Khai giảng đáng nhớ

Thứ ba - 07/09/2021 05:45 214 0
GD&TĐ - Dịch bệnh khiến nhịp sống của người dân thay đổi và lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 không phải ngoại lệ.
Khai giảng đáng nhớ

Một lễ khai giảng năm học mới đặc biệt đã diễn ra ở nhiều địa phương. Phần lớn, học sinh xem truyền hình trực tiếp tại nhà, sân trường vắng ngắt vì tuân thủ quy định giãn cách để phòng chống dịch bệnh. Dù ngồi trước màn hình tivi hay điện thoại, nhưng cảm xúc bồi hồi, háo hức của lễ khai giảng năm học mới vẫn vẹn nguyên.

Khai giảng muộn

Sáng 6/9, tất cả trường học trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Hà Giang quyết định tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2021 - 2022 trong không gian nhỏ của lớp học. Đây là lễ khai giảng đặc biệt chưa từng có trong tiền lệ.

Các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học chuẩn bị đầy đủ thiết bị y tế, vệ sinh môi trường tại phòng học, khu ở bán trú… cũng như tiến hành trang trí lớp học bằng các bức tranh, hình ảnh, khẩu hiệu chào năm học mới.

Lễ khai giảng chỉ diễn ra trong 30 phút nhưng đầy đủ các nghi thức: Chào cờ, đọc thư của Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới, nêu ý nghĩa ngày khai giảng. Nội dung khai giảng tuy ngắn gọn nhưng đầy đủ và ý nghĩa, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho thầy và trò.

Sau lễ khai giảng, các lớp học theo thời khóa biểu đã có. Với trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh, công tác chuẩn cơ sơ vật chất bán trú, vệ sinh an toàn thực phẩm được chuẩn bị chu đáo.

Tại Thanh Hóa, sáng 6/9, học sinh từ cấp học tiểu học trở lên háo hức đón lễ khai giảng năm học 2021 - 2022. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên Thanh Hóa quyết định khai giảng muộn hơn một ngày so với quy định. Nhiều địa phương trong tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội, nên cách thức tổ chức cũng linh hoạt theo từng hình thức, như: Trực tuyến, trên sóng phát thanh hoặc trực tiếp trên hạ tầng số…

Từ sáng sớm, thầy cô giáo đã đón học sinh vào lớp sau khi thực hiện công tác phòng dịch nghiêm ngặt. Thầy Trương Đức Văn – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Lệ, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) chia sẻ: Dù phải tổ chức khai giảng muộn sau một ngày theo quy định và chỉ tổ chức trong lớp học, nhưng thầy và trò nhà trường rất vui vẻ, phấn khởi.

“Trong lễ khai giảng, sau khi chào cờ, hát Quốc ca, hiệu trưởng đã đọc thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc qua hệ thống truyền thanh cho học sinh và giáo viên toàn trường nghe. Sau lễ khai giảng, nhà trương tổ chức dạy theo chương trình chính khóa”, thầy Văn thông tin.

Còn thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) tâm sự: “Chưa năm nào lại có cảm xúc đặc biệt trong lễ khai giảng như năm nay. Do nghỉ lâu ngày, khi đến trường gặp lại bạn bè, thầy cô em nào cũng hồ hởi, phấn chấn. Sau 45 phút tổ chức lễ khai giảng ở trong lớp, nhà trường bắt tay vào thực hiện chương trình dạy chính khóa cho học sinh”.

Cũng theo thầy Đạo, trường có 6 học sinh đang ở xa, chưa về kịp để nhập học. Trong số học sinh này, có em ở tỉnh Lâm Đồng, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu... Do đó, nhà trường đã liên lạc và hướng dẫn cho các em liên hệ với trường sở tại để xin học tạm. Những học sinh đang mắc kẹt ở vùng dịch hay phải cách ly y tế, nhà trường hướng dẫn cho học sinh học trực tuyến. Còn em nào không đủ điều kiện học trực tuyến, hay không liên hệ học tạm được, nhà trường sẽ lập danh sách để báo cáo về Sở GD&ĐT xin ý kiến chỉ đạo.

“Sau khi khai giảng xong, nhà trường phối hợp với Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ học sinh nhà, giáo viên nhà trường”, thầy Đạo cho biết thêm.

Được đo thân nhiệt từ ngoài cổng trường và phải đeo khẩu trang, xịt nước sát khuẩn. Chúng em làm lễ chào cờ ở trong lớp học và được nghe thầy, cô giáo đọc thư của Chủ tịch nước… với em Lê Thị Tuyết, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Quan Sơn là cảm giác đặc biệt, chưa từng có trong cuộc đời học sinh.

Khai giảng đáng nhớ - Ảnh minh hoạ 2
Cô trò Trường Tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An dự khai giảng trực tuyến.

Dự khai giảng trong khu cách ly

Cùng với học sinh cả nước, sáng 5/9, nhiều học sinh tại “tâm dịch” Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã dự lễ khai giảng đặc biệt trong khu cách ly.

Cách ly tại Trường Đại học FPT, chị Phạm Thanh Trà, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Tuân cho biết: Hai mẹ con dạy sớm để cùng dự lễ khai giảng được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Hà Nội. Sau đó, con vào phòng học Zoom của lớp để gặp gỡ cô giáo, bạn bè.

Còn chị Trần Thanh Huyền, phụ huynh học sinh Trường THCS Thanh Xuân Trung bày tỏ: Dù đang ở khu cách ly tập trung nhưng các con đã có một buổi lễ khai giảng như mọi năm, cũng xúc động đứng chào cờ, hát quốc ca, chuẩn bị sách vở để học bài.

Trong những ngày qua, các cô giáo ở trường đều quan tâm đến học sinh, gọi điện hỏi thăm, gửi link các bộ sách giáo khoa điện tử, giải đáp các thắc mắc về việc triển khai dạy học trực tuyến... Các con đều hứa cố gắng học tốt, vượt qua khó khăn trong thời gian này. Học sinh diện F0, F1 cũng nhận được sự hỗ trợ của nhà trường.

Theo ông Phạm Gia Hữu - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội), sáng 5/9, hơn 70 nghìn cán bộ, giáo viên và học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc quận Thanh Xuân chào đón năm học mới 2021 - 2022. Sau khi dự lễ khai giảng, học sinh đã tham gia sinh hoạt đầu năm học mới trên nền tảng lớp học trực tuyến.

Các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về truyền thống của nhà trường được các thầy cô giáo tổ chức với hình thức sáng tạo, hấp dẫn, thu hút các học sinh tham gia. Từ ngày 6/9, các trường tiểu học, THSC tổ chức dạy học trực tuyến theo kế hoạch; riêng đối với học sinh lớp 6 được cô giáo tổ chức hoạt động làm quen với lớp học, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trực tuyến. Đối với cấp học mầm non, trường duy trì kết nối với gia đình, trẻ em thông qua nhóm Zalo, Facebook, website; hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, tổ chức cho trẻ vui chơi tại nhà.

“Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân đã rà soát, lập danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn; kịp thời động viên, hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các khu cách ly và các bệnh nhân điều trị Covid. Có phương án bổ sung bài học nếu các em không tham gia học trực tuyến theo đúng kế hoạch”, ông Phạm Gia Hữu thông tin.

Khai giảng đáng nhớ - Ảnh minh hoạ 3
Cô Trà Thị Thu đón HS lớp Một trong buổi khai giảng năm học mới tại điểm trường Tắk Pổ.

Ngày hội sắc màu của học sinh dân tộc

Tỉnh Nghệ An có duy nhất điểm khai giảng tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, với 8 học sinh đại diện cho 3 cấp tiểu học, THCS, THPT và một số thầy cô giáo tham gia. Còn lại, hơn 850 nghìn học sinh, cùng giáo viên, phụ huynh toàn tỉnh Nghệ An dự lễ khai giảng qua truyền hình trực tiếp.

Trường Tiểu học Mai Sơn nằm tại xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An. Do đang thực hiện Chỉ thị 15, riêng xã Mai Sơn chưa có ca bệnh nhân Covid-19, vì vậy, nhà trường linh động tổ chức cho học sinh, giáo viên tại điểm chính dự lễ khai giảng trực tuyến.

Buổi lễ khai giảng tại Trường Tiểu học Mai Sơn đơn giản chỉ với chiếc tivi đặt trong phòng hội đồng. Dù vậy, giáo viên, học sinh mặc đồng phục, váy áo truyền thống của dân tộc mình. Với đồng bào người Thái, Mông, Khơ Mú... trang phục truyền thống chỉ mặc vào dịp lễ quan trọng và lễ khai giảng năm học mới là một trong những sự kiện ý nghĩa đặc biệt.

Tại Quảng Nam, lễ khai giảng ở điểm trường trên đỉnh núi Ngọc Linh cũng bắt đầu vào lúc 7 giờ 30 ngày 5/9, cùng với HS trong cả nước. Năm nay, 2 phòng học của điểm trường Tắk Pổ (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) tạm thời di chuyển sang địa điểm gần trường cũ để bàn giao mặt bằng xây dựng trường mới.

Do mặt bằng ở điểm dựng trường tạm chật hẹp nên cô Trà Thị Thu tổ chức cho HS khai giảng trong lớp học. Học sinh được cô giáo phát khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19. Một lá cờ mới cũng được cô Thu cẩn thận đem theo trong hành trình vượt núi đến với Tắk Pổ từ mấy ngày trước. Lớp học được trang trí bóng bay. Các em HS mặc đồng phục áo trắng quần xanh đã được tặng trước đó.

Cô giáo tiến hành các nghi thức của một buổi Lễ khai giảng với thư chúc mừng khai giảng năm học mới, hướng dẫn HS chào cờ, hát Quốc ca. Lễ khai giảng của cô và trò nơi đỉnh núi quanh năm sương lạnh còn có sự tham dự của đại diện Đoàn Thanh niên địa phương.

Cô Trà Thị Thu chia sẻ: “Năm nay, điểm trường Tắk Pổ có nhiều thuận lợi hơn vì có thể di chuyển bằng xe máy, không còn phải vất vả lội bộ vài giờ đồng hồ mới tới như trước đây. Các bạn nhỏ, bà con ai cũng vui mừng vì mình lên đây dạy làm cô cũng vui lây”.

Công trình xây dựng mới điểm trường Tắk Pổ đang triển khai thì phải dừng lại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập cho hay: Theo thiết kế, điểm trường Tắk Pổ được xây dựng kiên cố, đúc bằng bê tông cốt thép để chống chịu được mưa bão, sạt lở, lũ quét, kiến trúc bám sát địa hình và văn hóa đồng bào bản địa. Ngoài 2 phòng học, công trình còn có nhà ở dành cho GV, bố trí bếp ăn, nhà vệ sinh. Riêng phòng của lớp mẫu giáo có nhà vệ sinh trong phòng học theo đúng chuẩn của bậc học.

Khai giảng đáng nhớ - Ảnh minh hoạ 4
Lễ khai giảng trực tuyến của Trường THCS Thanh Xuân Trung.

Bồi hồi nhớ tiếng trống trường

Mùa khai trường năm nay, hầu hết các trường học tại TPHCM không có tiếng trống rộn rã như thường lệ. Thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) nói:

“Là hiệu trưởng, tôi hiểu rõ mong ước và khát khao được đến trường của thầy cô và học sinh. Khát khao đến trường không chỉ của cá nhân tôi mà còn là ước muốn của tất cả người dân TPHCM. Nhưng không vì thế mà chúng tôi kém đi phần nghi lễ quan trọng của một năm học. Trường chúng tôi vẫn chỉ đạo các thành viên bằng hình thức online, giáo viên có thể tương tác trực tuyến với học sinh và phụ huynh để chuẩn bị tốt cho năm học mới”.

Dù chuẩn bị tâm lý thích ứng với năm học đặc biệt nhưng Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai không tránh khỏi băn khoăn: “Đối với lớp 1 quả là một giải pháp nặng nề nhất khi các em chưa được nhìn tận mắt cô giáo, chưa quen nền nếp. Phụ huynh chưa có kĩ năng rèn cho học sinh cách học online”.

Chị Quỳnh Hân (Quận 8, TPHCM) có con vào lớp 1 Trường Tiểu học Âu Dương Lân chia sẻ: “Tôi rất lo vì bé chưa biết đọc, nên thường xuyên tham khảo ý kiến của cô giáo hoặc trao đổi qua Zalo để nhờ hỗ trợ. Bé nào chưa có đủ sách, GV hỗ trợ những đường link để dùng sách trực tuyến. Nhìn chung, mọi thứ đều khó cho các bé lớp 1 nhưng phải cố gắng hết mình thôi”.

Trong khi đó, một giáo viên tiểu học ở Quận 8, TPHCM, bày tỏ: “Mùa tựu trường, giáo viên ai cũng nô nức, vui mừng để bắt đầu một năm học mới. Tuy nhiên, năm nay vì tình hình dịch bệnh căng thẳng, tôi không tránh khỏi những băn khoăn, lo âu vì nhiệm vụ đào tạo, giảng dạy thêm nặng nề và học sinh phải học online… Tôi đã chuẩn bị tâm thế cho tất cả HS có thể tham gia học, từ việc cung cấp sách SGK,  hướng dẫn đầy đủ cho phụ huynh để có thể hỗ trợ cho học sinh học online”.

Cô Trần Hạ Quyên - GV Trường THPT Tạ Quang Bửu (TPHCM) bày tỏ: “Năm học 2021 - 2022 cuối cùng cũng đến sau hàng tháng TPHCM phải căng mình trong đại dịch. Khó khăn vẫn còn chất chồng, ưu tư vẫn còn nặng trĩu với tất cả thành phần trong xã hội chứ không chỉ riêng gì giáo viên chúng tôi.

Một năm học đặc biệt: Không có ngày khai giảng, không có tiếng trống tựu trường, không có màu áo trắng tinh cùng tiếng cười giòn giã cũng như những gương mặt tươi non của  học sinh. Thầy trò chúng tôi sẽ bước vào năm học đặc biệt này với giao diện màn hình máy tính và điện thoại”.

Những ngày qua, giáo viên các cấp học tại TPHCM đã và đang trang bị cho mình một tâm thế và phương pháp để kịp thích nghi cho việc dạy online.

“Nếu nói rằng không buồn thì không đúng nhưng chúng tôi không cảm thấy hụt hẫng. Cá nhân tôi cũng có chút nôn nao mong chờ gặp học sinh mới. Tôi nghĩ trong hoàn cảnh hiện nay được làm việc, được gặp học sinh đã là hạnh phúc và may mắn vì còn bao nhiêu con người đang thầm lặng ở tuyến đầu để chúng tôi yên tâm dạy học. Cái gì mới mẻ mà không có khó khăn? Nếu chờ đợi dịch qua thì không biết đến khi nào trẻ con mới được học hành?”, cô Quyên bày tỏ.

Dịch bệnh nên học sinh cũng bị thiệt thòi, từ việc háo hức nhưng chưa được đến trường, đến việc bỡ ngỡ trước hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, thành phố và ngành Giáo dục cần sự chia sẻ của phụ huynh học sinh.

Chia sẻ điều này, thầy Phạm Trung Hữu nhắn nhủ: “Chúng ta có thể thiếu đi một vài nghi lễ cho năm học mới, nhưng để an toàn cho sức khỏe học sinh và giáo viên, hình thức khai giảng và học trực tuyến là hợp lý. Trong thư Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi cho ngành Giáo dục nhân ngày tựu trường đã thấy được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát từ phía các cấp lãnh đạo đến nền giáo dục của nước nhà, mà đặc biệt là đối với TPHCM. Qua bức thư này có thể nói đây là nguồn động viên tinh thần lớn nhất đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh hiện nay”.

Năm học 2021 - 2022, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Trường THCS Tân Châu (Hưng Yên) tổ chức Lễ khai giảng trực tuyến. Trong buổi lễ trang trọng, ngắn gọn, thầy và trò Trường THCS Tân Châu cùng nhau nhìn lại kỉ niệm khó quên trong năm học cũ khi một số học sinh, giáo viên nhà trường phải đi cách ly tập trung. Đồng thời, thầy Hiệu trưởng Lê Văn Bảy gửi lời chúc mừng, động viên đến 133 học sinh lớp 6, thành viên mới của nhà trường và học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên trước thềm năm học mới.
 
Chia sẻ với học sinh nhà trường, thầy Lê Văn Bảy nhắn nhủ: Đại dịch Covid dạy cho ta nhiều bài học, giúp ta học cách chấp nhận mọi biến động của cuộc sống, học cách thích nghi với những đổi thay bất ngờ, học cách sống đơn giản, biết ơn và suy ngẫm. Dịch bệnh cũng là cơ hội để chúng ta tự học những gì chưa biết, chưa giỏi; là dịp sống chậm lại để cảm nhận giá trị quý giá của cuộc sống bình thường, để biết ơn và trân trọng bình yên mà ta đang có.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập835
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm834
  • Hôm nay57,304
  • Tháng hiện tại335,434
  • Tổng lượt truy cập51,691,393
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944