Khi tâm huyết chuyển hóa thành hành động

Thứ bảy - 28/04/2018 03:56 938 0
GD&TĐ - Trong khi dư luận gần đây đặc biệt quan tâm đến một số trường hợp cá biệt về giáo viên bị phụ huynh bắt quỳ gối, hay giáo viên bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng…
Khi tâm huyết chuyển hóa thành hành động

Bên cạnh vài hình ảnh gây đau lòng hay phản cảm, trong ngành Giáo dục vẫn còn vô vàn những hình ảnh đẹp về những giáo viên tận tụy, ân cần, thậm chí hy sinh rất nhiều vật chất, tinh thần vì học sinh thân yêu.

Những người đưa đò tận tụy với trái tim ấm nóng

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Nhị (Nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương) chia sẻ với phóng viên Báo GD&TĐ những dòng tâm sự của học trò Ngô Xuân Hoàng (Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế): “Cảm ơn cô đã chăm sóc và trang bị cho em không chỉ kiến thức mà cả tình yêu thương, sự hiểu biết trong cuộc sống. Nhờ đó mà em có thể vượt lên mọi hoàn cảnh, đứng vững bằng đôi chân của mình.”

Được biết Hoàng là một học sinh bộc lộ năng khiếu học giỏi môn Hóa học, đỗ vào trường chuyên nhưng hoàn cảnh khó khăn, tưởng chừng Hoàng bỏ học chuyên về trường ở quê học. Nếu không có sự giúp đỡ của nhà trường, sự động viên của bố mẹ, đặc biệt là sự trực tiếp theo sát, tận tình của cô Nhị, có thể không có được một học sinh Ngô Xuân Hoàng với những thành tích cao về môn Hóa học.

Cô Nhị dạy thêm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn không lấy tiền, cô giúp học sinh từ tài liệu để học đến những động viên vật chất, tinh thần. Cô gần như người mẹ thứ hai của Hoàng. Ngô Xuân Hoàng từ sự giúp đỡ trực tiếp của cô giáo có trái tim biết tan chảy với học sinh vượt khó, mà em đã đạt được những giải thưởng cao khi thi học sinh giỏi môn Hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, và nhất là đoạt giải Vàng Olympic Hóa học quốc tế.

Khi đã là một sinh viên năm thứ 2 của Trường ĐH Dược Hà Nội, Hoàng viết về cô giáo của mình: “Trong trái tim không chỉ riêng em, mà tất cả lớp lớp thế hệ học sinh đã được cô dìu dắt luôn có hình ảnh và nụ cười rạng ngời hiền hậu của cô…”

Cô Nguyễn Thị Nhị tâm sự rằng: “Đó là những tình cảm ghi nhớ công ơn của học trò mà tôi không bao giờ quên. Cuộc đời làm giáo viên chỉ cần bấy nhiêu thôi, chỉ cần học trò đứng trên chính đôi chân của các em… Đó là hạnh phúc lớn nhất và vô giá mà người giáo viên nào cũng mong ước”.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Mai Hương (Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) nói như một lời nhắc nhở bản thân- “Những người đưa đò tận tụy cũng cần thay đổi chính mình. 10 năm qua tôi được tiếp xúc với nhiều đối tượng học sinh khác nhau: có những em vừa giỏi vừa ngoan, nhưng cũng có những em vừa lười học lại không có ý thức rèn luyện đạo đức”.

Theo cô Mai Hương, khi làm giáo viên chủ nhiệm, người giáo viên phải xác định được vai trò của mình là một “quản lí nhỏ”, mọi việc tổ chức điều hành lớp đều phải suy nghĩ kĩ, tỉ mỉ tới từng việc tưởng như là nhỏ bé, bình thường song lại không thể thiếu.

Giáo viên chủ nhiệm phải gần gũi, thấu hiểu quan tâm và nắm chắc hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp. “Tôi luôn tâm đắc những dòng chữ của một thầy giáo người Nga đã viết: “Đến với một nhà giáo dục điểm chủ yếu là tình người. Đó cũng là nhu cầu sâu sắc trong lòng mỗi con người.

Có lẽ mầm mống của hứng thú sư phạm là ở chỗ hoạt động sáng tạo đầy tình người để tạo ra hạnh phúc cho con người. Đó là một điều vô cùng quan trọng. Vì khi ta tạo ra niềm vui cho người khác, cho trẻ thơ thì ở họ sẽ có một tài sản vô giá: đó là tình người mà tập trung ở sự nhiệt tâm, thái độ ân cần, sự chu đáo, lòng vị tha”.- Cô Mai Hương giãi bày suy nghĩ.

Cô Mai Hương cho rằng, việc phối hợp giữa giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm sẽ duy trì sĩ số học sinh ổn định. Học sinh có thể thích học môn này, không thích môn kia vì những lý do khác nhau, nên giáo viên chủ nhiệm cần tìm hiểu cặn kẽ các nguyên nhân để cùng với giáo viên bộ môn đề ra các biện pháp thích hợp, nhằm giúp học sinh có thể có kết quả học tập tốt hơn, từ đó các em sẽ hứng thú học tập và đi học đều đặn hơn.

“Theo tôi, sự thành công của giáo viên chủ nhiệm không phải lúc nào cũng là làm cho một học sinh học rất kém trở thành học sinh giỏi, mà đôi khi chỉ là khiến một học sinh chưa bao giờ học bài về nhà bỗng nhiên buổi tối biết lôi vở ra học”- Cô Mai Hương chia sẻ kinh nghiệm.

Để giáo dục một học sinh thì chỉ trông chờ vào giáo viên, vào nhà trường là không đủ. Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên với phụ huynh. Cô Mai Hương cho rằng: “Việc hình thành nhân cách cho HS không thể thiếu vai trò của phụ huynh học sinh, vì ngoài những giờ lên lớp thì các em ở trong sự kiểm soát của gia đình và xã hội.

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học tôi đã tìm hiểu kĩ từng học sinh của lớp mình về tính cách cũng như thái độ học tập để báo cho phụ huynh biết ngay trong buổi họp phụ huynh đầu tiên, tất cả những biểu hiện tiêu cực mà học sinh dễ mắc phải, để phụ huynh quan tâm nhắc nhở con em mình và có giải pháp kịp thời ngăn chặn, sửa chữa.

Khi học sinh vi phạm, hoặc có những vấn đề có dấu hiệu bất thường là tôi gọi điện thoại nói chuyên một cách gần gũi và cởi mở với phụ huynh để kịp thời uốn nắn và giáo dục các em”.

“Mọi hành động, suy nghĩ, cư xử của giáo viên sẽ ảnh hưởng rất nhiều về quan niệm của học sinh và phụ huynh. Khi nói với phụ huynh và học sinh, giáo viên phải nói phải bằng tấm lòng chân thành, cởi mở, phải khiến học sinh có cảm giác giáo viên là chỗ dựa tinh thần” - Cô Mai Hương lưu ý các đồng nghiệp của mình- “Giáo viên phải biết lắng nghe và không áp đặt học sinh. Có như thế các con mới thấy mình được tôn trọng và khi thầy cô nói các con cũng sẽ chú ý và vâng lời. Người thầy cần phải mẫu mực cả trong lời ăn tiếng nói trong cuộc sống hằng ngày.

Học sinh bậc THCS là lứa tuổi mưa nắng thất thường, rất dễ tự ái, có lòng tự trọng và sĩ diện rất cao. Chỉ cần một sơ suất nhỏ của giáo viên sẽ để lại ấn tượng không tốt cho học sinh, đặc biệt là các em học sinh cá biệt. Giáo viên phải động viên khuyến khích học sinh, song không dễ dãi, hời hợt, không quá khắt khe gay gắt dễ dồn học sinh đến chỗ tự ti, chán nản.

Học sinh mắc lỗi, chưa ngoan thì phải phạt, nhưng phạt sao cho công minh, phân tích phải trái, có lí, có tình để các con thấy rõ cái sai của mình mà sửa.”

Giáo dục đang trông chờ vào trái tim của mỗi thầy cô

TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) chia sẻ với các giáo viên tại Hội nghị “Bởi chúng ta là giáo viên chủ nhiệm” của hệ thống trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội:

“Tôi là người xây dựng hệ thống giáo dục “không chọn lọc đầu vào”. Ý nghĩa nhân văn của những trường không chọn lọc đầu vào ở chỗ không có HS nào “không đủ tiêu chuẩn” để bị “từ chối” nhận vào học, hay bị “đuổi” ra khỏi trường vì không “đạt tiêu chuẩn”. Tôi vẫn nói ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng: “Người là hoa của đất” và mỗi một con người đều có thể “nở hoa”.

Trong thời đại 4.0 không chỉ có sự phát triển của khoa học kỹ thuật, mà sự biến động của xã hội rất lớn. Trong xã hội hiện nay, nhiều gia đình trẻ có trí thức, có hiểu biết, và họ dồn hết tâm sức cho con cái của mình.

Nhưng cũng còn bao nhiêu gia đình trẻ mà ở đó những ông bố, bà mẹ mải bươn chải, mải lo cuộc sống, và cũng chịu rất nhiều tác động xã hội đối với việc nuôi dạy những đứa trẻ”.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, đói nghèo về vật chất không lo bằng đói về giáo dục, và hiện nay: “Các gia đình đang trông chờ vào đâu trong vấn đề giáo dục những đứa trẻ? Họ chỉ trông chờ được vào nhà trường, họ trông chờ vào tâm hồn của mỗi thầy cô giáo. Sứ mệnh của nhà trường, sứ mệnh của các thầy cô rất cao cả. Càng thời đại 4.0 đang khiến những robot thay thế con người rất nhiều, nhưng không bao giờ robot thay thế được những thầy cô giáo”.

“Cá nhân tôi hết sức cảm phục các thầy cô giáo chủ nhiệm” - PGS.TS Tâm lý học Trần Thị Lệ Thu bày tỏ cảm xúc khi được biết về những tận tụy, những hy sinh hết lòng vì học sinh của các giáo viên có “tâm” - “Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 không bao giờ thay thế được một thứ, thứ đó không bao giờ ngừng đập nếu con người còn có minh mẫn, còn hiện diện trên cuộc sống này, đó là trái tim của con người”.

Một khi giá trị yêu thương nhân ái chuyển hóa thành hành động của các thầy cô giáo thì giá trị này tỏa sáng, giúp cho những sáng tạo, sự trung thực của mỗi giáo viên mang lại cảm giác an toàn, tin yêu cho học sinh.

“Trái tim của các thầy cô đã tan chảy, khi các thầy cô đến tận nhà học sinh vì chưa cảm thấy an tâm, cảm thấy hình như mình chưa giúp được học sinh khi các em cần đến sự giúp đỡ, chia sẻ của giáo viên” - PGS.TS Trần Lệ Thu phân tích - “Một khi trái tim của các thầy cô tan chảy về học sinh của mình, thì có một câu hỏi các thầy cô nhất định phải tìm câu trả lời, đó là nỗi niềm khó khăn của học sinh mà cha mẹ, thầy cô chưa trợ giúp được đều có nỗi niềm căn nguyên của nó.

Khi mà thầy cô đã tìm hiểu và chạm được vào căn nguyên đó thì lúc đó tất cả những hành động của thầy cô có thể trở thành những “thang thuốc” chữa trị những nỗi niềm, những khó khăn đó của học sinh.

Tôi cảm phục vì những cô giáo hết sức trung thực với mình, có lỗi với học sinh thì nhận lỗi, chưa hiểu học sinh, chưa giúp được học sinh gặp khó khăn thì các cô giáo đã đi tìm bằng được nguyên nhân, để giúp đỡ học sinh. Con đường luôn ở phía trước chờ đợi những con người quả cảm, dũng cảm như vậy”

“Những gì có trong trái tim của thầy cô nếu chuyển hóa thành hành động cố gắng, hết mình vì học sinh, thì trái tim của thầy cô sẽ chạm tới trái tim của phụ huynh, đặc biệt là chạm tới trái tim đối tượng chính trong giáo dục của chúng ta là học sinh.

Trái tim của học sinh, trí tuệ của học sinh vô cùng nhạy cảm, nếu như trái tim của các thầy cô tan chảy thành hành động vì học sinh, thì chắc chắn trái tim của học sinh cũng sẽ tan chảy” - PGS.TS Trần Lệ Thu nhận định từ chiêm nghiệm trong quá trình làm việc với rất nhiều trường học.

Tác giả bài viết: Thanh Tuấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập414
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm413
  • Hôm nay26,487
  • Tháng hiện tại291,656
  • Tổng lượt truy cập51,647,615
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944