn toàn phù hợp với tinh thần nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết khẳng định từ sau năm 2020, bậc học phổ thông sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm”. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung